TIN TỨC BỆNH VIỆN

BỆNH NHÂN NGỘ ĐỘC BIẾN CHỨNG METHEMOGLOBIN THOÁT “CỬA TỬ” NHỜ KỸ THUẬT THAY MÁU
[ Cập nhật vào ngày (06/07/2021) ]

Bệnh nhân mê sâu Glasgow 8 điểm, da niêm xanh tím, SPO2 70%, được chẩn đoán ngộ độc nông dược biến chứng MetHemoglobin máu mức độ nặng đã may mắn thoát “cửa tử” nhờ kỹ thuật thay máu tại Bệnh viện Đa khoa thành phố Cần Thơ.


Ngày 03/7/2021, Bệnh viện Đa khoa thành phố Cần Thơ tiếp nhận bệnh nhân nam (N. V. U. E 36 tuổi) quê ở huyện Thới Lai – TP. Cần Thơ được chuyển đến từ tuyến dưới với chẩn đoán ngộ độc nông dược chưa rõ. Trước đó, người nhà phát hiện bệnh nhân nằm bất tỉnh, toàn thân tím tái bên cạnh chai thuốc trừ sâu (chưa rõ loại). Bệnh nhân được chuyển đến trong tình trạng nguy kịch: hôn mê sâu, thở ngáp, da niêm xanh tím, SPO2 70%.

Các bác sĩ nhanh chóng cho bệnh nhân đặt nội khí quản, thở máy với nồng độ oxi liều cao, đặt sonde dạ dày, bơm than hoạt tính, truyền dịch để tăng thải độc. Xét nghiệm khí máu động mạch mặc dù PaO2 rất cao, nhưng máu bệnh nhân vẫn màu nâu đen, SpO2 vẫn không cải thiện, bệnh nhân tím ngày càng nhiều. Từ các manh mối trên, các bác sĩ ê kíp trực nghi ngờ bệnh nhân bị MetHemoglobin máu mức độ nặng, tiên lượng tử vong. Do tình trạng bệnh nặng và không có thuốc giải độc đặc hiệu nên các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa thành phố Cần Thơ dự kiến chuyển bệnh nhân lên tuyến trên điều trị. Tuy nhiên, do điều kiện kinh tế quá khó khăn, gia đình bệnh nhân đã xin được ở lại bệnh viện tiếp tục điều trị.

Điều dưỡng chăm sóc bệnh nhân sau khi rút máy thở.

ThS.BS, Lê Thị Cẩm Hồng, Khoa Hồi sức tích cực – Chống độc Bệnh viện Đa khoa thành phố Cần Thơ cho biết: “Đối với trường hợp này, bác sĩ sẽ chỉ định cho bệnh nhân giải độc bằng Methylen Blue đường tĩnh mạch. Tuy nhiên, hiện nay trên thị trường chế phẩm Methylen Blue dạng tiêm truyền rất khan hiếm, tại bệnh viện chúng tôi không có sẵn loại thuốc này, nên việc điều trị các trường hợp Methemoglobin gặp rất nhiều khó khăn, đa phần sẽ chuyển bệnh nhân lên tuyến trên”.

Hiểu được hoàn cảnh của gia đình bệnh nhân, ê kíp tiếp nhận điều trị quyết tâm còn nước còn tát. Sau 6 giờ điều trị thở máy nồng độ oxy 100% kết hợp với vitamin C tiêm tĩnh mạch liều cao, tình trạng bệnh vẫn tiếp tục tiến triển xấu dần, SpO2 giảm dần, nhịp tim chậm dần.

Chứng kiến bệnh nhân đang tiến dần đến “cửa tử”, lập tức ê kíp trực hồi sức tích cực đã hội ý với BSCKII. Phan Thị Phụng - Trưởng khoa quyết định tiến hành áp dụng biện pháp cuối cùng là thay máu cho bệnh nhân. Tua trực đã tiến hành trích bỏ gần 1500ml máu toàn phần của bệnh nhân và truyền hoàn lại 1400ml hồng cầu lắng và 600ml huyết tương tươi đông lạnh cùng nhóm.

Không phụ lòng ê kíp trực, sau quá trình thay máu, da niêm bệnh nhân hồng dần lên, nhịp tim trở về bình thường, máu của bệnh nhân từ đen sậm do nhiễm độc đỏ dần lên, SpO2 từ 70% lên 95%. Hiện tại, bệnh nhân đã tỉnh táo, hồng hào trở lại, các dấu hiệu sinh tồn ổn định và được rút nội khí quản.

Hemoglobin (viết tắt là Hb) còn gọi là huyết cầu tố, gồm: 2 phân tử Heme và Globin, trong đó Heme có kết hợp 4 nguyên tố Fe2+ (hóa trị 2), có khả năng kết hợp với oxy để vận chuyển oxy từ phổi tới các mô của cơ thể và lấy CO2 từ mô trở về phổi thải ra ngoài qua khí thở ra.

Ngộ độc MetHemoglobin thường do bệnh nhân uống hoặc tiếp xúc các thuốc và hóa chất gây Methemoglobin thường gặp như Nitrites, thuốc chữa bệnh (Dapsone, Quinones, Sulfonamides), thuốc diệt cỏ có Propanil, thuốc nhuộm Anilin. Khi đó, Fe2+ trong hemoglobin sẽ được chuyển thành Fe3+. Hemoglobin chứa Fe3+ được gọi là Methemoglobin không có khả năng gắn với oxy nên hồng cầu chứa Methemoglobin không thể vận chuyển oxy đi nuôi các mô.

Thông thường trong cơ thể có các hệ thống men có vai trò khử Fe3+ thành Fe2+, tức là chuyển methemoglobin thành hemoglobin bình thường, nên giữ được nồng độ MetHemoglobin ở mức dưới 1%. Khi tiếp xúc nhiều với các chất oxit hoá, vượt quá khả năng khử của cơ thể, dẫn đến tăng Methehemoglobin máu, làm thiếu oxy ở các mô.

Triệu chứng thường gặp của ngộ độc Methemoglobin là môi xanh tím, tím các đầu ngón tay chân mới xuất hiện gần đây, trong trường hợp nặng sẽ có dấu hiệu tím tái toàn thân, suy hô hấp nặng và nguy cơ tử vong cao nếu không được điều trị đặc hiệu và kịp thời.




Tổ Truyền thông

  In bài viết



tin nổi bật


Đơn vị trực thuộc

Tìm kiếm tin tức