Ông N.V.H nhập viện BV Đa khoa TP Cần Thơ ngày 18-12-2024 trong tình trạng nghẹt thở. 3 ngày trước khi nhập viện, bệnh nhân khởi phát khó thở kèm theo ho có đàm từng cơn, không sốt. Bệnh nhân được phun khí dung tại nhà thì giảm triệu chứng nhưng sau đó lại khó thở nặng nề hơn, người bệnh không chịu đựng nổi nên được người nhà đưa đến BV Đa khoa quận Thốt Nốt cấp cứu sau đó chuyển đến BV Đa khoa TP Cần Thơ.
Khối bướu giáp to thòng vào trung thất gây chèn ép khí quản.
BSCKI. Trương Đình Hưng, Phó Trưởng khoa Ngoại lồng ngực - mạch máu thăm khám cho bệnh nhân trước khi xuất viện.
Tình trạng bệnh nhân lúc nhập viện: tím tái, lơ mơ, tiếp xúc chậm, khó thở dữ dội, thở co kéo cơ hô hấp... Bệnh nhân được đặt nội khí quản cấp cứu. Qua thăm khám, bác sĩ chẩn đoán ông H viêm phổi suy hô hấp/ bướu giáp to chèn ép khí quản.
Theo người nhà, bệnh nhân bị bướu cổ đã nhiều năm nhưng không điều trị nên khối bướu to dần, thường xuyên khiến bệnh nhân nuốt nghẹn. Sau 2 ngày được các bác sĩ Khoa Hồi sức tích cực chống độc tích cực điều trị, bệnh nhân tiến triển sức khỏe tốt, được chỉ định rút nội khí quản. Tuy nhiên, ngay sau khi rút nội khí quản, bệnh nhân tím tái, kích thích, thở co kéo, vật vã nên nhanh chóng được đặt lại nội khí quản. Các bác sĩ tiếp tục theo dõi điều trị, hồi sức tích cực cho cụ ông, đến khi sức khỏe ông tạm ổn, chỉ định rút nội khí quản lần thứ 2. Bệnh nhân lại tiếp tục khó thở vật vã, được chỉ định đặt lại nội khí quản. Đồng thời, các bác sĩ cho bệnh nhân chụp CT-Scan cổ ngực, ghi nhận bướu giáp to thòng vào trung thất gây chèn ép khí quản. Ê-kíp điều trị hội chẩn liên chuyên khoa Ngoại Lồng ngực, Tai Mũi Họng, Gây mê, đưa ra chẩn đoán: bệnh nhân suy hô hấp cấp/bướu giáp thòng trung thất trên chèn ép khí quản/Hội chứng suy nút xoang đã đặt máy tạo nhịp.
BS CKII Phạm Văn Phương, Phó Giám đốc BV làm phẫu thuật viên chính, tiến hành mổ cấp cứu cho bệnh nhân, thực hiện bóc bướu giáp thòng kèm mở khí quản. Các bác sĩ nhận định ca mổ khó do khí quản mềm nhuyễn, nguy cơ xẹp khí quản cao sau mổ rút nội khí quản.
Sau 13 ngày hậu phẫu, bệnh nhân được rút ống thở. Tuy nhiên, lần này, bệnh nhân lại chuyển biến xấu do tràn khí dưới da. Các bác sĩ lại tiếp tục can thiệp khâu lại khí quản, đặt dẫn lưu dưới da. Sức khỏe bệnh nhân cải thiện dần, thêm một tuần điều trị đã hồi phục, chuẩn bị được xuất viện.
Theo BS CKI Trương Đình Hưng, Phó Trưởng khoa Ngoại lồng ngực - mạch máu BV Đa khoa TP Cần Thơ, đây là 1 trường hợp khó hiếm gặp. Bệnh nhân có khối bướu quá to phía trước và thòng xuống trung thất. Nếu không mổ bóc bướu giáp, bệnh nhân có nguy cơ đặt nội khí quản suốt đời. Qua trường hợp này cũng cảnh báo đến bệnh nhân bị bướu để to mà không điều trị sẽ dẫn đến chèn ép khí quản và thực quản gây nuốt nghẹn và khó thở.