TIN TỨC BỆNH VIỆN

VIÊM GAN B - “KẺ GIẾT NGƯỜI THẦM LẶNG”
[ Cập nhật vào ngày (30/10/2019) ]

Nếu như trước đây HIV/AIDS được gọi là đại dịch của thế kỷ 20 vì mức độ nguy hiểm của nó thì ở thế kỷ 21 hiện nay, con người đang phải đối mặt với căn bệnh có khả năng lây truyền và hậu quả nghiêm trọng ở mức báo động: “VIÊM GAN B”.


Viêm gan B (Viêm gan siêu vi B, Viêm gan virus B) là bệnh phổ biến toàn cầu, do virus viêm gan B (HBV – Hepatitis B Virus) gây ra. Virus viêm gan B có thể tồn tại ngoài cơ thể đến 7 ngày, trong khi HIV chỉ tồn tại vài giờ ngoài cơ thể. Mặt khác, khả năng lây nhiễm của Viêm gan B cao gấp 50-100 lần so với HIV. Điều may mắn là hiện nay đã có vaccine phòng ngừa Viêm gan B với hiệu quả rất cao (3 mũi vaccine có thể tạo miễn dịch bảo vệ tới 95%).

HBV lây nhiễm qua đường máu, quan hệ tình dục và từ mẹ sang con. Việt Nam nằm trong vùng dịch tễ lưu hành cao của nhiễm HBV (tỷ lệ nhiễm HBV > 8%) với đường lây chủ yếu là truyền từ mẹ sang con. Theo Báo cáo toàn cầu về Viêm gan virus 2017 của Tổ chức Y tế Thế giới, ước tính năm 2015 toàn cầu có khoảng 257 triệu người nhiễm HBV mạn và 884.400 người tử vong, phần lớn do các biến chứng xơ gan và ung thư biểu mô tế bào gan (HCC – Hepatocellular carcinoma).

HBV thuộc họ Hepadnaviridae, có cấu trúc di truyền DNA, được chia thành 10 kiểu gen ký hiệu từ A đến J. HBV có 3 loại kháng nguyên chính: HBsAg, HBeAg và HBcAg; tương ứng với 3 loại kháng thể, lần lượt là Anti-HBs, Anti-HBe và Anti-HBc. Xét nghiệm phát hiện các kháng nguyên, kháng thể có ý nghĩa rất quan trọng trong việc xác định bệnh, thể bệnh. Ngoài ra, để theo dõi tình trạng diễn tiến của Viêm gan B, người bệnh cần được thực hiện một số cận lâm sàng khác như xét nghiệm men gan (AST, ALT, GGT), đo tải lượng virus trong máu bằng PCR (còn gọi là xét nghiệm HBV DNA), tình trạng tắc mật (bilirubin toàn phần, bilirubin gián tiếp), đông cầm máu (PT, aPTT), nguy cơ ung thư gan (AFP), siêu âm bụng tổng quát, chụp cắt lớp vi tính bụng nhiều lát cắt,…

Hiện nay, tất cả các xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh để tầm soát, chẩn đoán cũng như điều trị, theo dõi diễn tiến bệnh Viêm gan B đã và đang được triển khai thực hiện tại khoa Nội Tiêu hóa – Huyết học Bệnh viện Đa khoa thành phố Cần Thơ.

Ảnh minh họa.

Cũng như tăng huyết áp, Viêm gan B mạn được coi là “kẻ giết người thầm lặng” vì bệnh có triệu chứng rất mơ hồ, nhiều người vẫn có kết quả xét nghiệm men gan bình thường, nên bệnh có thể bỏ sót dù đã được kiểm tra sức khỏe định kỳ. Người mắc Viêm gan B mạn thường không biết mình mắc bệnh, khi có biểu hiện rõ ràng thì bệnh thường đã ở giai đoạn muộn, hoặc ở tình trạng nguy hiểm (đợt cấp). Vì thế, tất cả mọi người, đặc biệt là đối tượng có yếu tố nguy cơ, cần được thực hiện kiểm tra, sàng lọc để phát hiện bệnh, từ đó có hướng theo dõi hợp lý và điều trị kịp thời; hoặc thực hiện tiêm phòng vaccine tạo miễn dịch bảo vệ.




BS. Đặng Lê Trang Nguyên – Khoa Nội Tiêu hóa – Huyết học

  In bài viết



tin nổi bật


Đơn vị trực thuộc

Tìm kiếm tin tức