TIN TỨC BỆNH VIỆN

VUI TẾT - KHÔNG LO TĂNG ĐƯỜNG HUYẾT
[ Cập nhật vào ngày (14/01/2020) ]

Bài viết được BSCKII. Lưu Ngọc Trân, Trưởng khoa Nội tiết hỗ trợ về nội dung chuyên môn. Xuân Canh Tý 2020 sắp về, nhịp sinh hoạt có phần xáo trộn so với ngày thường. Với người bệnh đái tháo đường (ĐTĐ), việc ăn Tết sao cho vui mà vẫn khỏe thật không dễ, khi đa phần các món ăn truyền thống đều “gây khó” trong việc giữ đường huyết ổn định.


Ăn uống thiếu khoa học là một trong những nguyên nhân khiến đường huyết không ổn định. Xây dựng chế độ ăn hợp lý, cân bằng năng lượng trong ngày Tết phải tùy vào tình trạng bệnh. Người bệnh ĐTĐ vẫn có thể thưởng thức những món ngon như bánh chưng, thịt đông, thịt gà…thậm chí có thể thưởng thức chút ít các loại bánh, mứt. Nếu có sự hiểu biết và tuân thủ một số nguyên tắc, việc kiểm soát đường huyết nói riêng và các biến chứng do đường huyết tăng nói chung vào ngày Tết là không quá khó.

  • KIỂM SOÁT TỐT DINH DƯỠNG

Các món ăn ngày Tết như các loại bánh mứt kẹo, đồ uống có gas, hoa quả sấy khô, trái cây, bánh chưng, xôi chè… chứa đường đơn, hoặc đường phức dễ cắt thành đường đơn, hấp thu nhanh vào máu dễ khiến đường trong máu tăng nhanh sau ăn.

Thực phẩm giàu năng lượng, chất đạm, chất béo dễ khiến người bệnh ĐTĐ rơi vào tình trạng mất kiểm soát mỡ máu, huyết áp dẫn tới nhiều biến chứng nguy hiểm. Đặc biệt, người bệnh quá cân, béo phì cần hạn chế thực phẩm nhiều chất béo, chất đạm như giò, thịt nấu đông, thịt gà...

Những món được chế biến từ ngũ cốc, tinh bột như bánh chưng, xôi chè… người bệnh nên ăn mức vừa phải và nên ăn kèm theo các loại rau xanh, dưa góp, củ quả… là loại thực phẩm chứa nhiều chất xơ, chỉ số tăng đường huyết thấp. Chất xơ sẽ giúp hấp thu đường vào máu chậm, làm tăng cảm giác no giúp kéo dài quá trình tiêu hoá nên hạn chế khả năng gây tăng đường huyết sau ăn.

Củ kiệu, dưa hành, rất nhiều đường, nên hạn chế, có thể ăn một chút cho có hương vị Tết. Tổng số lượng ăn của những loại trên không quá một muỗng mỗi bữa.

Nên hạn chế uống rượu vì rượu có thể làm lu mờ các triệu chứng hạ đường huyết, có thể gây nhầm lẫn trong xử trí của những người thân xung quanh vì vậy có thể ảnh hưởng đến tính mạng người bệnh.

Những món như bún khô, bún tươi, bánh tráng được xem tương đương cơm. Ngày Tết mọi người thường có thói quen ăn thịt, trứng cuốn bánh tráng với cả bún khô hoặc bún tươi. Khi tính toán khẩu phần ăn cần tính cả 2 món. 

Cụ thể 1 chén cơm tương đương:

+ 1 chén bún khô trụng,

+ hoặc 14 cái bánh tráng loại nhỏ.

Như vậy nếu bữa đó không ăn 1 chén cơm có thể đổi thành 7 cái bánh tráng cuốn với ½ chén bún kèm đồ ăn.

Trái cây nên chọn những loại trái ít ngọt: ăn 1 lần 1 suất, ăn nhiều lần trong ngày nhưng không quá số suất trái cây cho phép trong ngày (theo bảng ước lượng thực phẩm được ăn).

Đối với lạp xưởng, giò thủ, chả lụa là nhóm chất đạm:

+ Một cây lạp xưởng tương đương 50g thịt nạc nhưng do lạp xưởng chứa lượng mỡ quá lớn và quá nhiều muối, không tốt cho người có bệnh ĐTĐ nên lượng ăn cho phép là không quá ½ cây.

+ Giò thủ, chả lụa cũng vậy, số lượng ăn 1 lần nên khoảng 50-100gr.Tất cả các món trên chỉ nên ăn 1-2 lần trong dịp Tết.

+ 1 cái trứng kho được xem tương đương với 50gr thịt. Nếu được phép ăn 100gr thịt 1 bữa, có thể đổi thành 1 cái trứng kho với 50gr thịt kho tàu chỉ ăn phần nạc.

  • ĐO ĐƯỜNG HUYẾT THƯỜNG XUYÊN

Ngày Tết, người bệnh ĐTĐ cần đo đường huyết sau ăn thường xuyên hơn, nếu chỉ số đường huyết sau ăn tăng cao hơn bình thường thì không nên ăn tiếp những thực phẩm này. Máy đo đường huyết cá nhân sẽ giúp người bệnh có con số chính xác về sự ổn định của đường huyết. Thông thường, thời gian cuối năm thời tiết thường lạnh, trong khi đa số máy đo đường huyết có thể sẽ hoạt động không tốt khi nhiệt độ quá thấp. Vì vậy, trước khi đo hãy làm ấm máy đo bằng chính nhiệt độ của cơ thể (ủ trong lòng bàn tay).

  • CHÚ Ý THÓI QUEN SINH HOẠT

Người bệnh ĐTĐ cần nhớ ăn đủ bữa và cố gắng ăn số lượng không thay đổi so với ngày thường, cụ thể:

  • Tăng cường rau (đủ 400g rau/ngày).
  • Uống đủ nước 1,5-2 lít mỗi ngày.
  • Rượu không quá 2 ly nhỏ, bia không nhiều hơn 1 lon/ngày. Thay vì bia rượu, người bệnh nên uống nước trà hoặc một chút vang đỏ lại có lợi cho sức khỏe của người bệnh đái tháo đường, giúp bảo vệ hệ tim mạch.
  • Uống thuốc và chích insulin theo đúng toa thuốc đã hướng dẫn.
  • Không thức khuya để tránh tăng đường huyết do stress.
  • Duy trì thể dục trước đây hoặc đi bộ ít nhất 30 phút/ngày.
  • NẾU ĐI DU LỊCH
  • Duy trì sự cố định của giờ ăn.
  • hoặc có thể ăn 4 cái bánh loại dành cho người đái tháo đường kèm 1 hộp sữa không đường để tránh hạ đường huyết.
  • Sau khi ăn như vậy đến bữa ăn chính chỉ ăn ½ số lượng của bữa ăn hàng ngày.

 




BSCKII. Lưu Ngọc Trân - Trưởng khoa Nội tiết

  In bài viết



tin nổi bật


Đơn vị trực thuộc

Tìm kiếm tin tức