TIN TỨC BỆNH VIỆN

CẢNH BÁO SUY THẬN Ở NGƯỜI TRẺ TUỔI
[ Cập nhật vào ngày (12/06/2024) ]

“Tương lai là ngày mai đi chạy thận và hiện tại ước mong lớn nhất là sau ca lọc, sức khỏe được ổn để bớt phiền khổ cho người thân” - đó là tâm sự của rất nhiều bệnh nhân trẻ tuổi mắc bệnh suy thận giai đoạn cuối. Ða phần người bệnh đều mặc cảm khi đang tuổi thanh xuân lại phải làm gánh nặng cho người thân, gia đình.


Gánh nặng bệnh tật

Suốt 3 tháng nay, chị Kim Thảo (32 tuổi, ở quận Cái Răng, TP Cần Thơ) lọc thận định kỳ tại đơn vị Thận nhân tạo - khoa Nội thận, Bệnh viện (BV) Ða khoa TP Cần Thơ. Sức khỏe chị Thảo yếu, 2 chân gần như liệt. Chị không thể tự mình chạy xe máy đến BV nên phải thuê xe, nhờ thêm đứa cháu đi cùng để đỡ đần. Ở BV về nhà, chị Thảo nằm một chỗ, không đi nổi. Hai con nhỏ, một học lớp 6, một học lớp 1 tự dắt nhau đi học, về nhà nấu cơm giúp mẹ.

Chị Thảo mắc bệnh đái tháo đường nhiều năm trước khi bị suy thận. Gia cảnh khó khăn, làm thuê nuôi con nhỏ, chăm mẹ già yếu, chị Thảo bỏ phế luôn bệnh của mình. Ðầu năm nay, chị thường nóng sốt, mệt mỏi, đến BV khám mới hay bệnh đã biến chứng suy thận giai đoạn cuối. Kể từ đó, ngày cách ngày, chị Thảo vào BV Ða khoa TP Cần Thơ lọc thận định kỳ. Mới hơn 30 tuổi, chị Thảo không dám nghĩ tương lai phía trước ra sao. Chị kể: “Từ hồi lọc thận tới giờ, đau lưng, mắt mờ, chân yếu, đi không vững. Tất cả gánh nặng gia đình dồn lên vai chồng. Anh là tài xế xe tải, một tua chạy được vài trăm ngàn, chi đủ thứ cho tiền trọ, tiền con học, tiền gạo, còn lo thuốc men cho tôi. Chán nản, tủi thân lắm, nhưng biết phải làm sao…”.

Trẻ hơn Kim Thảo, bệnh nhân Hoàng Oanh (28 tuổi, ở tỉnh Vĩnh Long) cũng không dám nghĩ đến tương lai. Trong những bức ảnh mẹ Oanh cất giữ, Oanh khác xa với cô gái hiện tại. Oanh ngày trước có nụ cười rạng rỡ. Giờ sức khỏe suy kiệt, héo úa do biến chứng của bệnh lupus ban đỏ tiến triển đến suy thận mạn giai đoạn cuối. Nằm lâu một chỗ, đôi chân Oanh biến dạng xương, cong vẹo.

Oanh nghẹn ngào: “Tôi chỉ mong sau mỗi ngày lọc thận xong được ổn để mẹ tôi về nhà có thời gian may gia công quần áo cho người ta. Trước đây, gia đình cũng khá giả, nhưng từ hồi tôi bệnh, cha mẹ tiêu tốn nhiều tiền bạc chữa trị cho tôi, thành ra giờ nhà rất khó khăn, thiếu hụt”.

Dự phòng bệnh thận trước khi suy thận

Tại BV Ða khoa TP Cần Thơ, các bác sĩ ghi nhận, khoảng 20-30% bệnh nhân chạy thận trong độ tuổi 18-35. Số liệu từ các nghiên cứu mới nhất về độ tuổi mắc bệnh suy thận cũng cho thấy bệnh ngày càng trẻ hóa, dưới tuổi 40.

Theo BS Trần Hoài Ân, khoa Nội thận BV Ða khoa TP Cần Thơ, nhiều nguyên nhân gia tăng bệnh nhân trẻ tuổi suy thận gồm môi trường sống ô nhiễm; sự phát triển của các phương pháp tầm soát, chẩn đoán hiệu quả giúp phát hiện nhiều người mắc bệnh. Ngoài ra, liên quan đến chế độ dinh dưỡng, nhiều thực phẩm bẩn, chứa hóa chất phụ gia độc hại. Chất độc vào cơ thể lắng đọng, tích tụ, dần trở thành sỏi thận và nguy cơ gây viêm, suy thận. Nhiều bạn trẻ tùy tiện sử dụng các loại thực phẩm chức năng, thuốc bổ dưỡng làm đẹp, giảm cân, tăng cơ. Từ thực tế lâm sàng, bác sĩ ghi nhận nhiều trường hợp trẻ tuổi suy thận liên quan đến yếu tố dùng thuốc không rõ nguồn gốc, không đúng chỉ định.

Theo các bác sĩ chuyên khoa, bệnh nhân trẻ suy thận, lọc máu định kỳ chịu nhiều thử thách hơn so với người lớn tuổi trong quá trình điều trị. Bệnh nhân lớn tuổi tuân thủ tốt chế độ dinh dưỡng kiêng khem. Còn người trẻ, khả năng chịu đựng kém hơn, còn thèm ăn, khó kiềm chế ăn uống phù hợp với thể trạng suy thận. Ngoài ra, người trẻ thường bỏ cữ, không tuân thủ lịch lọc thận định kỳ, dễ dẫn đến biến chứng lên hệ tim mạch, tuần hoàn, cơ xương khớp,...

Không chỉ áp lực về thể chất, bệnh nhân trẻ tuổi suy thận còn chịu áp lực nặng nề về chi phí điều trị. Người trẻ suy thận cũng khó có cơ hội xây dựng gia đình. Theo BS Trần Hoài Ân, về lý thuyết, bệnh nhân suy thận còn trẻ tuổi, khi đã lọc thận, sức khỏe ổn vẫn có khả năng kết hôn, sinh con. Tuy nhiên, ghi nhận của các bác sĩ BV Ða khoa TP Cần Thơ, rất ít bệnh nhân trẻ tuổi có được may mắn đó. Càng về sau, bệnh nhân càng yếu, thậm chí ngồi xe lăn, phụ thuộc hoàn toàn vào người thân.

Ða phần bệnh nhân suy thận phát hiện mắc bệnh giai đoạn muộn. Bệnh diễn tiến âm thầm trong quá trình dài, rất ít triệu chứng điển hình. Ðể phòng ngừa bệnh, nhất là đối với người trẻ, BS Hoài Ân khuyến cáo mọi người cần chủ động dự phòng bệnh thận trước khi suy thận. Người bình thường cần duy trì chế độ dinh dưỡng hợp lý, tích cực rèn luyện thể lực, chủ động tầm soát sức khỏe. Người có nguy cơ, cần định kỳ thăm khám sức khỏe, được bác sĩ tư vấn, can thiệp hỗ trợ kịp thời. Bước vào tuổi trung niên, theo dõi và điều trị ổn định các bệnh mạn tính. Khi có bệnh, đến bác sĩ chuyên khoa thăm khám; không lạm dụng thực phẩm chức năng, thuốc không rõ nguồn gốc, nguy cơ cao dẫn đến suy thận, phải lọc thận.




Thu Sương - Báo Cần Thơ

  In bài viết



tin nổi bật


Đơn vị trực thuộc

Tìm kiếm tin tức