TIN TỨC BỆNH VIỆN

VIÊM TỤY CẤP
[ Cập nhật vào ngày (19/11/2020) ]

Viêm tụy cấp là một cấp cứu nội khoa, viêm tụy nặng có những biến chứng phức tạp.


Ở vùng châu Á, tỉ suất mới mắc bệnh hàng năm khoảng 28,8-42,8/100.000 dân. Tỉ lệ viêm tụy cấp nặng gần đây ở các quốc gia châu Á cũng khá cao, dao động từ 14,6-25,0%. Tỉ lệ tử vong chung do viêm tụy cấp khoảng 1,5-7,5%.

Với những diễn biến phức tạp viêm tuỵ cấp đã làm tỉ lệ tử vong tăng lên đáng kể 11,8-16,3%. Viêm tuỵ cấp hoại tử và tử vong do viêm tuỵ cấp là một diễn tiến nặng trên lâm sang.

Ở Việt Nam, tỉ lệ tử vong do viêm tụy cấp nặng vẫn còn là một thách thức trên lâm sàng. Ở bệnh viện Chợ Rẫy, tỉ lệ viêm tụy cấp nặng dao động trong khoảng 10,0-19,0%, tỉ lệ tử vong chung 7,0-14,0%.

  • Nguyên nhân

- Bệnh lý đường mật sỏi hoặc giun: chiếm 50,0-70,0%.

- Rượu (nghiện rượu cấp và mạn): chiếm khoảng 5,0-30,0%. Rượu bia là nguyên nhân dẫn đến viêm tụy cấp. Rượu gây viêm tụy cấp do cơ chế tắc nghẽn tương đối vì vừa kích thích gây tăng tiết tụy, vừa gây phù nề niêm mạc ống tụy và cơ vòng Oddi.

- Nhóm nguyên nhân khác như: quai bị, viêm gan virus, thuốc: khoảng 5,0% các trường hợp viêm tụy cấp có liên quan đến dùng thuốc, rối loạn chuyển hóa: tăng Triglycerid máu, tăng canxi máu, chấn thương, phẫu thuật vùng tụy.

  • Chẩn đoán viêm tụy cấp

Chẩn đoán viêm tụy cấp cần có ít nhất hai trong ba tiêu chuẩn sau

- Đau bụng gợi ý viêm tụy cấp (khởi phát đau thượng vị, nặng, cấp tính, kéo dài, thường lan ra sau lưng).

- Amylase hoặc lipase máu tăng >=3 lần giới hạn bình thường.

- Hình ảnh đặc trưng của viêm tụy cấp trên cắt lớp điện toán có cản quang, cộng hưởng từ, hoặc siêu âm bụng.

Ảnh minh họa: Bác sĩ khoa Nội Tiêu hóa - Huyết học thăm khám bệnh nhân viêm tụy cấp.

  • Lâm sàng

- Đau bụng: là triệu chứng thường gặp nhất (90,0-100,0%).

- Nôn ói: thường gặp (80,0%), nôn ói nhiều, nôn ói không giảm đau, có thể nôn ói máu (nặng).

- Bệnh nhân có thể sốt nhẹ.

- Vàng da, vàng mắt có thể có do sỏi đường mật hoặc do phù nề vùng đầu tụy trong viêm tụy cấp gây chèn ép đường mật ngoài gan.

- Giảm nhu động ruột hoặc liệt ruột nếu bệnh trở nặng.

  • Biến chứng của viêm tụy cấp

          Viêm tụy cấp có thể gây ra biến chứng tại chỗ và toàn thân.

- Nang giả tụy

- Hoại tử tụy

- Áp xe tụy

- Suy hô hấp

- Suy thận

Choáng

  • Điều trị

- Bù dịch – điện giải: Đây là bước tiếp cận điều trị đầu tiên ở mọi bệnh nhân ngay cả khi viêm tụy cấp chỉ mới là chẩn đoán nghi ngờ. Bởi bệnh lý này là sẽ khởi kích “dòng thác” phản ứng viêm toàn thân rất nhanh nên việc kiểm soát được thể tích tuần hoàn ngày từ đầu là vô cùng cần thiết.

- Kiểm soát đau: Đau bụng trong viêm tụy cấp được xếp vào loại đau có mức độ tương đối nặng nề. Do men tụy khi bị giải thoát ra khỏi ống tuyến sẽ trở thành độc chất, có khả năng “tiêu hóa” các tạng trong ổ bụng mà nó tiếp xúc được.

-  Giảm bài tiết tuyến tụy: Bên cạnh dùng thuốc giảm đau, việc dùng thuốc để giảm bài tiết tuyến tụy cũng giúp làm giảm đau cho bệnh nhân. Khi lượng dịch tụy giải phóng ít hơn, các tạng sẽ giảm bị tổn thương.

- Nâng đỡ dinh dưỡng: Trong những ngày đầu tiên, bệnh nhân được nuôi ăn qua đường truyền tĩnh mạch. Qua tuần tiếp theo, khi tình hình viêm tụy cấp nặng được kiểm soát tốt, mức độ đau bụng giảm dần mà không cần dùng thuốc giảm đau, người bệnh bớt buồn nôn, nôn, có lại cảm giác đói, khám nghe được âm ruột thì có thể cân nhắc rút ống thông và cho ăn lại đường miệng.

- Sử dụng kháng sinh: Do các tạng trong ổ bụng bị tổn thương khi tiếp xúc với men tụy, nguy cơ nhiễm trùng là rất lớn.

- Theo dõi và phát hiện biến chứng: Tổn thương gan, thận, nguy kịch hô hấp, tuần hoàn cũng như suy đa tạng là biến chứng của viêm tụy cấp nặng. Chính vì thế, người bệnh cần được tích cực theo dõi và phát hiện sớm các biến chứng để can thiệp kịp thời.

 




ThS.BS. Nguyễn Hoàng Nam (Khoa Nội Tiêu hóa - Huyết học)

  In bài viết



tin nổi bật


Đơn vị trực thuộc

Tìm kiếm tin tức