TIN TỨC BỆNH VIỆN

CAN THIỆP NỘI MẠCH PHƯƠNG PHÁP ĐIỀU TRỊ TỐI ƯU CHO BỆNH NHÂN TẮC ĐỘNG MẠCH MẠN TÍNH CHI DƯỚI
[ Cập nhật vào ngày (30/03/2021) ]

Với trang thiết bị y tế hiện đại và tay nghề chuyên môn cao, các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa thành phố Cần Thơ đã triển khai thành công phương pháp chụp, nong và đặt stent động mạch chi dưới số hóa xóa nền (hay can thiệp nội mạch) điều trị tắc động mạch mạn tính chi dưới (TĐMMTCD).


Thực hiện thành công kỹ thuật này một lần khẳng định vị trí đi đầu của Bệnh viện Đa khoa thành phố Cần Thơ trong triển khai các kĩ thuật mới có rất nhiều ưu điểm ngay tại thành phố Cần Thơ.

Một bệnh nhân nam tên T. V. H (64 tuổi) quê ở huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng nhập viện trong tình trạng lạnh, tê tím toàn bộ cẳng chân trái. Được biết khoảng 02 tuần trước bệnh nhân có dấu hiệu mỏi chân, các dấu hiệu mỏi, đau ngày càng nhiều hơn nên bệnh nhân đã đến khám tại bệnh viện. Qua các kết quả, bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân có huyết khối đùi nông chân trái mạn tính.

Hình ảnh vị trí tắc trên động mạch chi trái.

Vào can thiệp, các bác sĩ mở đường vào mạch máu ở động mạch đùi chung trái, sau đó chụp mạch số hóa xóa nền (DSA) bằng ống thông đánh giá tổng thể vùng tổn thương, sau đó sử dụng các dụng cụ chuyên dụng để can thiệp mạch.

Dựa vào hình ảnh từ DSA, ê-kíp can thiệp có thể nhìn thấy trực tiếp vị trí của tổn thương, hình thái cũng như mức độ tổn thương và cấu trúc của thành mạch máu từ đó đánh giá, nhận định được tổn thương này là do huyết khối hay do xơ vữa. Qua những nhận định đó, các bác sĩ có thể lựa chọn phương án và dụng cụ tối ưu để can thiệp hiệu quả nhất.

Sau 2 giờ can thiệp, hình ảnh chụp DSA cho thấy động mạch đùi đã được tái thông trở lại, dòng máu chảy đến các phần xa của chi tốt. Nhờ đó các triệu chứng lâm sàng của bệnh nhân được cải thiện ngay, bàn chân hồng trở lại, cảm giác tê bì giảm. Bệnh nhân gần như hồi phục ngay sau can thiệp và rất hài lòng với kết quả điều trị.  

BS khám và đánh giá sức khỏe trước khi cho bệnh nhân xuất viện.

       Bệnh TĐMMTCD là bệnh lý thường gặp, tại Mỹ theo nghiên cứu của John W.York và Spence M.Taylor (2010) mỗi năm có hơn 10 triệu người mắc bệnh tắc động mạch chi dưới, trong đó bệnh nhân trên 70 tuổi chiếm tỉ lệ 14,5% các trường hợp. Mỗi năm có trên 100.000 bệnh nhân cần phải can thiệp tái lưu thông mạch máu trong đó cắt cụt chi chiếm từ 1 đến 7% trong tất cả các trường hợp. Ở những quốc gia phát triển ước lượng có khoảng 16% dân số ở độ tuổi từ 55 trở lên.

          Bệnh TĐMMTCD nếu không được điều trị kịp thời thì bệnh sẽ diễn tiến nặng làm loét và hoại tử chi. Đây là nguyên nhân hàng đầu của cắt cụt chi thậm chí có thể làm cho bệnh nhân tử vong, điều này ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của bệnh nhân và tiêu hao nguồn y tế của mỗi quốc gia. TĐMMTCD thường xảy ra ở người lớn tuổi có nhiều yếu tố nguy cơ kèm theo, vì vậy lựa chọn phương pháp điều trị cho bệnh nhân cũng được ưu tiên hàng đầu.

“Để chẩn đoán bệnh tắc động mạch mạn tính thường khó vì các triệu chứng này thường bị nhầm lẫn với đau do thoái hóa cột sống thắt lưng hay thoát vị đĩa đệm. Vì vậy, người bệnh ở giai đoạn này thường không phát hiện” – ThS.BS. Nguyễn Văn Trang – Phó trưởng khoa Ngoại Lồng ngực, người trực tiếp thực hiện các ca can thiệp nội mạch, cho biết.

Can thiệp nội mạch là phương pháp can thiệp xâm lấn tối thiểu nên người bệnh chỉ có vết đâm kim rất nhỏ, nhưng hiệu quả điều trị cao hơn những phương pháp khác, thời gian bình phục nhanh hơn rất nhiều. Ngoài ra, Bệnh viện Đa khoa thành phố Cần Thơ còn thực hiện phẫu thuật bắc cầu động mạch đối với các giai đoạn muộn hơn. Việc lựa chọn phương pháp phẫu thuật được dựa trên những kết quả chẩn đoán chính xác của bác sĩ có chuyên môn cao.

Địa chỉ tư vấn và điều trị:

  • Phòng khám số 19 (Ngoại Lồng ngực): Tầng 1 Bệnh viện Đa khoa thành phố Cần Thơ
  • Số 04 – Châu Văn Liêm – P. Tân An – Q. Ninh Kiều – TP. Cần Thơ



Tổ Truyền thông

  In bài viết



tin nổi bật


Đơn vị trực thuộc

Tìm kiếm tin tức