TIN TỨC BỆNH VIỆN

ĐIỀU DƯỠNG - NHỮNG NGƯỜI “KHOÁC ÁO TRẮNG” THẦM LẶNG
[ Cập nhật vào ngày (12/05/2020) ]

Ngày hôm nay 12/5 - ngày dành riêng cho những người khoác áo trắng thầm lặng dù số lượng của họ chiếm 2/3 trong ngành y tế. Đó là ngày “Quốc tế Điều dưỡng”, ngày tôn vinh những con người đang lặng lẽ chở che, chăm sóc cho người bệnh.


Người ta ví điều dưỡng là “nghề làm dâu trăm họ”, bởi đối tượng mà điều dưỡng tiếp xúc chính là người bệnh.

Điều dưỡng là công việc chăm sóc người bệnh theo một cách toàn diện và liên tục, từ tư vấn và hướng dẫn cho người bệnh trợ giúp bác sĩ thực hiện các thủ thuật, phẫu thuật hay chăm sóc tinh thần cho người bệnh là một phần không thể thiếu.

Mặc dù vất vả với cường độ làm việc dày đặc nhưng đội ngũ điều dưỡng tại Bệnh viện Đa khoa thành phố Cần Thơ vẫn luôn tận tụy, miệt mài trong việc điều trị và chăm sóc người bệnh.

Điều dưỡng Nguyễn Thị Mộng Tuyền (22 năm tuổi nghề) – Khoa Nội thận – Tiết niệu – Lọc máu: “Đã hơn 10 năm gắn bó với khoa Nội thận, vậy mà vẫn có bệnh nhân chạy thận ở đây còn lâu hơn mình. Mối quan hệ giữa bệnh nhân với mình thân thuộc hơn cả người nhà. Ở đây (Đơn vị Thận nhân tạo), bệnh nhân không gọi mình là điều dưỡng hay danh xưng nào trang trọng. Họ gọi thẳng tên mình, hoặc gọi cô năm, cô ba… bởi vì họ xem mình là người thân của họ. Có chuyện gì họ cũng kể mình nghe, có trái chuối, củ khoai cũng mời mình cho bằng được. Có khi bệnh nhân thấy mình mệt là họ hỏi han, quan tâm. Chừng 3-5 ngày không thấy họ vào lọc thận thì mình lo lắng, gọi điện thoại mà không thấy trả lời là mình tự hiểu họ ra sao”.

Điều dưỡng Nguyễn Trần Kim Phụng - Khoa Hồi sức cấp cứu: “Em vô nghề đã được 2 năm. Khi được phân công làm việc tại khoa Hồi sức cấp cứu, trăn trở lớn nhất của em là trở ngại về tâm lý và áp lực từ tính chất đặc thù của công việc tại khoa. Ở khoa này gần như giờ nào cũng có vài ca vào cấp cứu, bệnh nhân vào lúc bất ngờ, không có sự chuẩn bị, nhiều khi em đang ăn dở miếng cơm trực cũng phải bỏ. Nhưng hạnh phúc nhất là khi cùng ê-kíp giành giật lại sự sống cho bệnh nhân từ tay tử thần. Như thế càng làm em yêu nghề hơn, càng gắn bó hơn.

Kỉ niệm đáng nhớ nhất của em đến thời điểm này chắc có lẽ là lần đạt được giải Nhất trong hội thi Điều dưỡng giỏi năm 2019. Tất cả đồng nghiệp đều dành những lời chúc mừng tốt đẹp nhất, lãnh đạo khoa thì không khỏi xúc động dành những tình cảm đặc biệt cho em. Đó là lần đầu tiên em được mọi người khen ngợi nhiều nhất”.

Những ngày đầu tháng 4, khi bệnh viện yêu cầu Khoa Khám bệnh cử cán bộ tham gia bộ phận tầm soát, sàng lọc người bệnh ở khu cách ly nhằm chủ động phòng tránh, không để dịch bệnh Covid-19 lây lan trong môi trường bệnh viện, điều dưỡng Đỗ Thanh Tuyền đã tự nguyện đăng ký thực hiện nhiệm vụ này.

Điều dưỡng Đỗ Thanh Tuyền - Khoa Khám bệnh: “Em thích những chuyến khám bệnh từ thiện với bà con vùng sâu, vùng xa. Em cảm thấy tự hào khi được cống hiến, được giúp đỡ bà con nghèo. Từ những trải nghiệm nghề y đầu tiên đến khi đứng trước một sự lựa chọn khó khăn và nguy hiểm hơn, em đã vượt qua nỗi sợ, tin vào nghề nghiệp của mình. Trước đây, em đã tham dự nhiều lớp tập huấn chuyên môn về quy trình khám chữa bệnh cũng như các giải pháp xử trí khi tiếp nhận người bệnh có nguy cơ cũng như trường hợp nhiễm bệnh do Covid-19 nên em tự tin có thể thực hiện tốt nhiệm vụ được giao”.




Bài, ảnh: Kim Điều

  In bài viết



tin nổi bật


Đơn vị trực thuộc

Tìm kiếm tin tức