Trao đi yêu thương
Với những người không may mắc bệnh hiểm nghèo, mạn tính, thì trái tim yêu thương, cái tâm của người thầy thuốc là liều thuốc để người bệnh vượt qua nỗi đau bệnh tật, đúng như câu “Thầy thuốc như mẹ hiền”. Theo thống kê của các cơ sở điều trị, khoảng 20-30% bệnh nhân đái tháo đường, gặp biến chứng bàn chân lở loét, bốc mùi hôi thúi. Việc chăm sóc vết thương rất khó khăn, vậy mà BS CKII Lưu Ngọc Trân, Trưởng Khoa Nội tiết, Bệnh viện (BV) Đa khoa TP Cần Thơ không ngại khó. Suốt thời gian học chuyên khoa II tại Trường Đại học Y dược TP Hồ Chí Minh, dù có thâm niên nghề nghiệp, giữ chức vụ quản lý khoa, nhưng BS Ngọc Trân vẫn ngày ngày đến phòng bệnh, tỉ mẩn cắt lọc vết thương bàn chân cho bệnh nhân.
Niềm vui của BS CKII Lưu Ngọc Trân, Trưởng Khoa Nội tiết, BV Đa khoa TP Cần Thơ, là chữa lành bệnh cho người dân.
Với những kiến thức mới, khi về lại Cần Thơ, BS Trân triển khai quy trình điều trị bàn chân đái tháo đường và phối hợp với liên chuyên khoa trong từng trường hợp. Nhờ đó, Khoa Nội tiết BV Đa khoa TP Cần Thơ dẫn đầu trong vùng ĐBSCL về hiệu quả điều trị bàn chân đái tháo đường. BS Trân bộc bạch: “Nếu bệnh nhân phải cắt chân, bỗng chốc tật nguyền, ảnh hưởng nghiêm trọng tâm lý và chất lượng sống. Giữ được chân cho người bệnh, như giữ được sinh mệnh của họ”.
BS Lưu Ngọc Trân cũng vừa vinh dự nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ. Trước đó 2 năm, BS Trân cũng đã nhận danh hiệu Thầy thuốc ưu tú. BS Trân chia sẻ, bất cứ khen thưởng nào cũng đều trân quý, mang lại niềm vui vô bờ trong cuộc đời khoác lên màu áo blouse trắng. Người ta nói, hạnh phúc là hành trình chứ không phải đích đến, vì thế, bác sĩ luôn tự nhủ, nỗ lực cố gắng từng ngày cập nhật kiến thức mới, phác đồ điều trị mới, đồng thời đào tạo và truyền lửa cho đội ngũ kế cận để cùng nhau chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân.
Vì yêu thích được chào đón những thiên thần nhỏ, mà BS CKII Đỗ Thị Minh Nguyệt, Phó trưởng Khoa Sản bệnh, BV Phụ sản TP Cần Thơ. đã theo con đường sản khoa gần 30 năm. BS Nguyệt chia sẻ: “Những ca vượt cạn của sản phụ thành công như những chuyến đò cập bến bình yên. Bác sĩ rất ít nhớ về người bệnh mình đã điều trị. Nhưng bệnh nhân và người nhà lại nhớ, đôi khi nhiều năm sau tình cờ gặp lại, hay những ngày lễ, họ gởi tặng những món quà khiến bác sĩ rất cảm động. Những tình cảm quý giá chân thành đã động viên bác sĩ tiếp tục dấn bước trên hành trình y nghiệp”. Theo BS Nguyệt, có nhiều trường hợp, thai phụ mắc kèm bệnh lý nguy hiểm, phải hội chẩn cùng với nhiều chuyên khoa khác để nhanh chóng lựa chọn phác đồ. Như trường hợp sản phụ ở Hậu Giang, mang tam thai 37 tuần, con lần 2 trên vết mổ cũ, 2 bánh nhau, 3 buồng ối, có nhiều nguy cơ cao cho cả mẹ lẫn con. BS Nguyệt cùng các đồng nghiệp thực hiện ca mổ bắt con tỉ mỉ và chính xác. Trước đây, các bệnh nặng phải chuyển lên TP Hồ Chí Minh, nay phần lớn có thể cấp cứu, xử trí thành công tại BV. Năm 2022, BS Nguyệt và các đồng nghiệp đã cứu sống gần 150 trường hợp thai sản phụ nguy kịch tính mạng.
Còn điều trị bệnh nhân ung thư, theo TS Võ Văn Kha, Giám đốc BV Ung bướu Cần Thơ, thì liệu pháp tinh thần rất quan trọng. Ban giám đốc BV luôn quán triệt, nhắc nhở các y, bác sĩ, điều dưỡng luôn cư xử nhẹ nhàng, động viên người bệnh. Bệnh nhân ung thư thường có chi phí điều trị lớn, kéo dài, trong đó khoảng 10% bệnh nhân không có khả năng chi trả tiền viện phí. BV phải vận dụng 3 nguồn để hỗ trợ bệnh nhân (nhà hảo tâm, quỹ bệnh nhân ung thư nghèo và miễn giảm của BV). Trong 5 năm qua (2018-2022), Quỹ hỗ trợ bệnh nhân ung thư nghèo của BV đã vận động và hỗ trợ khoảng 15 tỉ đồng cho bệnh nhân ung thư. Chị Mai Thanh Kim Huệ, 44 tuổi, xã Hòa Mỹ, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang bị ung thư cổ tử cung giai đoạn 3, không tiền chữa trị, còn phải nuôi 2 con. “Trong lúc tuyệt vọng, nhờ các thầy thuốc động viên và giúp đỡ của BV Ung bướu Cần Thơ; nhà hảo tâm hỗ trợ, tôi quyết tâm điều trị để sống mà nuôi con”, chị Huệ nói.
Còn đó những trăn trở
“Di chứng COVID-19” đã để lại cho ngành y tế nhiều tổn thương, năm qua có thời điểm các BV rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan. Như BV Ung bướu TP Cần Thơ trong tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế, hóa chất điều trị cho người bệnh; nên vận dụng nhiều nguồn: mượn, vận động bệnh nhân có điều kiện kinh tế tự mua... TS Võ Văn Kha, Giám đốc BV chia sẻ: “BV đang tập trung quyết liệt cho công tác mua sắm, đầu thầu thuốc, vật tư, hóa chất. Người thầy thuốc ai cũng muốn tập trung cho chuyên môn, nhưng mình không làm thì không có thuốc, vật tư, hóa chất cho người bệnh. Vì thế, dù khó khăn, phức tạp, lãnh đạo BV cùng các khoa, phòng quyết tâm vừa nghiên cứu chuyên môn, vừa nghiên cứu quy định mua sắm, đấu thầu. Các thầy thuốc đã dùng 200% sức lực của mình để hoàn thành các quy trình, thủ tục. Đến nay, cơ bản BV đã khắc phục tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế và hóa chất”.
TS Võ Văn Kha cho biết, với bệnh ung thư, thời gian qua, BV chứng kiến rất nhiều trường hợp đến viện đã muộn, điều trị không khả quan. BV đang giải quyết “phần ngọn”, còn phần gốc là dự phòng, tầm soát phát hiện sớm ung thư. Vì vậy, trong năm 2023, bên cạnh công tác điều trị, BV sẽ đẩy mạnh truyền thông cung cấp kiến thức cho người dân cách phòng và tầm soát phát hiện sớm bệnh. BV sẽ thành lập bộ phận chuyên tầm soát, phát hiện sớm bệnh ung thư. Có như thế mới giảm ca mắc, tử vong vì bệnh ung thư.
Theo thống kê, hằng năm, ĐBSCL có hơn 10.000 bệnh nhân đột quỵ; trong đó 97% các bệnh nhân khi đến được BV ở TP Hồ Chí Minh đều trễ giờ vàng. Từ nhiều năm trước, TS.BS Trần Chí Cường, Giám đốc BV Đa khoa quốc tế SIS Cần Thơ, đã luôn trăn trở với những thiệt thòi về điều kiện y tế của vùng ĐBSCL. Thế nên, tháng 2-2019, BV Đa khoa quốc tế SIS Cần Thơ khánh thành và đi vào hoạt động đã giúp TS.BS Trần Chí Cường thực hiện mong muốn góp sức cứu bệnh nhân đột quỵ ở miền Tây. “Đứng trước những ca bệnh nguy cấp, bất kể người bệnh là ai, nghèo khó hay sang giàu, trái tim người thầy thuốc ra mệnh lệnh: “Bằng mọi giá cứu sống, trả bệnh nhân về với cuộc đời”. Với tôi, còn sống là còn cống hiến. Những kết quả đạt được của BV hiện tại đúng như mong muốn trong chiến lược phát triển BV. Tuy nhiên, người bệnh đột quỵ ngày càng tăng, BV hiện quá tải, chật chội cần phải mở rộng thêm”, TS.BS Trần Chí Cường trăn trở.
TS. BS Trần Chí Cường cho biết, việc tầm soát sớm, can thiệp, điều trị kịp thời, hạn chế di chứng, giảm tỷ lệ tử vong, khả năng hồi phục cao, nâng cao chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân là mong mỏi chung của đội ngũ thầy thuốc SIS. Trong 4 năm qua, SIS đã cứu sống cho hơn 160.000 bệnh nhân đột quỵ. Cuối năm 2022, BV vinh dự đón nhận chứng nhận tiêu chuẩn kim cương trong điều trị đột quỵ của Hội đột quỵ thế giới. Đây là giải thưởng dành cho các đơn vị và trung tâm điều trị đột quỵ có hoạt động chăm sóc đột quỵ xuất sắc trên phạm vi toàn cầu. Đó là thành tích xứng đáng cho nỗ lực không ngừng của đội ngũ y bác sĩ BV để viết tiếp những câu chuyện về người thầy thuốc tận tụy.
Thấu hiểu để chia sẻ, chân thành và yêu thương… đội ngũ thầy thuốc luôn tâm niệm: Sự ghi nhận của xã hội là động lực cho họ sức mạnh trong sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân. Lãnh đạo BV Đa khoa Trung ương Cần Thơ, chia sẻ: Quan điểm của BV là cấp cứu trước, chi phí tính sau. Mỗi khi có ca bệnh nặng, không tiền điều trị, việc đầu tiên thầy thuốc lo cứu chữa người bệnh. Tất cả vì sức khỏe, tính mạng của người bệnh.