TIN TỨC XÃ HỘI

Bệnh nhân vô gia cư - nhiều vấn đề nan giải
[ Cập nhật vào ngày (12/08/2018) ]
BV Đa khoa TP Cần Thơ tích cực hỗ trợ người bệnh nghèo được điều trị qua cơn nguy kịch. Trong ảnh: Cán bộ y tế BV vận động gia đình ủng hộ viện phí cho người bệnh nghèo.
BV Đa khoa TP Cần Thơ tích cực hỗ trợ người bệnh nghèo được điều trị qua cơn nguy kịch. Trong ảnh: Cán bộ y tế BV vận động gia đình ủng hộ viện phí cho người bệnh nghèo.

Sau thời gian được bệnh viện (BV) tiếp nhận điều trị, tình trạng của nhiều bệnh nhân vô gia cư đã ổn định hoặc thuyên giảm, bệnh nhân được xuất viện. Vấn đề bắt đầu nảy sinh khi BV không biết phải đưa người bệnh về đâu. Đây là khó khăn nan giải của BV Đa khoa TP Cần Thơ trong nhiều năm qua.


BV tự xoay xở 

Ông Nguyễn Hoàng Tươi, phụ trách Phòng Hành chính quản trị, BV Đa khoa TP Cần Thơ cho biết: Trung bình mỗi tháng, Khoa Cấp cứu BV tiếp nhận khoảng 10 người bệnh không rõ danh tính, thân nhân, do người đi đường đưa vào, hoặc người bệnh tự vào, hoặc từ các BV tuyến dưới và BV lân cận từ tỉnh Vĩnh Long, Đồng Tháp chuyển đến bằng xe từ thiện, không cần thủ tục chuyển viện, chuyển tuyến. Đối với các trường hợp cấp cứu, bất kể có người thân hay không có người thân, có tiền tạm ứng viện phí hay không, đều được BV tiếp nhận, điều trị, chăm sóc như những bệnh nhân khác. Tổ công tác xã hội trích quỹ Tấm lòng vàng của BV để hỗ trợ hoàn toàn viện phí cho bệnh nhân. Trong 3 năm gần đây, tổng chi phí hỗ trợ cho khoảng 500 bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn trên 2 tỉ đồng.

Vấn đề khó khăn nhất hiện nay của BV đối với người bệnh vô gia cư là sau thời gian điều trị, bệnh nhân được xuất viện nhưng không biết đưa về nơi nào. Đó là những người mắc bệnh nặng, hôn mê, tai biến liệt nửa người hoặc cả người, sau thời gian điều trị, bệnh ổn định, thuyên giảm chứ không phải khỏi hẳn, bệnh nhân không thể tự đi đứng, chăm sóc cá nhân được. 2 năm qua, BV gặp nhiều trường hợp vô gia cư nhập viện như thế và không biết phải làm như thế nào.

Ông Nguyễn Hoàng Tươi cho biết: “Nếu người bệnh còn tỉnh táo, có giấy tờ tùy thân hay  khai đúng thông tin về nhân thân, nơi cư trú thì bằng mọi cách BV đều liên lạc được với địa phương để tìm thân nhân người bệnh. Tuy nhiên số này ít mà hầu hết là những trường hợp bỏ địa phương đi nhiều năm; hoặc người bệnh khai địa chỉ mới đến cư trú và thường không đăng ký tạm trú. Khó nhất là những trường hợp người bệnh bất tỉnh trước khi vào viện, lại không có giấy tờ,  BV đành “bó tay”. Sau cùng, BV trình báo chính quyền phường An Lạc, quận Ninh Kiều, nơi BV đóng trên địa bàn, nhờ làm thủ tục đưa những người này vào Trung tâm Bảo trợ xã hội thành phố”.

Tuy nhiên, thời gian qua, chưa trường hợp nào được giải quyết. Cụ thể như trường hợp của bệnh nhân Bùi Văn Tâm, được người đi đường đưa vào Khoa Cấp cứu chiều 16-10-2017. Các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân suy kiệt sức khỏe do thiếu máu cơ tim kèm các bệnh lý viêm tiết niệu và men gan tăng. BV tiến hành cấp cứu, điều trị cho ông. Trong quá trình điều trị, ông Tâm nói rất ít, yếu ớt, không cho biết được địa chỉ, nhân thân; cán bộ y tế chỉ tìm thấy được giấy phép lái xe cấp năm 2003 của Bùi Văn Tâm (sinh năm 1966, ngụ tỉnh An Giang). BV liên hệ Công an tỉnh An Giang nhờ xác minh thông tin người này nhưng không tìm ra được. Sau đó, BV đề nghị UBND phường An Lạc, Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội quận Ninh Kiều, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội thành phố hỗ trợ thủ tục đưa người bệnh vào Trung tâm Bảo trợ xã hội. Sau những kiến nghị liên tục của BV, ngành chức năng và địa phương có cuộc họp với BV để tìm phương án giải quyết nhưng kết quả vẫn là: Chưa có hướng giải quyết, đề xuất cấp trên xem xét…

Một vấn đề khác, không kém phần vướng mắc cho BV, đó là các trường hợp bệnh nhân vô gia cư được điều trị nhưng sức khỏe yếu, không qua khỏi dẫn đến tử vong tại BV. Như trường hợp của ông Trọng (bệnh nhân khai tên Trọng, 63 tuổi, ở phường An Hòa, nhưng khi BV liên hệ Công an phường xác minh thì không có tên người này ở địa phương), nhập viện chiều 31-5-2018 với chẩn đoán viêm phổi nặng, biến chứng suy hô hấp, ngưng tim. Chiều hôm sau, bệnh nhân tử vong do bệnh quá nặng. BV báo với Công an phường, thông báo tìm người thân và làm thủ tục giám định tử thi. Sau đó, cán bộ công tác xã hội BV liên hệ tìm thuê đất mai táng cho người bệnh đã mất cũng như thuê mướn người lo hậu sự, chôn cất cho người bệnh. Chưa kể, trong trường hợp đất thuê trong vòng 10 năm nếu Nhà nước có cải tạo thì BV phải chịu chi phí cải mộ di dời đến nơi khác.

Thống kê của BV Đa khoa TP Cần Thơ, từ năm 2017 đến nay, BV lo mai táng cho 3 trường hợp bệnh nhân vô gia cư tử vong tại viện và khoảng 20 trường hợp bệnh nhân vô gia cư nhưng không thể tự xuất viện mà BV không biết đưa về đâu khi không đủ quy định để đưa đến Trung tâm Bảo trợ xã hội.

Luật thiếu quy định

Theo ông Huỳnh Văn Sánh, Giám đốc Trung tâm Bảo trợ xã hội TP Cần Thơ, cái khó của BV là chỉ có thể thực hiện chức năng điều trị chứ không thể chăm sóc lâu dài cho bệnh nhân. Do vậy, sau khi BV điều trị xong, bệnh nhân ổn định sức khỏe, BV phải kết nối với Công an địa phương, Công an địa phương phải có trách nhiệm làm thủ tục theo quy định thì Trung tâm tiếp nhận.

Tuy nhiên, về phía địa phương lại cho rằng gặp nhiều vướng mắc do thiếu quy định của pháp luật đối với người bệnh vô gia cư. Ông Mai Huỳnh Khôi, Chủ tịch UBND phường An Lạc cho biết, hầu hết trường hợp BV đề nghị đều mất năng lực hành vi, bán thân bất toại. Nếu người bệnh còn tỉnh táo thì địa phương sẵn sàng làm trung gian hỗ trợ hồ sơ thủ tục phối hợp với BV đưa bệnh nhân vào Trung tâm Bảo trợ xã hội. Tuy nhiên, trong trường hợp người bệnh nằm một chỗ, mà quy định lại không có, phường cũng không thể nào chỉ đạo Công an giải quyết được.

Theo ông Khôi, pháp luật cần bổ sung quy định về trường hợp người không rõ lai lịch mà điều trị tại BV, sau khi có chỉ định xuất viện, nhưng không tìm được thân nhân thì thực hiện theo quy trình: Trước hết thông báo trên báo đài tìm thân nhân, hai là phối hợp với cơ quan địa phương để làm thủ tục đưa vào Trung tâm Bảo trợ xã hội. Như vậy, địa phương sẽ có trách nhiệm xác nhận là có trường hợp này nằm BV đã chữa trị xong nhưng không có người thân, sau đó hoàn thành thủ tục rồi đưa đi. “Bởi lẽ, nếu phường hỗ trợ BV, đưa đi, lỡ bệnh nhân tử vong, sau này người thân bệnh nhân kiện cáo, rất phiền hà. Chúng tôi kiến nghị, ngành chức năng cần có quy trình cụ thể xử trí đối với những trường hợp này”- ông Khôi đề xuất.

Ông Trần Đông Xuân, chuyên viên Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội quận Ninh Kiều cũng đồng ý cách làm nêu trên. Nghị định 136/2013/NĐ-CP quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội nên thực hiện được việc đưa đối tượng lang thang, không nơi cư trú, ăn xin, tâm thần ngoài đường phố vào Trung tâm Bảo trợ xã hội của thành phố. Còn với người vô gia cư bị bệnh nằm BV lại thiếu quy định, UBND phường lại không có chức năng đưa người bệnh vô gia cư vào trung tâm theo kiểu đối tượng lang thang được.

Về vấn đề này, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội thành phố cho biết: Người vô gia cư không thuộc đối tượng điều chỉnh của Điều 25 Nghị định 136/2013/NĐ-CP quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội và Điều 6 Nghị định 103/2017/NĐ-CP quy định về thành lập, tổ chức, hoạt động, giải thể và quản lý các cơ sở trợ giúp xã hội. Ngoài ra, thực tế trong thời gian qua còn một số vướng mắc khi tiếp nhận đối tượng này tại Trung tâm Bảo trợ xã hội như: Đơn vị, chính quyền địa phương nơi phát hiện đối tượng chưa phối hợp để cùng đưa đối tượng vào Trung tâm Bảo trợ xã hội để làm cơ sở lập các thủ tục về sau. Theo quy định tại Quyết định số 721/QĐ-UBND ngày 21/3/2018 việc hoàn thiện thủ tục tiếp nhận đối tượng này chỉ trong thời gian 10 ngày, tuy nhiên các đơn vị, chính quyền địa phương thường chậm phối hợp trong việc lập hồ sơ theo quy định. Vướng mắc thứ hai, các đối tượng này khi đưa đến Trung tâm Bảo trợ xã hội thường bị bệnh rất nặng, vượt ngoài khả năng điều trị tại Trung tâm nên khi tiếp nhận phải chuyển viện đến các BV để được điều trị và thường bị tử vong sau thời gian tiếp nhận rất ngắn, nên hồ sơ thủ tục thường chưa đủ nên Trung tâm cũng gặp khó đối với cơ quan Công an khi đối tượng tử vong. Vướng mắc thứ ba, là thiếu sự phối hợp giữa các đơn vị, địa phương (nơi phát hiện đối tượng) trong việc quan tâm giải quyết.

Sở Lao động-Thương binh và Xã hội TP Cần Thơ đề nghị BV, ban ngành, đoàn thể, địa phương trên địa bàn thành phố báo cáo số liệu liên quan đến người bệnh vô gia cư trên địa bàn gửi về Sở để tổng hợp và trình UBND TP Cần Thơ quyết định. Phối hợp các ngành xây dựng Kế hoạch hoặc Quy chế phối hợp liên ngành giải quyết các trường hợp đặc biệt này (ngoài quy định), để tạo thuận lợi trong việc tiếp nhận, nuôi dưỡng, điều trị và khi đối tượng tử vong.




Theo THU SƯƠNG - Báo Cần Thơ

  In bài viết



tin nổi bật


Đơn vị trực thuộc

Tìm kiếm tin tức

Sebagian besar pencarian tumpukan pola dari tampilan terkini ini kemungkinan besar adalah peraturan yang terkait dengan replika rolex swiss richard mille .

This website strongly recommends: www.iapac.to http://www.wannawatches.com