Nhiều hoạt động
Các sản phẩm từ nhựa, nylon ra đời mang lại không ít tiện ích và đã trở nên phổ biến trong cuộc sống. Tuy nhiên, những đặc tính bền, khó phân hủy của các sản phẩm nhựa, nylon đã và đang gây ô nhiễm môi trường, để lại những hậu quả khôn lường đối với sức khỏe con người và các loài động, thực vật trên Trái đất. Theo ông Trần Ngọc Nguyên, Chủ tịch Liên hiệp Các hội Khoa học và Kỹ thuật TP Cần Thơ, chất thải nhựa đang trở thành một thách thức lớn đối với cộng đồng và xã hội, ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường và sức khỏe của người dân. Với đặc tính bền vững trong tự nhiên hàng trăm năm, rác thải nhựa như: chai nhựa, túi nylon, hộp đựng đồ ăn, ly nhựa… cùng với các chất gây ô nhiễm môi trường khác đã và đang tác động tiêu cực đến môi trường, kinh tế, xã hội và sức khỏe con người.
Nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường từ chất thải nhựa, túi nylon, trong thời gian qua, Sở Tài nguyên và Môi trường cùng các sở, ban, ngành, đoàn thể và các địa phương đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân thực hiện các biện pháp giảm dần sử dụng chất thải nhựa và túi nylon trong sinh hoạt hằng ngày. Đồng thời tăng cường các vật dụng thay thế tiến tới loại bỏ túi nylon không phân hủy. Thành phố tổ chức các hoạt động có sự tham gia trực tiếp của cộng đồng như: Chiến dịch “Nói không với sản phẩm nhựa dùng một lần”; chiến dịch ra quân làm vệ sinh môi trường, thu gom xử lý chất thải, rác thải, khơi thông dòng chảy, nạo vét kênh mương, ao, hồ, hệ thống thoát nước... Bên cạnh đó, tổ chức các lớp học giáo dục môi trường, thực hiện các hoạt động thu gom và tái chế chất thải nhựa, túi nylon tại các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, các khu dân cư… Qua đó, khuyến khích người tiêu dùng cắt giảm tối đa sử dụng các sản phẩm nhựa, túi nylon cũng như từ bỏ thói quen vứt rác bừa bãi, nâng cao ý thức trách nhiệm của cộng đồng.
Để góp phần hạn chế và giảm thải các loại rác nhựa và nylon, Hội Liên hiệp Phụ nữ TP Cần Thơ vận động, tuyên truyền các hội viên ký cam kết thay đổi thói quen của bản thân và gia đình bằng các việc làm cụ thể, như: có thùng đựng rác ngay tại gia đình; sử dụng giỏ nhựa để đi chợ; mang theo đồ đựng thực phẩm riêng khi mua đồ ăn bên ngoài; hạn chế sử dụng túi nylon trong mua bán, trao đổi hàng hóa; phân loại rác thải ngay từ nhà… Đặc biệt, mô hình Dân vận khéo “5 không, 3 sạch” đã được triển khai thực hiện, thu hút trên 200 ngàn gia đình hội viên, phụ nữ tham gia. Từ các phong trào này đã góp phần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, qua đó nâng cao nhận thức cộng đồng chung tay giảm thải ra môi trường. Chị Nguyễn Thị Nương, ở phường Thới Thuận, quận Thốt Nốt, chia sẻ: Nhờ chị em trong Hội tuyên truyền về nguy hại của rác thải nhựa, nylon, chị đã dần hạn chế sử dụng bọc nylon khi đi chợ hay sử dụng các loại hộp, ly nhựa sử dụng 1 lần. Cùng với đó, thu gom các loại rác thải, nhất là rác thải nhựa để đúng chỗ cho xe rác lấy đi hoặc bán phế liệu…
Cùng chống rác thải nhựa
Hưởng ứng phong trào “Chống rác thải nhựa” do Bộ Tài nguyên và Môi trường phát động, UBND TP Cần Thơ vừa ban hành Kế hoạch thực hiện phong trào “Chống rác thải nhựa” năm 2019 trên địa bàn. Phong trào nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, ngành, các tổ chức và tầng lớp nhân dân về ảnh hưởng của ô nhiễm môi trường do sử dụng đồ nhựa và túi nylon khó phân hủy trong sinh hoạt. Từ đó làm thay đổi từ nhận thức đến hành động cụ thể để hạn chế sử dụng đồ nhựa và túi nylon khó phân hủy, thay thế bằng các sản phẩm thân thiện với môi trường.
Cụ thể, UBND thành phố yêu cầu các sở, ban, ngành, đoàn thể, các cơ quan, đơn vị có liên quan, UBND quận, huyện trên địa bàn chỉ đạo các đơn vị trực thuộc không sử dụng các sản phẩm nhựa khó phân hủy, sử dụng một lần trong hoạt động của cơ quan, đơn vị; phát động mỗi cán bộ, công chức, viên chức và người lao động hành động và vận động người thân cùng thực hiện “Nói không với sản phẩm nhựa sử dụng một lần”. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức trong cơ quan và cộng đồng, thực hiện các chiến dịch truyền thông về nguy cơ ô nhiễm nhựa và nylon nhằm thay đổi, tiến tới từ bỏ thói quen sử dụng túi nylon. Bên cạnh đó, đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng sản xuất, hoàn thiện cơ chế chính sách khuyến khích phát triển các sản phẩm có thể phân hủy để thay thế túi nylon và sản phẩm nhựa khó phân hủy.
Trên cơ sở chỉ đạo của UBND thành phố, các đơn vị, địa phương đã xây dựng và triển khai kế hoạch thực hiện phong trào “Chống rác thải nhựa” trên địa bàn. Ông Trần Hoàng Lâm, Chủ tịch UBND xã Mỹ Khánh, huyện Phong Điền, cho biết: Xã triển khai thực hiện phong trào “Chống rác thải nhựa” lồng ghép với xây dựng tiêu chí môi trường trong nông thôn mới. Theo đó, thường xuyên tuyên truyền, vận động người dân thực hiện mô hình thu gom rác thải khu dân cư nông thôn trên địa bàn. Xã phối hợp với các đơn vị chuyên môn hướng dẫn người dân phân loại rác tại nhà cũng như tuyên truyền tác hại, nguy cơ ô nhiễm của rác thải nhựa, nylon…
Bà Trần Thị Thiên Thư, Phó Chủ tịch Hội Nông dân TP Cần Thơ, cho biết: Năm 2019, Hội đẩy mạnh tuyên truyền vận động cộng đồng tham gia thu gom, phân loại xử lý chất thải rắn sinh hoạt nông thôn. Hội tiếp tục đẩy mạnh việc xây dựng và nhân rộng các phong trào, các mô hình như: “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”; “Cánh đồng không bao bì thuốc bảo vệ thực vật”; “Nông dân thu gom, phân loại và xử lý rác thải, chất thải nông thôn thành phân bón tại nguồn”… Bên cạnh đó, chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật tại một số địa bàn; xây dựng Đề án thu gom rác thải thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn thành phố…