TIN TỨC Y TẾ

Tinh gọn bộ máy - Nâng tầm ngành Y tế Cần Thơ Bài 3: Vẫn còn khó khăn, thách thức
[ Cập nhật vào ngày (07/01/2019) ]

Những nỗ lực của ngành Y tế TP Cần Thơ trong sắp xếp bộ máy, nâng cao chất lượng hoạt động bước đầu có nhiều hiệu quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên, các đơn vị vẫn còn vướng một số khó khăn do cơ chế, điều kiện cơ sở vật chất, thiếu thốn trang thiết bị, nhân lực chất lượng cao.


  • Khó về nguồn lực

Trên thực tế, tình trạng thiếu đội ngũ bác sĩ đang diễn ra ở hầu hết các đơn vị y tế công lập trên địa bàn thành phố. Theo bác sĩ CKII Nguyễn Hữu Dự, Giám đốc Bệnh viện (BV) Phụ sản thành phố, mặc dù thu nhập tăng thêm của cán bộ viên chức tương đối cao so với các đơn vị khác thuộc hệ thống công lập nhưng vẫn không tránh khỏi tình trạng dịch chuyển nhân lực sang BV tư nhân. Một bộ phận cán bộ sau khi được đào tạo, có trình độ chuyên môn cao, có kinh nghiệm đã chuyển sang cơ sở tư nhân với thu nhập cao hơn.

Đoàn giám sát Ban Văn hóa xã hội HĐND thành phố kiểm tra điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị và nhân lực của Trung tâm Y tế quận Cái Răng.

BV Đa khoa quận Thốt Nốt mỗi ngày tiếp nhận từ 1.000 đến 1.400 lượt bệnh ngoại trú, nhưng tổng số bác sĩ của BV chỉ có 50, trong đó 3 bác sĩ đến tuổi hưu và 2 bác sĩ mới ra trường chưa có chứng chỉ hành nghề. Trước đây, quận Thốt Nốt có chương trình thu hút nhân lực, với chế độ đãi ngộ khi thu nhận bác sĩ về đơn vị y tế của quận, nhưng các bác sĩ được hưởng chính sách thu hút này sau thời gian cống hiến (quy định tối thiểu là 60 tháng) và khi được cấp chứng chỉ hành nghề thì xin nghỉ, với lý do thu nhập thấp. Để xoay xở với tình trạng thiếu bác sĩ, Ban Giám đốc cũng xuống ngồi bàn khám. Thực trạng thiếu bác sĩ vừa gây khó cho công tác khám chữa bệnh, vừa tạo nhiều thách thức cho BV...

Không chỉ vậy, Trung tâm Y tế quận Bình Thủy, Trung tâm Y tế quận Cái Răng gần trung tâm thành phố cũng không thoát khỏi cảnh trên. Theo lãnh đạo Trung tâm Y tế quận Cái Răng, số bác sĩ đào tạo theo địa chỉ còn bỏ đi hết, nói chi đến việc thu hút người về. Các bác sĩ trẻ mới ra trường thường mong muốn về BV lớn, nên khi phân công về đơn vị y tế hạng III thì họ không muốn bám trụ. Hệ thống y tế xã, phường càng khó hơn trong việc thu hút bác sĩ.

Còn tại BV hạng I- BV Đa khoa TP Cần Thơ, với quy mô, điều kiện cơ sở vật chất khang trang, trang thiết bị hiện đại cũng gặp khó khăn về nhân sự. Bác sĩ CKII Nguyễn Văn Nghĩa, Phó Giám đốc phụ trách BV chia sẻ, khó khăn của BV cũng là tình trạng bác sĩ nghỉ việc. Thậm chí, một số cán bộ có trình độ cao, công tác nhiều năm, đã được quy hoạch vị trí lãnh đạo các khoa, phòng cũng nghỉ việc. Tình trạng này có nguyên nhân từ mức chênh lệch thù lao giữa BV công và BV tư và một số yếu tố về môi trường làm việc. Người giỏi được BV tư trả lương từ 50 - 70 triệu đồng/tháng, trong khi BV công chỉ trả lương theo quy định của Nhà nước.

Theo bác sĩ Nguyễn Văn Nghĩa, đáng ra năm 2018, BV Đa khoa TP Cần Thơ thực hiện tự chủ kinh phí chi thường xuyên, nhưng nếu tự chủ, khi chưa có cơ chế phù hợp, thu không đủ chi, thu nhập tăng thêm không có, bác sĩ sẽ nghỉ việc nhiều hơn. Hiện thu nhập tăng thêm của cán bộ nhân viên BV chỉ hơn 1 triệu đồng/tháng, thực trạng của BV hết sức khó khăn. Tình trạng thiếu nhân lực gây khó khăn cho hoạt động chuyên môn lẫn hoạt động đào tạo của BV. Nếu không có chiến lược đào tạo thì BV rất khó phát triển.

Bên cạnh nhân lực, ngành Y tế thành phố còn gặp rất nhiều khó khăn về xây dựng cơ bản và mua sắm trang thiết bị. Bác sĩ CKII Lê Văn Đạt, Giám đốc BV Da liễu, cho biết: BV gặp rất nhiều khó khăn do cơ sở vật chất xuống cấp nghiêm trọng, thiếu trang thiết bị, ảnh hưởng đến môi trường làm việc của cán bộ y tế cũng như điều kiện chăm sóc và điều trị cho người bệnh. Còn bác sĩ Nguyễn Quang Thông, Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật CDC cho biết, đơn vị gặp khó trong giai đoạn này là cơ sở vật chất chật hẹp, hệ thống nhân lực ở một số khoa, phòng còn thiếu; một số khoa, phòng mới thành lập chưa có nhiều kinh nghiệm...

  • Vướng nhiều rào cản...

Khó khăn nhân lực chưa giải quyết được, các đơn vị lại vướng các quy định về thanh toán bảo hiểm y tế (BHYT) theo số lượt bệnh/bàn khám. Cụ thể, theo thông tư 15/2018/TT-BYT, với quy định mỗi bàn khám không được vượt quá 65 lượt/ngày và tới lượt 66 thì BHYT chỉ thanh toán 50% và chỉ duy trì trong 1 quý, nếu vượt quá thì phần vượt sẽ không được thanh quyết toán BHYT. Trên thực tế, do một số đơn vị thiếu bác sĩ, nên có những bàn khám từ 100 - 150 lượt bệnh, thậm chí 200 lượt bệnh/ngày. Như vậy, với quy định  này của BHYT sẽ gây khó cho cả đơn vị y tế và ảnh hưởng đến lộ trình tự chủ tài chính của BV.

Bác sĩ Nguyễn Hữu Dự, Giám đốc BV Phụ sản TP Cần Thơ, cho rằng, các đơn vị thực hiện tự chủ, “chỉ xin cơ chế chứ không xin tiền” nhưng hiện chính cơ chế gây nên nhiều rào cản. Cụ thể, nhu cầu về các dịch vụ y tế của người bệnh cao nhưng thực tế lại không có giá quy định, nên các đơn vị y tế công lập không dám làm. Ngoài ra, việc trích nguồn quỹ 35% dành để điều tiết tiền lương không phù hợp. Như BV Phụ sản TP Cần Thơ hiện nay tồn dư trên 30 tỉ đồng nhưng không sử dụng được. BV công gặp khó khi chưa có chính sách trả lương tương xứng cho người có trình độ cao và nhiều kinh nghiệm cũng như chưa có cơ chế ràng buộc đối với người được đưa đi đào tạo.

Bác sĩ CKII Bùi Thị Lệ Phi, Giám đốc Sở Y tế thành phố cho biết thêm, một khó khăn rất lớn cho ngành trong cơ chế tự chủ hiện nay là Bộ Y tế chưa có hướng dẫn về giá dịch vụ theo yêu cầu. Thông tư 15 năm 2018 của Bộ Y tế ban hành đã kéo giảm giá khoảng 40 danh mục kỹ thuật y tế theo Thông tư liên tịch số 37 ban hành năm 2015, khiến một số đơn vị bị giảm thu, nhất là các đơn vị đã tự chủ, ảnh hưởng hoạt động của BV.

Trong khi các đơn vị tuyến thành phố đã sẵn sàng bước vào cơ chế tự chủ tài chính chi thường xuyên thì các đơn vị tuyến quận, huyện vẫn còn chưa rõ đường đi. Khó khăn nhất hiện nay của các đơn vị y tế tuyến quận, huyện là tình trạng vượt quỹ bảo hiểm. Thực trạng này do năng lực chuyên môn của các đơn vị tuyến dưới còn hạn chế, cùng với quy định về thông tuyến, người bệnh đến các BV tư nhân cùng hạng hoặc tự ý vượt lên tuyến trên. Ví dụ, một toa thuốc ở tuyến dưới chỉ chi vài chục ngàn, trong khi tuyến trên cao hơn gấp 3-4 lần. Chính điều  này dẫn đến các BV vượt quỹ triền miên, ảnh hưởng hoạt động khám chữa bệnh cũng như quá trình phát triển BV.

Đơn cử 6 tháng đầu năm 2018, BV Đa khoa quận Thốt Nốt âm quỹ 28 tỉ đồng, BV Đa khoa quận Ô Môn âm quỹ 33 tỉ đồng và Trung tâm Y tế Thới Lai âm quỹ 19 tỉ đồng… Bác sĩ Bùi Thị Lệ Phi, Giám đốc Sở Y tế thành phố khẳng định, tình trạng vượt quỹ ảnh hưởng nhiều đến hiệu quả hoạt động chăm sóc sức khỏe cho người dân. Theo quy định thì quỹ BHYT giao cho Trạm y tế không quá 20% quỹ khám chữa bệnh ngoại trú. Đây là chỉ số rất thấp, không đủ chi cho đơn thuốc điều trị người bệnh tại trạm y tế. Người bệnh bỏ qua y tế xã để lên tuyến huyện, ảnh hưởng đến mục tiêu của y tế tuyến xã là quản lý sức khỏe ban đầu cho người dân cũng như các bệnh không lây nhiễm... Nếu không sớm có giải pháp, đến năm 2021, khi BHYT thông tuyến tỉnh, dự đoán tình trạng vượt quỹ sẽ trầm trọng hơn.

 




NGỌC YẾN - THU SƯƠNG Theo Báo Cần Thơ

  In bài viết



tin nổi bật


Đơn vị trực thuộc

Tìm kiếm tin tức

Sebagian besar pencarian tumpukan pola dari tampilan terkini ini kemungkinan besar adalah peraturan yang terkait dengan replika rolex swiss richard mille .

This website strongly recommends: www.iapac.to http://www.wannawatches.com