TIN TỨC BỆNH VIỆN

Những thầy thuốc Cần Thơ “nghiện” hiến máu
[ Cập nhật vào ngày (19/03/2025) ]

Trong nhiều trường hợp phẫu thuật, điều kiện tiên quyết để ê-kíp bác sĩ thực hiện cuộc mổ là phải truyền máu cho bệnh nhân. Vì lẽ đó, bên cạnh chuyên môn khám và điều trị bệnh, nhiều cán bộ y tế rất tích cực với hoạt động hiến máu tình nguyện. Họ mong muốn trao tặng những giọt máu hồng để ngân hàng máu luôn được dự trữ dồi dào, kịp thời cung cấp nguồn máu hiến đến người bệnh khi cần.


Điều dưỡng Nguyễn Thị Kiều Nương (42 tuổi), Khoa Phẫu thuật Gây mê hồi sức BV Đa khoa TP Cần Thơ có hơn 20 lần hiến máu. Lần hiến máu gần nhất của chị là vào tháng 2-2025 tại chương trình Ngày hội hiến máu tình nguyện do BV tổ chức. Chị Nương và các đồng nghiệp của Khoa Phẫu thuật Gây mê Hồi sức rất nhiệt tình với phong trào hiến máu tình nguyện. Như một thông lệ, cứ cách 3-4 tháng, cảm thấy sức khỏe tốt, chị và đồng nghiệp lại rủ nhau đi hiến máu.

Chị Nương tâm sự, chính môi trường làm việc tại phòng mổ là động lực khiến chị và đồng nghiệp kiên trì với hành trình hiến máu nhiều năm qua. BV Đa khoa TP Cần Thơ là đơn vị tuyến cuối của ngành Y tế TP Cần Thơ, thường tiếp nhận số lượng lớn các trường hợp bệnh nặng, bệnh khó, bệnh nhân nguy kịch tính mạng cần phẫu thuật. Trung bình mỗi ngày, các bác sĩ thực hiện 30-40 ca mổ, có ngày lên đến 50 ca mổ. Nhiều bệnh nhân bị đa chấn thương, vỡ gan, sốc mất máu, hay các ca phẫu thuật lớn, phẫu thuật khẩn, đều cần được truyền máu trước và trong quá trình mổ.

Chị Nương còn nhớ, thời gian trước, ngân hàng máu tại BV Huyết học Truyền máu TP Cần Thơ cạn kiệt do vướng thầu mua sắm túi đựng máu. Khi đó, các bác sĩ, điều dưỡng của Khoa Phẫu thuật Gây mê Hồi sức BV Đa khoa TP Cần Thơ thường xuyên trong tâm trạng thắc thỏm, lo lắng có bệnh nhân cần mổ mà không đủ máu truyền. Rất may là không có trường hợp đáng tiếc nào không được chữa trị kịp thời vì thiếu máu.

Chia sẻ về công việc, chị Nương kể, thức trắng vào những đêm trực là chuyện thường của chị và đồng nghiệp. Sự sống còn, sức khỏe của bệnh nhân chính là kết quả của cả ê-kíp mổ, từ phẫu thuật viên chính đến phụ mổ, điều dưỡng dụng cụ viên, kỹ thuật viên gây mê… Trong ca mổ, ở vai trò điều dưỡng gây mê, chị luôn túc trực ở phía đầu bệnh nhân, theo dõi các chỉ số sinh tồn của người bệnh thông qua các phương tiện và biểu hiện của cơ thể bệnh nhân. Sự tập trung cao độ vì an toàn người bệnh giúp chị Nương luôn tỉnh táo và thấy đêm dài qua mau.

Không chỉ quan tâm đến kết quả các ca phẫu thuật, điều dưỡng Nương và đồng nghiệp còn quan tâm san sẻ với những cảnh đời bất hạnh không may bệnh tật. Chị kể, nhiều trường hợp đưa người thân vào phòng mổ, vừa lo lắng cho sức khỏe bệnh nhân, vừa không có tiền chi trả viện phí. Khi đó, các chị gom góp, của ít lòng nhiều, giúp đỡ. Ước ao lớn nhất của chị Nương chính là BV được trang bị đầy đủ vật tư y tế để đảm bảo điều kiện chữa trị tốt nhất cho bệnh nhân.

Chị Nương tâm sự: “Mình hiến máu là cho đi, nhưng thật ra, chính là mình đang nhận về niềm vui và niềm tự hào của người làm nghề y, dù trong hoàn cảnh nào cũng muốn giúp đỡ bệnh nhân”. Có những hôm trong cuộc mổ, thấy bệnh nhân được truyền túi máu nhóm máu B, chị và các đồng nghiệp nói vui cùng nhau, đó có thể là túi máu của chúng ta. Đó cũng là động lực để chị và đồng nghiệp tiếp tục hành trình trao đi những giọt máu hồng.

Một kỷ niệm khác trong hành trình hiến máu của chị Nương là dịp Tết Trung thu tại BV Huyết học Truyền máu TP Cần Thơ. Sau khi hiến xong, chị được nhận các phần quà, gồm cả tiền mặt và đường sữa cùng với chậu cây xương rồng nhỏ xíu. Chị Nương đã tặng lại các phần quà, tiền cho bệnh nhi mắc bệnh ung thư đang điều trị tại BV, chỉ đem về chậu xương rồng. Chị rất thích xương rồng bởi vẻ đẹp của sự kiên trì, vượt qua gian khó khắc nghiệt để tồn tại, thậm chí đơm hoa. Sau mỗi lần hiến máu, chị Nương còn được nhận món quà tinh thần quý giá, đó là sự quan tâm của hai con nhỏ. Các con thán phục sức khỏe dẻo dai của mẹ, vừa làm công việc khám chữa bệnh, vừa hiến máu cứu người. Đồng thời, các con nhắc mẹ nghỉ ngơi, ăn uống bồi bổ sức khỏe để mau lại sức, tiếp tục làm tốt chuyên môn và việc làm thiện nguyện.

Điều dưỡng Kiều Nương làm việc tại phòng mổ nên hiểu rõ vai trò quan trọng của máu đối với các ca phẫu thuật.

BS CKI Ngô Duy Thái, Phó trưởng Khoa Phẫu thuật - Gây mê Hồi sức BV Đa khoa TP Cần Thơ cho biết: “Khoa Phẫu thuật - Gây mê Hồi sức là một trong những nơi đầu sóng ngọn gió, thường xuyên tiếp nhận cấp cứu nhiều trường hợp đa chấn thương hoặc phẫu thuật phức tạp cần truyền máu. Do đó, chúng tôi hiểu rất rõ sự cần thiết và tầm quan trọng của máu trong điều trị. Lãnh đạo khoa thường xuyên chia sẻ, lan tỏa ý nghĩa và tính nhân văn của hoạt động hiến máu trong các buổi sinh hoạt chung của khoa. Tổ chức công đoàn, Đoàn Thanh niên khoa luôn quan tâm theo dõi, thông tin kịp thời các chương trình hiến máu đến tất cả nhân viên. Vì vậy, mỗi khi được phát động, nhân viên Khoa đều tích cực đăng ký với số lượng đông. Lãnh đạo Khoa sẽ sắp xếp cũng như tạo điều kiện để nhân viên tham gia trong từng đợt để vừa đảm bảo có nguồn hiến máu thường xuyên và dự phòng. Nhân viên tham gia hiến máu sẽ được sắp xếp thời gian nghỉ ngơi hợp lý nếu cần; đồng thời, được biểu dương và ghi nhận thành tích trong các phong trào thi đua khen thưởng vào cuối năm”.




Thu Sương - Báo Cần Thơ Theo https://baocantho.com.vn/nhung-thay-thuoc-can-tho-nghien-hien-mau-a184529.html

  In bài viết



tin nổi bật


Đơn vị trực thuộc

Tìm kiếm tin tức