TIN TỨC BỆNH VIỆN

NHỮNG "THIÊN THẦN" ÁO TRẮNG 👩‍⚕️🧑‍⚕️KHÔNG CÓ TẾT
[ Cập nhật vào ngày (12/02/2021) ]

“Chúng tôi mong mình được thất nghiệp, bởi khi đó sẽ không có bệnh nhân, mọi người đón xuân trong an lành hạnh phúc”, Bác sĩ CKII Trần Quốc Luận, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa TP.Cần Thơ chia sẻ như vậy khi nói về nhiệm vụ ngành y những ngày Tết…


Đây là năm thứ 3 liên tiếp, anh Đỗ Quý Ngọc, điều dưỡng Khoa Hồi sức cấp cứu Bệnh viện Đa khoa TP. Cần Thơ không biết tết là gì. Hàng năm, đến ngày cận tết, anh thường được bố trí trực vào ngày giao thừa cho đến tận mùng 1. Nhà anh cách bệnh viện không xa, nhưng ước mơ có được bữa cơm đầm ấm bên gia đình trong thời khắc giao mùa vẫn là cái gì đó rất xa xỉ.

Ê-kíp trực đêm 30 tại khoa Cấp cứu khám cho bệnh nhân. 

Quê anh Ngọc ở Kinh B (huyện Vĩnh Thạnh, TP.Cần Thơ) với một gia đình đông anh chị em. Suốt mấy năm nay, anh không thể về thăm gia đình, cha mẹ. “Có hôm trực tết xong về mệt quá phải nằm nghỉ cả ngày. Lúc tỉnh dậy là… hết tết. Năm nào cũng trực, riết rồi quen, dù mệt nhưng anh chị em đều rất vui vì được cứu người”, anh Ngọc nói.

Chung nỗi niềm đó là bác sĩ Trầm Thanh Thủy, cũng ở Khoa Hồi sức cấp cứu. Năm nào cũng vậy, cứ tết đến xuân về, bác sĩ Thủy phải tranh thủ gửi con nhỏ về quê ở Sóc Trăng để vào bệnh viện trực tết. Tết đối với chị cũng như ngày thường. Mấy năm rồi, đứa con nhỏ chưa được mẹ chở đi chợ xuân, bữa cơm sum vầy bên gia đình là chuyện hiếm.

“Khi mọi người vui xuân thì chúng tôi làm việc. Khi mọi người làm việc, thì chúng tôi cũng… làm việc. Cứu người phải mọi lúc mọi nơi, đó là y đức được quán triệt trong mỗi người thầy thuốc. Không có tết, thì tranh thủ thời điểm khác về thăm gia đình”, bác sĩ Thủy chia sẻ.

Theo bác sĩ Thủy, bình quân mỗi ngày, Khoa Hồi sức cấp cứu Bệnh viện Đa khoa TP. Cần Thơ tiếp nhận 140-170 ca cấp cứu, cao điểm như dịp tết lên đến 200 ca/ngày. Bình thường, khi thấy sức khỏe có vấn đề, người dân lập tức đến bệnh viện để khám. Tuy nhiên, trong những ngày tết, người dân kiêng kỵ đến bệnh viện, nên khi có bệnh họ cố chịu đựng, hoặc tự đi mua thuốc uống. Đến lúc bất khả kháng, họ mới vào viện, khi đó bệnh đã chuyển biến nặng. Chính vì vậy, các bác sĩ làm việc trong ngày tết phải với sự tập trung và tinh thần gấp đôi ngày thường để cứu người. Đặc biệt, trong năm nay, tình hình dịch COVID-19 đang rất phức tạp, mọi người phải luôn đặt mình trong tình thế báo động để ứng phó mọi lúc.

Bác sĩ CKII Trần Quốc Luận, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa TP. Cần Thơ cho biết: Ở Cần Thơ tuy chưa xuất hiện ca bệnh trong cộng đồng, nhưng do địa phương nằm ở khu vực trung tâm ĐBSCL, nên lượng người đi và đến bằng đường bộ, hàng không rất lớn và rất phức tạp. Chính vì vậy, bệnh viện luôn duy trì một đội phản ứng nhanh để ứng phó các tình huống khẩn cấp, y bác sĩ vừa tập trung cấp cứu người bệnh vừa chủ động, phòng chống COVID-19.

“Đã đứng trong ngành y, ai cũng phải đề cao y đức. Chữa bệnh hay cứu người không có sự phân biệt thời gian hay thời điểm mà phải mọi lúc mọi nơi. Chúng tôi mong mình được... thất nghiệp, bởi khi đó sẽ không có bệnh nhân, mọi người đón xuân trong an lành hạnh phúc”, bác sĩ Luận chia sẻ.




TRẦN LƯU - BÁO LAO ĐỘNG

  In bài viết



tin nổi bật


Đơn vị trực thuộc

Tìm kiếm tin tức