TIN TỨC BỆNH VIỆN

PHẪU THUẬT THÀNH CÔNG CHO BỆNH NHÂN NAM 25 NĂM SỐNG KHÔNG CÓ HẬU MÔN
[ Cập nhật vào ngày (14/10/2020) ]

Chiều ngày 13/10/2020, Bệnh viện Đa khoa thành phố Cần Thơ vừa phẫu thuật thành công cho một bệnh nhân nam sống 25 năm không có hậu môn. Sau 2 lần phẫu thuật, hậu môn tạo hình cho bệnh nhân hoạt động tốt.


Bệnh nhân D. T. A, 25 tuổi, ngụ tại Thốt Nốt – TP. Cần Thơ, đến điều trị tại Bệnh viện Đa khoa thành phố Cần Thơ vào cuối tháng 7/2020 với tình trạng đi cầu qua đường niệu đạo rất khó khăn, vùng tầng sinh môn rỉ dịch phân lẫn nước tiểu rất hôi.

Ê – kíp đã tiến hành phẫu thuật nội soi di động đại tràng Sigma.

Qua hỏi bệnh sử, khám lâm sàng, chụp đại - trực tràng cản quang, chụp cộng hưởng từ (MRI) ổ bụng – tầng sinh môn và nội soi niệu đạo – bàng quang, bệnh nhân được chẩn đoán bất sản hậu môn – trực tràng (Anorectal Agenesis) kèm rò trực tràng – niệu đạo tiền liệt tuyến.

Ngay từ lúc sinh ra, A đã không có hậu môn, sau đó 3 ngày bệnh nhân được các bác sĩ mổ một lần nhưng không kết quả. Mẹ của bệnh nhân cho biết, hơn 20 năm qua vì phân đi ra ngoài qua đường tiểu (niệu đạo) nên không kiểm soát được, dịch phân lẫn nước tiểu thường xuyên rỉ ra nên rất hôi. Hoàn cảnh gia đình khó khăn nên phải bươn chải kiếm sống.

Bất sản hậu môn – trực tràng là một loại dị dạng hậu môn – trực tràng thể cao, bệnh nhân không có ống hậu môn và bóng trực tràng. Rò trực tràng – niệu đạo tiền liệt tuyến, là có đường thông nối từ trực tràng qua niệu đạo. Đây là ngả giúp phân thoát ra ngoài thay vì qua ngả hậu môn như người bình thường trong suốt 25 năm qua.

Bệnh nhân được phẫu thuật lần thứ nhất ngày 31/07/2020. Được sự hỗ trợ của các bác sĩ khoa Ngoại Tổng quát Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ, ê – kíp đã tiến hành phẫu thuật nội soi di động đại tràng Sigma, phần cao trực tràng, đóng đường rò trực tràng – niệu đạo bằng dụng cụ cắt nối tự động. Sau đó đưa mõm trực tràng xuống tạo hình hậu môn cho bệnh nhân và làm hậu môn nhân tạo trên dòng.

Sau khi đánh giá hậu môn được tạo hình đã lành và cơ vòng hậu môn co bóp tốt, ngày 06/10/2020, bệnh nhân được phẫu thuật lần 2 đóng hậu môn nhân tạo cho bệnh nhân. Hậu phẫu ngày thứ 5 bệnh nhân bắt đều ăn uống và đi cầu được, cơ vòng hậu môn hoạt động tốt, bệnh nhân đi cầu gần như người bình thường.

BSCKII. La Văn Phú – Trưởng khoa Ngoại Tổng hợp kiểm tra sức khỏe bệnh nhân A.

BSCKII. La Văn Phú – Trưởng khoa Ngoại Tổng hợp Bệnh viện Đa khoa thành phố Cần Thơ cho biết, dị dạng hậu môn trực tràng là bệnh ít gặp, cứ khoảng 4.000 – 5.000 trẻ sinh ra sống thì có một trường hợp bị dị tật này. Bệnh nhân bị dị dạng hậu môn – trực tràng thường được chẩn đoán và điều trị ở các bệnh viện chuyên khoa nhi, còn ở các bệnh viện điều trị bệnh người lớn thường hiếm gặp.

Dị dạng hậu môn – trực tràng có nhiều loại, trong đó bất sản hậu môn – trực tràng là thể khó điều trị. Hơn nữa, đã 25 năm nay cơ vòng hậu môn không hoạt động nên có phần bị teo và co thắt hơi yếu. Vì vậy, sau khi được phẫu thuật tạo hình chăm sóc cho hậu môn không bị nhiễm trùng, nong hậu môn cho đủ rộng và đặc biệt tập cho cơ vòng co bóp trở lại là rất quan trọng. Bởi vì, nếu sau khi được tạo hình mà cơ vòng hậu môn co thắt yếu, bệnh nhân sẽ đi cầu không tự chủ, lúc đó xem như cuộc phẫu thuật không thành công. Sức khỏe của bệnh nhân hiện đã ổn, ăn cơm được, hậu môn hoạt động tốt và dự kiến xuất viện trong vài ngày tới.

Cả 2 lần điều trị tổng chi phí gần 40 triệu đã được các nhà hảo tâm hỗ trợ hoàn toàn.




(Nguồn: Khoa Ngoại Tổng hợp)

  In bài viết



tin nổi bật


Đơn vị trực thuộc

Tìm kiếm tin tức