TIN TỨC BỆNH VIỆN

DỊ VẬT KÍCH THƯỚC 3X1,5CM NẰM TRONG PHẾ QUẢN
[ Cập nhật vào ngày (25/06/2021) ]

Ê kíp nội soi mất 4 giờ gắp di vật là hạt sapoche kích thước 3x1,5cm nằm kẹt trong phế quản chính bên trái của bệnh nhân hơn 01 năm.


Người bệnh nữ tên H. T. N. A, 24 tuổi (quê ở Ô Môn) nhập viện ngày 20/6/2021 với triệu chứng chính ho đàm kéo dài, điều trị không giảm.

Hỏi lại tiền sử của người bệnh thì không rõ các dấu hiệu của hội chứng xâm nhập, chỉ ghi nhận hơn 01 năm nay hay sốt, ho thỉnh thoảng tức ngực được chẩn đoán và điều trị viêm phổi ở tuyến trước nhưng không hết. Gần 10 ngày nay, tình trạng ho đàm tiến triển nặng, người bệnh đã khám chuyên khoa hô hấp thuộc Khoa Nội Tổng hợp tại Bệnh viện Đa khoa thành phố Cần Thơ. Kết quả chụp CT scan ngực ghi nhận có dị vật nằm ở phế quản chính bên trái.

Người bệnh được tiến hành nội soi phế quản ống mềm dưới gây mê phát hiện dị vật là hạt sapoche gây tắc hoàn toàn phế quản chính bên trái, có mô hạt tăng sinh và nhiều dịch tiết đục vàng xung quanh. Mất gần 4 giờ, ê kíp nội soi và ê kíp gây mê mới lấy ra được dị vật có kích thước 3x1,5cm (ảnh).

Dị vật đường thở là một tai nạn sinh hoạt thường gặp và có thể gây tử vong hay di chứng nặng nề ở trẻ em, nhất là ở trẻ dưới 4 tuổi. Tai nạn cũng có thể xảy ra ở người lớn với tần suất thấp hơn. Nguy cơ xảy ra biến chứng và tổn thương phổi sẽ tăng lên với thời gian dị vật được lấy ra nên điều quan trọng là cần được chẩn đoán càng sớm càng tốt. Các biến chứng khi phát hiện muộn có thể là viêm phổi, giãn phế quản và xẹp phổi.

Các triệu chứng có thể thay đổi đáng kể tùy theo vị trí của dị vật trong đường hô hấp. Khi dị vật bị kẹt lại ở thanh quản hay khí quản, người bệnh có biểu hiện suy hô hấp hay thở rít. Trường hợp, dị vật đi xuống phế quản sẽ khó khăn hơn do ít có triệu chứng.

Nội soi phế quản ống mềm được xem là đóng vai trò chủ yếu trong chẩn đoán dị vật đường thở do có độ nhạy và độ đặc hiệu rất cao. Hiện nay, Bệnh viện Đa khoa thành phố Cần Thơ áp dụng kỹ thuật này không làm cho bệnh nhân khó chịu khi tiến hành nội soi: sặc, cảm giác ngạt,... Bệnh nhân được chỉ định nội soi phế quản mềm gây mê và sử dụng các dụng cụ hỗ trợ để lấy dị vật. Sau khi được gây mê và kiểm soát đường thở kỹ lưỡng để đảm bảo an toàn và hạn chế khó chịu, kích thích của người bệnh, các bác sĩ đã thực hiện kỹ thuật nội soi thuận lợi, lấy dị vật và sau đó kiểm tra, kiểm soát để đảm bảo không có biến chứng cho bệnh nhân.




Tổ Truyền thông

  In bài viết



tin nổi bật


Đơn vị trực thuộc

Tìm kiếm tin tức