TIN TỨC Y TẾ

LƯỢC SỬ GIẢI PHẪU BỆNH
[ Cập nhật vào ngày (14/07/2020) ]

Giải phẫu bệnh là một ngành của y học và cũng như y học, giải phẫu bệnh có lịch sử tồn tại và phát triển từ thời xa xưa. Chỉ trên cơ sở hiểu biết tường tận quá khứ phát triển của môn giải phẫu bệnh (Hoặc bất kỳ môn khoa học nào khác) chúng ta mới hiểu được hiện tại và dự đoán tương lai của môn khoa học đó.


           Cũng như y học, giải phẫu bệnh đã trải qua nhiều giai đoạn phát triển. Những giai đoạn này thường gắn liền với những sự kiện và những danh nhân y học.

Giai đoạn 1: Thời Nguyên thủy và Cổ đại

           Trong suốt thời gian dài hàng triệu năm, kể từ khi con người hình thành trên trái đất đến khi quần thể loài người được tổ chức thành xã hội chiếm hữu nô lệ (vào khoảng đầu thế kỷ V), những hiểu biết của con người về bệnh tật và y học còn rất hạn chế và sơ lược. Trong khi các tài liệu cổ đại của những vùng Lưỡng Hà, Ai Cập, Hy Lạp, La Mã, Ấn Độ, Trung Quốc, cũng thấy bàn đến nhiều vấn đề y học và bệnh tật nhưng thường không có cơ sở khoa học. Thí dụ: ở Ai Cập cổ đại, người ta tin là có 4 nguyên tố căn bản là khí, hỏa, thủy, thổ (không khí, lửa, nước và đất) đã tạo nên cơ thể con người và những biến động của 4 nguyên tố đóa đã tạo nên sức khỏe và bệnh tật. Người ta cũng tin rằng trong không khí, có một chất "hơi" (pneuma) vô hình, vô lượng, sẽ nhập vào phổi rồi lưu thông trong ống mạch đến khắp mọi vùng cơ thể. Trong bộ kinh Vệ Đà của Ấn Độ được soạn thảo vào thế kỷ IX-III trước Công nguyên cũng nói đến sức khỏe con người là do 3 nguyên tố ("hơi", dịch nhầy và mật) cấu tạo nên cơ thể quyết định.

Ảnh 1: Chân dung HIPPOCRATE

(Nguồn: https://vi.wikipedia.org/wiki/Hippocrates)

            Mãi cho đến thế kỷ V-IV Trước Công nguyên, y học mới thoát khỏi ảnh hưởng mê tín, dị đoan. Đó là nhờ công lao của HIPPOCRATE, một thầy thuốc Hy Lạp sống vào những năm 460-377 trước Công nguyên. Mặc dù vẫn chấp nhận luận thuyết 4 thể dịch (máu, dịch nhầy, mật vàng và mật đen) quyết định sức khỏe con người, Hippocrate đã đặt một nền tảng duy vật cho việc tìm hiểu y học. Ông nhấn mạnh đến môi trường sống và những điều kiện sinh hoạt có ảnh hưởng đến sức khỏe của con người. Ông khẳng định việc chữa bệnh phải dựa trên quá trình quan sát kỹ các triệu chứng ở người bệnh chứ không dựa vào những khái niệm mơ hồ duy tâm.

            Sau Hippocrate có Galen (131-210), một thầy thuốc La Mã nổi tiếng, đã đóng góp công sức xây dựng một nền y học khoa học. Trong thời đại mà việc phẫu tích xác người bị quyền lực tôn giáo nghiêm cấm và những định kiến sai lầm cản trở, Galen vẫn cố gắng mổ xác động vật (như khỉ, chó, mèo v.v…) và đôi lúc cả xác người tử tù để nghiên cứu cấu trúc cơ thể sinh vật. Ông đã làm nhiều thử nghiệm trên khỉ, heo để nhận xét về các hoạt động sinh lý của động vật. Ông đã hệ thống hóa các kiến thức khác nhau liên quan đến nhiều ngành y học (sinh lý học, điều trị học, dược lý học v.v…). Rất tiếc là do chịu ảnh hưởng của những quan điểm duy tâm thời đó Galen đã có nhiều kết luận sai và quyền lực tôn giáo đã dựa vào đó gây tác hại cho sự phát triển của y học trong hơn mười thế kỷ sau.

            Tóm lại, trong hàng triệu năm dài, y học tuy đã nảy sinh và tồn tại nhưng đã chìm đắm trong bóng đêm của thời Nguyên thủy và Cổ đại.

Giai đoạn 2: Thời Trung đại kéo dài khoảng 1200 năm, từ thế kỷ V đến giữa thế kỷ XVII

            Trong hơn 10 thế kỷ đầu tiên của thời Trung đại, y học vẫn chưa ra khỏi bóng đêm của những hiểu biết mơ hồ, duy tâm. Và buổi bình minh của y học chỉ bắt đầu vào thể kỷ XVI, khi Vésale (1514-1654) một thầy thuốc người Bỉ, năm 1543, cho ra đời cuốn sách giải phẫu học đầu tiên, hoàn chỉnh, có nhan đề "Về cấu tạo cơ thể người" với trên 300 bức họa hình tuyệt đẹp. Với cuốn sách này (kết quả của hơn 5 năm nghiên cứu) Vésale đã cho con người hiểu rõ cấu trúc của bản thân mình trên cơ sở khoa học đó nhận hiểu được các tổn thương bệnh tật.

Hình 2: Andreas Vesalius (1514-1564)

(Nguồn: https://themuslimtimes.info/2012/02/24/the-arab-physician-rhazes-in-the-work-of-andreas-vesalius/)

            Gần một thế kỷ sau khi cuốn sách giải phẫu học của Vésale ra đời; năm 1628, William Harvey (1578-1657), một thầy thuốc người Anh, xuất bản tác phẩm "Hoạt động của tim và máu ở động vật" và đóng góp thêm những hiểu biết quan trọng về hoạt động của cơ thể người: Đó là tuần hoàn máu.

            Nhờ công lao của nhiều nhà y học khác như Embroise Paré (1510-1590), người thầy thuốc phẫu thuật đầu tiên (đúng với danh đó); Girolamo Fracastoro (1478-1558) một thầy thuốc người Italia, đã làm sáng tỏ các bệnh truyền nhiễm v.v… Y học đã có một nền tảng khoa học để tiến thêm những bước đi vừng chắc sau này.

Giai đoạn 3: Thời cận đại, bắt đầu từ giữa thế kỷ XVII đến thập kỷ đầu của thế kỷ XX

           Đây là thời đại rực sáng của y học và giải phẫu bệnh. Ở cuối giai đoạn trước, những hiểu biết thực sự khoa học về cấu trúc và hoạt động sinh lý của cơ thể người đã đặt nền tảng vững chắc cho việc tìm hiểu các tổn thương và rối loạn do bệnh tật gây nên. Nhưng phải chờ tới Giovani Battista Morgagni (1682-1771), một nhà giải phẫu bệnh nổi tiếng người Italia, năm 1761 (khi đó ông 79 tuổi) cho xuất bản cuốn sách tổng kết 50 năm hoạt động y học của ông, với nhan đề "Về nguyên nhân bệnh tật" thì môn giải phẫu bệnh mới thực sự ra đời với đầy đủ nội dung khoa học. Morgagni đã mô tả tỉ mỉ các tổn thương của nhiều loại bệnh như viêm phổi, teo gan vàng cấp tính, ung thư dạ dày, sỏi ống túi mật v.v… Đây chỉ là những tổn thương nhận thấy bằng mắt thường, nghĩa là mang nội dung giải phẫu bệnh đại thể.

            Nếu không có những chiếc kính hiển vi của Antoni Van Leeuwenhoek (1632-1723), một người Hà Lan tự học rồi trở thành viện sĩ viện Hoàng gia Anh, con người chắc vẫn nhìn thế giới xung quanh bằng đôi mắt bình thường của mình. Và tầm nhìn chắc còn nhiều giới hạn nếu không có sự đóng góp của những nhà khoa học như:

a) Leeuwenhoek, khi ông phát hiện ra những sinh vật cực nhỏ trong cơ thể người và nhiều động vật khác.

b) Robert hooke (1635-1703), một nhà khoa học người Anh, vào cuối thể kỷ XVIII đã xác định tế bào là đơn vị cấu tạo cơ thể sinh vật.

            Còn biết bao nhà y học khác nữa, tất cả đã giúp cho con người nhìn nhận được một thế giới mới, hoàn toàn khác hẳn với những điều trông thấy, đó là thế giới vi mô. Cách nhìn này ảnh hưởng rõ rệt đến việc tìm hiểu bệnh tật. Vào cuối thế kỷ XIX, năm 1856, Rudolph Virchow (1821-1902) một nhà giải phẫu bệnh người Đức dã khẳng định: bệnh tật là do những tổn thương, rối loạn của tế bào và như vậy đã mở đường cho môn giải phẫu bệnh vi thể.

            Chỉ trong khoảng thời gian ngắn chưa đầy 3 thế kỷ của thời Cận đại, con người đã hiểu rằng bệnh tật không chỉ là những tổn thương rối loạn ở các tạng (gan, dạ dày v.v…) mà còn ở mức độ mô và tế bào. Như thế, y học và giải phẫu bệnh đã tiến được những bước khổng lồ.

Giai đoạn 4:       Thời hiện đại

Từ đầu thế kỷ XX cho tới nay, với những tiến bộ lớn của khoa học, kỹ thuật (như sự ra đời của kính hiển vi điện tử, các phương pháp miễn nhiễm, hóa học tế bào v.v…) con người bắt đầu đi sâu vào bản chất bệnh tật. Các nhà y học chú ý đến những rối loạn của các thành phần cấu tạo vi thể và những biến đổi cực nhỏ bên trong tế bào. Đây là thời kỳ mở đầu cho y học phân tử và giải phẫu bệnh siêu vi.

Hình 3: RUDOLPH VIRCHOW (1821-1902)

(Nguồn: https://en.wikipedia.org/wiki/Rudolf_Virchow)

           Như vậy, trong suốt quá trình phát triển dài hàng triệu năm, từ thời nguyên thủy đến thời hiện đại, y học và giải phẫu bệnh đã trải qua nhiều giai đoạn, giai đoạn sau thường ngắn hơn giai đoạn trước nhưng lại có nhiều sự kiện khoa học phong phú gấp bội, giúp con người hiểu rõ thêm bệnh tật để có thể phòng chống bệnh hữu hiệu hơn và tạo nên sức khỏe cho bản thân mình.

Nguồn tư liệu:

  1. Giới thiệu môn giải phẫu bệnh.
  2. Sách Giải phẫu bệnh học.

Chủ biên: PGS. BSCKII. Trần Phương Hạnh & GS. TS. BSCKII. Nguyễn Sào Trung.




Khoa Giải phẫu bệnh

  In bài viết



tin nổi bật


Đơn vị trực thuộc

Tìm kiếm tin tức

Sebagian besar pencarian tumpukan pola dari tampilan terkini ini kemungkinan besar adalah peraturan yang terkait dengan replika rolex swiss richard mille .

This website strongly recommends: www.iapac.to http://www.wannawatches.com