TIN TỨC BỆNH VIỆN

XÉT NGHIỆM HP BẰNG HƠI THỞ
[ Cập nhật vào ngày (27/11/2019) ]
Vi khuẩn Hp
Vi khuẩn Hp

Nhiễm HP có thể được phát hiện bằng nhiều kỹ thuật như: nội soi dạ dày - tá tràng, xét nghiệm máu. Tại Bệnh viện Đa khoa thành phố Cần Thơ, người bệnh có thể xét nghiệm “truy tìm” Hp nhanh chóng, nhẹ nhàng, không đau chỉ bằng HƠI THỞ.


Nhiễm khuẩn Helicobacter Pylori (HP) đã trở nên phổ biến trở nên phổ biến trong cộng đồng. Đây là một loại vi khuẩn có thể gây viêm dạ dày mạn tính, loét dạ dày, ung thư dạ dày và nhiều bệnh lý khác. Vì vậy, đối với các trường hợp người bệnh có triệu chứng dạ dày, ruột thì thường được chỉ định kiểm tra Hp. Tuy nhiên, rất nhiều bệnh nhân cảm thấy lo lắng mỗi khi nghe nhắc tới xét nghiệm kiểm tra Hp.

May mắn là hiện nay có thể kiểm tra nhiễm khuẩn Hp bằng test hơi thở. Đây là một trong những phương pháp xét nghiệm chính xác nhất và thuận tiện hàng đầu cho việc theo dõi kết quả điều trị Hp dạ dày.

Khuẩn HP lây truyền chủ yếu qua đường miệng hoặc chất thải (thức ăn bị nhiễm vi khuẩn HP). Ruồi cũng là một con vật trung gian góp phần lây lan HP qua đường thực phẩm.

NGUYÊN LÝ TEST HP BẰNG HƠI THỞ

Trước khi kiểm tra hơi thở, người bệnh sẽ được uống 1 viên thuốc hoặc 1 dung dịch có chứa Urea gắn phân tử Carbon đồng vị C13. Nếu có Hp trong dạ dày thì Hp sẽ tạo ra men Urease và thủy phân Urea trong thuốc uống vào thành Amoniac và khí Carbonic.

Khí Carbonic với phân tử C13 này được hấp thu vào máu và đào thải qua phổi. Người ta sẽ đo lượng C13 thải ra trong hơi thở của người thử, từ đó xác định được vi khuẩn Hp có hoạt động (sinh ra urease) trong dạ dày không.

NGƯỜI BỆNH CẦN CHUẨN BỊ GÌ TRƯỚC KHI TEST HP BẰNG HƠI THỞ

Cần nhịn ăn, uống đồ uống có gas, đồ ngọt, đồ có tính chất acid hoặc bazo trong thời gian 4-6 giờ trước khi làm xét nghiệm kiểm tra Hp qua hơi thở. Thời điểm tốt nhất là vào buổi sáng sau 1 đêm không ăn uống gì.

Cũng giống như các phương pháp xét nghiệm Hp khác, test hơi thở chỉ nên tiến hành sau khi ngừng thuốc kháng sinh ≥ 4 tuần và ngừng thuốc kháng tiết acid ≥ 2 tuần.

Trao đổi với bác sĩ về các bệnh lý bạn đang mắc, về tiền sử dị ứng thuốc hay bạn đang có thai...

Nếu bạn đang uống thuốc điều trị bệnh lý gì khác, không được tự ý ngưng thuốc mà hãy hỏi ý kiến bác sĩ trước.

CÁCH THỰC HIỆN TEST HP BẰNG HƠI THỞ

Bước 1: Thổi hơi vào cho căng túi khí thứ I, dùng tay bịt chặt không cho khí thoát ra ngoài.

Bước 2: Người thử được uống 1 viên thuốc có chứa đồng vị C13 được pha bằng 200mL nước và sau đó ngồi nghỉ. Sau 30 phút, người thử thổi căng túi khí thứ II, dùng tay bịt chặt không cho khí thoát ra ngoài.

Bước 3: Nhân viên kỹ thuật sẽ điều khiển thiết bị đo lường nồng độ Carbon đánh dấu và thông báo kết quả cho người thử.

ƯU - NHƯỢC ĐIỂM CỦA PHƯƠNG PHÁP

a) Ưu điểm:

- Độ nhạy cao: Độ nhạy của xét nghiệm lên tới 95% cho phép phát hiện lượng vi khuẩn Hp hoạt động ở mức độ rất thấp.

- Độ chuyên biệt cao: lên tới 96% giúp tránh sai sót do tác động của các loại vi khuẩn sinh Urease khác.

- Độ chính xác cao: Độ chính xác của phương pháp lên tới 88% đưa phương pháp test hơi thở trở thành một phương pháp tin cậy trong kiểm tra và theo dõi nhiễm khuẩn Hp.

- Tiết kiệm thời gian: Toàn bộ quá trình kiểm tra chỉ diễn ra trong vòng tối đa là 30 đến 40 phút, bệnh nhân có thể tới các cơ sở thực hiện test thở này.

- An toàn, không gây đau: Biện pháp kiểm tra nhiễm khuẩn Hp bằng test thở hoàn toàn không gây đau đớn cho bệnh nhân. Lượng phóng xạ của mỗi lần làm test là cực thấp, không gây ra bất kỳ ảnh hưởng bất lợi đáng kể nào cho cơ thể.

- Có thể thực hiện để kiểm tra hiệu quả điều trị Hp: Sau khi bệnh nhân điều trị bệnh lý dạ dày có vi khuẩn Hp với một phác đồ điều trị đều cần phải kiểm tra lại tình trạng nhiễm khuẩn Hp, việc kiểm tra lại như vậy trong đa số các trường hợp không cần phải tiến hành nội soi dạ dày mà có thể thực hiện xét nghiệm test thở kiểm tra vi khuẩn Hp.

- Đánh giá được chính xác lượng Hp đang hoạt động: Vi khuẩn Hp đang hoạt động là đối tượng gây ra tình trạng viêm, tổn thương dạ dày. Test thở có kết quả cao chứng tỏ lượng Urease sinh ra nhiều là lúc vi khuẩn Hp đang hoạt động mạnh và khả năng gây bệnh cao hơn, việc tiệt trừ Hp sẽ khó khăn hơn.

b) Nhược điểm:

Vì phương pháp test hơi thở không cần nội soi dạ dày nên chỉ kiểm tra được người thử có nhiễm Hp hay không mà thôi; chứ không quan sát được niêm mạc thực quản, dạ dày và tá tràng. Do đó mà có thể bỏ sót các tổn thương đường tiêu hóa trên như viêm loét dạ dày tá tràng, polype và các loại u thực quản, dạ dày...

Vì vậy mà phương pháp này thường không được chỉ định cho đối tượng có các dấu hiệu nguy hiểm như: nôn hay đại tiện ra máu, đau dạ dày dai dẳng, sụt cân bất thường, chán ăn, ăn không ngon, người lớn tuổi...

NHỮNG CON SỐ ĐẤNG LƯU Ý

- 65 - 70% trường hợp viêm dạ dày có mặt của vi khuẩn HP

- 70 - 80% gây ra ung thư dạ dày từ HP

- Hơn 90% gây ra các trường hợp loét dạ dày hoặc tá tràng do HP

- Nguy cơ ung thư dạ dày ở người bị nhiễm HP sẽ tăng từ 6 - 10 so với người không bị nhiễm.




Khoa Xét nghiệm

  In bài viết



tin nổi bật


Đơn vị trực thuộc

Tìm kiếm tin tức