TIN TỨC BỆNH VIỆN

Những tấm gương y đức cao đẹp
[ Cập nhật vào ngày (27/02/2019) ]

Những ca phẫu thuật thành công, những trường hợp bệnh khó được điều trị qua cơn nguy kịch, người bệnh hồi phục về với gia đình, chính nhờ sự tận tâm, tận tụy của người thầy thuốc. Dù công việc nhiều áp lực, môi trường làm việc tiềm ẩn nhiều nguy cơ, rủi ro mắc bệnh nghề nghiệp, nhưng rất nhiều những tấm gương y đức, gắn bó với nghề, âm thầm vượt qua những khó khăn, thách thức, cống hiến cho đời, cho sự phát triển của ngành y tế thành phố, để Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27-2 mà xã hội tôn vinh thêm thiêng liêng, cao cả.


 

Bác sĩ La Văn Phú kiểm tra sức khỏe sau phẫu thuật cho bệnh nhân nhiễm HIV.

Trong gian khó vẫn không nao lòng

Tốt nghiệp đại học y khoa, bác sĩ Th. (quê Cà Mau) đầu quân cho Khoa ICU (Hồi sức tích cực-chống độc) của một bệnh viện (BV) ở Cần Thơ. Ngay từ khi còn là sinh viên, Th. đã có tâm nguyện muốn đem học thức, tình thương, đứng vào hàng ngũ đội quân áo trắng nơi khoa hồi sức tích cực - chống độc, trong cuộc chiến ở lằn ranh mong manh của sự sống và cái chết. Tai nạn nghề nghiệp xảy đến với Th. vào tháng 8-2014, sau 7 năm làm việc tại ICU.

Bác sĩ Th. nhớ lại: “Vào giữa khuya, nữ bệnh nhân lớn tuổi diễn biến sức khỏe xấu, tôi tiến hành cấp cứu và đặt nội khí quản. Trong lúc thực hiện thủ thuật, bệnh nhân bất ngờ ho, khạc đàm lẫn máu ra ngoài, dính vào mắt tôi”. Bác sĩ Th. vẫn tiếp tục làm cho xong thủ thuật rồi mới đi vệ sinh mắt mũi tay chân sạch sẽ, sau đó xem lại bệnh án của bệnh nhân, phát hiện bệnh nhân chưa được làm các xét nghiệm kiểm tra các bệnh lây nhiễm nên chỉ định lấy mẫu thực hiện. Kết quả xét nghiệm HIV dương tính. Bác sĩ Th. nhớ lại: “Cảm giác rụng rời tay chân khi biết kết quả bệnh nhân nhiễm HIV. Mình là bác sĩ trong nghề, nhưng ngay lúc đó lại vô cùng hoang mang, không biết phải làm gì”.

Người đầu tiên Th. gọi điện báo tin là người yêu, cũng là đồng nghiệp đang công tác cùng khoa với chị. Họ vừa mới ngỏ lời yêu nhau, nên chị nghĩ, nói trước để anh biết đường “rút sớm”!. Nhưng người yêu của chị chẳng những không bỏ rơi chị, mà còn cùng với đồng nghiệp trong khoa hết mực động viên, ủng hộ tinh thần, giúp chị bước vào giai đoạn uống thuốc ARV dự phòng HIV. Cả tháng đó phải uống thuốc liên tục, vào đúng 23h đêm mỗi ngày. Thuốc có tác dụng phụ mạnh, chị mệt mỏi dữ lắm. Mỗi ngày chờ đợi dài đằng đẵng, những đêm khuya, chị giật mình lo lắng cho sức khỏe bản thân, cho hoài bão mới chớm. Sau một tháng, kết quả xét nghiệm chị âm tính với HIV. Chị bắt đầu quay lại với công việc với tâm trạng tự tin hơn, tiếp bước hành trình y nghiệp.

Một câu chuyện khác, của điều dưỡng B. Nh., mắc lao màng phổi khi đang mang thai tháng thứ 7. Chuyện xảy ra hai năm trước, khi Nh., cũng đang công tác tại khoa ICU của một BV. Nh. nhớ lại, do mang bầu lần đầu, nên khi có triệu chứng đau nhói một bên hông, cứ tưởng do bầu hành trong bối cảnh áp lực công việc lớn. Đến khi đi kiểm tra sức khỏe, Nh. mới phát hiện bị lao màng phổi. “Khi đó em khủng hoảng lắm, không phải lo cho mình mà lo cho đứa con tội nghiệp trong bụng”, Nh. kể. Ngay sau đó, thai phụ phải thực hiện phác đồ điều trị lao, cứ ra vô BV điều trị liên tục. Nh. vừa mệt vì thai kỳ, vừa do tác dụng phụ của thuốc, lại thường xuyên xuất huyết bất thường khiến Nh. rơi vào cơn trầm cảm. Sau khi sinh con, thời gian đó vẫn uống thuốc, người mẹ trẻ không cho con bú được - điều khiến Nh. rất buồn mỗi khi nhớ lại, nhưng dặn lòng phải kiên cường vượt qua để tiếp tục cống hiến cho đời. 

Bác sĩ Phan Thị Phụng, Trưởng Khoa ICU của BV Đa khoa TP Cần Thơ cho biết, trong vòng 10 năm qua, khoa của chị có đến 5 cán bộ y tế mắc bệnh lao phổi. Khoa ICU thực sự là môi trường rất độc hại, tiềm ẩn nhiều nguy cơ khiến cán bộ y tế làm việc nơi này dễ mắc bệnh nghề nghiệp. Bởi lẽ, bệnh nhân của khoa ICU đều là bệnh nặng, nguy kịch, thở máy. Trong số các bệnh nhân này, có cả bệnh nhân nhiễm HIV, bệnh nhân lao phổi và nhiều bệnh có nguy cơ lây nhiễm cao. Không gian của Khoa ICU kín, đội ngũ cán bộ y tế làm việc hàng ngày trong môi trường này, hít phải vi khuẩn do bệnh nhân thở ra trong không khí là điều không thể tránh khỏi.

Một trong những nguyên nhân tiềm ẩn gây bệnh nghề nghiệp cho cán bộ y tế chính là việc “ăn” tia X từ các thủ thuật chụp X quang tại giường. Trung bình mỗi ngày, khoa thực hiện 5 ca chụp cho bệnh nhân không thể di chuyển. Các ê kíp làm việc ở phòng can thiệp hay khoa chẩn đoán hình ảnh cũng đối mặt với nguy cơ mắc bệnh cao. Bác sĩ CKII Trịnh Thanh Tâm, Phó trưởng khoa ICU, phụ trách đơn vị can thiệp tim mạch BV cho biết, tác hại của tia X là phá hủy các mô tế bào của cơ thể, dù có mặc áo chì để bảo vệ, nhưng các luồng tia “vô hình” khó có thể xác định được hướng di chuyển cũng như tác hại của chúng.

Nguyện dấn bước theo y nghiệp

Tốt nghiệp Đại học Y khoa Trường Đại học Y dược Cần Thơ cuối năm 2017, tân bác sĩ Lê Vân Anh (sinh năm 1991) tình nguyện đầu quân về Khoa Lao đa kháng, BV Lao và Bệnh phổi TP Cần Thơ. Nữ bác sĩ trẻ tâm sự: “Khi ba còn sống cũng phụ trách chương trình phòng chống lao của y tế cơ sở nên em muốn tiếp bước ba để chăm sóc bệnh nhân lao. Lúc biết ý định của con gái xin về phục vụ tại BV Lao và Bệnh phổi, mặc dù bản thân là cán bộ y tế, mẹ em cũng khuyên em nên cân nhắc kỹ trước khi quyết định. Còn bạn bè, người quen hỏi thăm công việc, biết Vân Anh làm việc ở BV lao, họ cũng có lời ra tiếng vào. Nhưng em không ngần ngại, quyết tâm theo đuổi ý muốn của bản thân”.

Mặc dù chăm chỉ học tập nơi giảng đường nhưng thực tế công tác thời gian đầu khiến Vân Anh gặp nhiều bỡ ngỡ. Cô nhận được sự giúp đỡ nhiệt tình của các anh chị đồng nghiệp, học được nhiều kinh nghiệm quý báu trong bước đầu của hành trình y nghiệp. Bên cạnh công tác chuyên môn, Vân Anh luôn trăn trở với những hoàn cảnh bệnh nhân nghèo khó, coi đó là động lực cho mục tiêu trong năm mới: “Cố gắng học hỏi thêm nữa để chữa bệnh hiệu quả cho bà con nghèo”.

Cũng tại BV Lao và Bệnh phổi thành phố, một tấm gương cán bộ y tế tận tụy, được người bệnh thương quý, đó là điều dưỡng Lê Thị Chi, đang công tác tại khoa bệnh phổi không lao. Trước khi về BV này, Chi làm việc tại một BV tư nhân lớn trên địa bàn, với thu nhập khá, công việc cũng có phần nhẹ nhàng, ổn định. Chi vốn có một người bạn làm việc tại BV Lao và Bệnh phổi, qua những câu chuyện của bạn, cô điều dưỡng trẻ thêm cảm thương hoàn cảnh của các bệnh nhân mắc bệnh phổi. Cô quyết định xin chuyển công tác về BV Lao và Bệnh phổi thành phố, dù nhiều người ngăn cản.

Chi nói, Chi không bao giờ quên, trước đây, cậu ruột của Chi mắc bệnh, cũng được các cán bộ y tế của BV tận tình chăm sóc, điều trị mà khỏi bệnh. Nếu ai cũng ngại sợ lây nhiễm thì lấy ai chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân lao phổi. Chi bộc bạch: “Phải có trái tim nhân hậu, yêu nghề, thương người dữ lắm thì cán bộ y tế mới có động lực làm việc được ở BV lao. Nhiều bệnh nhân rất đỗi tội nghiệp, họ vừa mắc lao, vừa bị kèm nhiều bệnh khác, bị xã hội bên ngoài kỳ thị. Trong vai trò cán bộ y tế, mình tận tình chăm sóc bệnh nhân, bệnh nhân mừng lắm, họ vui mình cũng hạnh phúc”.

 

Cán bộ y tế khoa ICU âm thầm làm việc trong môi trường tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây bệnh nghề nghiệp.

Tình yêu thương chính là sợ dây gắn bó trong mối quan hệ thầy thuốc - bệnh nhân. Điều dưỡng Lê Thị Chi xúc động kể lại câu chuyện của một bệnh nhân cao tuổi ở huyện Thới Lai dành cho cô. Chú ấy nhập viện điều trị do di chứng của bệnh lao tái phát. Do gia cảnh khó khăn, các con chú chỉ thỉnh thoảng ghé thăm rồi về để đi làm kiếm sống, chú ở viện một mình. Cán bộ y tế thương tình, trong đó có Chi, mỗi người luân phiên mua ít thức ăn cho chú những ngày nằm viện. Buổi sáng hôm đó, ngày chú được xuất viện, chú mua hai gói xôi, một gói cho chú, một cho Chi, để bày tỏ lòng cảm ơn đối với cô điều dưỡng dễ thương, tốt bụng, nhưng chú cứ lấp ló, chần chừ mãi, ngại Chi chê không nhận. Điều dưỡng Chi tâm sự: “Gói xôi tuy không có ý nghĩa vật chất nhưng đó là tình cảm chân thành dành cho tôi, khiến mỗi lần nhớ lại, tôi vô cùng hạnh phúc, tan biến mọi mệt mỏi khó nhọc của công việc”.

* * *

Thật đáng quý những tấm gương đã và đang dành trọn tâm huyết cho nghiệp y của mình. Xung quanh chúng ta vẫn còn rất nhiều những bông hoa khoác áo blouse trắng đang ngày đêm tỏa hương thơm làm đẹp cho đời.




THU SƯƠNG Theo Báo Cần Thơ

  In bài viết



tin nổi bật


Đơn vị trực thuộc

Tìm kiếm tin tức