TIN TỨC BỆNH VIỆN

KỸ THUẬT MỚI ĐIỀU TRỊ HẸP ĐỘNG MẠCH CHI DƯỚI
[ Cập nhật vào ngày (23/01/2019) ]

Bệnh viện Đa khoa thành phố Cần Thơ vừa áp dụng thành công kỹ thuật can thiệp nội mạch bằng cách nong và đặt stent điều trị hẹp động mạch chi dưới. Đây kỹ thuật xâm lấn tối thiểu, gần như không gây biến chứng cho người bệnh.


Mới đây, các bác sĩ khoa Ngoại lồng ngực – Bệnh viện Đa khoa thành phố Cần Thơ đã áp dụng thành công kỹ thuật đặt stent điều trị bệnh hẹp động mạch chi dưới. Bệnh nhân là ông Nguyễn Thanh V, 50 tuổi, quê ở huyện Thới Lai. Đến nay, bệnh nhân phục hồi tốt, không biến chứng gì sau xuất viện.

Hẹp hoặc tắc động mạch chi dưới là bệnh lý dễ bị bỏ qua và thường được chẩn đoán nhầm với các bệnh lý về cơ xương khớp, bệnh do tuổi già. Mấy năm nay bệnh nhân Nguyễn Thanh V, 50 tuổi ở huyện Thới Lai có triệu chứng mỏi chân khi đi lại nhiều nhưng cứ nghĩ là bệnh đau cơ xương khớp thông thường của tuổi già. Đến khi chữa mãi không khỏi, cơn mỏi chân càng ngày càng tăng ông mới chịu nhập viện. “Ban đầu cơn mỏi ít hơn, tôi đi bộ khoảng 100 – 150 mét thì mỏi, rồi từ từ, quãng đường giảm xuống còn chừng 50m. Mỗi lần như vậy tôi phải ngồi nghỉ rất lâu mới tiếp tục đi được” – ông V, chia sẻ.

Kết quả chụp CT cản quang cho thấy hẹp nặng động mạch chậu ngoài hai bên do xơ vữa động mạch. Động mạch chậu phải hẹp 80% đồng thời bị xơ vữa, động mạch chậu bên trái hẹp 90%. Ngay sau đó, bệnh nhân được chỉ định kỹ thuật can thiệp qua da bằng ống thông. Với trường hợp này, các bác sĩ tư vấn phương pháp điều trị mới không cần phẫu thuật thay bằng kỹ thuật nong và đặt stent (can thiệp nội mạch).

Trực tiếp thực hiện là ThS.BS Nguyễn Văn Trang, phó Trưởng khoa Ngoại lồng ngực. Với kỹ thuật này, bệnh nhân sẽ được nong bóng và đặt stent chỉ qua một vết đâm kim ở vùng bẹn đùi. Phương pháp này chỉ gây tê tại chỗ không cần gây mê hay tê tủy sống. Người bệnh gần như hồi phục sau can thiệp.

ThS.BS Nguyễn Văn Trang cho biết, dụng cụ can thiệp động mạch chi dưới là các dây dẫn, ống thông, bóng và giá đỡ (stent) được đưa đến vị trí tổn thương qua một lỗ chọc kim ở động mạch đùi. Ống thông gắn bóng được đưa vào vị trí hẹp, tắc để mở rộng lòng mạch. Tiếp theo, stent được đưa vào để giữ cho lòng mạch không bị hẹp lại. Khi lòng mạch được mở thông, dòng máu được phục hồi, các triệu chứng đau, mỏi chân khi đi bộ và đau khi nghỉ ngơi do thiếu máu sẽ giảm nhanh chóng và hồi phục hoàn toàn. 

Hẹp động mạch chi dưới là tình trạng bệnh của các động mạch cung cấp máu tới chân bao gồm động mạch chủ bụng, động mạch chậu, động mạch đùi, động mạch khoeo và động mạch chày - mác. Lòng động mạch bị hẹp gây giảm tưới máu cho cơ, xương và các bộ phận liên quan (da, thần kinh) của chân. Nếu không được điều trị tái thông mạch thì mô thiếu máu sẽ hình thành những vết loét không lành hoặc hoại tử một phần hay toàn bộ bàn chân, cẳng chân.

Nguyên nhân hàng đầu của hẹp, tắc lòng động mạch chậu là do vữa xơ động mạch hoặc huyết khối làm giảm dòng máu nuôi phần chi phía dưới. Đối tượng mắc bệnh thường thuộc nhóm người mắc bệnh tiểu đường, nghiện thuốc lá, tăng huyết áp, rối loạn lipid máu, ít vận động,...

Biểu hiện đầu tiên mà người bệnh có thể ghi nhận là mỏi bắp chân khi đi được một khoảng cách nhất định. Hiện tượng này thể hiện tình trạng thiếu máu khi gắng sức của chân bị hẹp động mạch. Nặng hơn nữa là người bệnh cảm giác mỏi ngay khi vừa bước đi hay đau liên tục khi nghỉ, kèm theo xuất hiện các biểu hiện của thiếu máu mạn tính ở cẳng và bàn chân, như: da khô, teo cơ, chân lạnh hay có thể tím, loét.

Hai phương pháp mở thông động mạch chi dưới là: nong - đặt stent qua da bằng ống thông (can thiệp nội mạch) và phẫu thuật làm cầu nối động mạch. Chỉ định phương pháp can thiệp hay phẫu thuật được cân nhắc tùy trường hợp cụ thể. Phương pháp can thiệp nội mạch có nhiều ưu điểm so với phẫu thuật, ngày càng được bệnh nhân chấp nhận nhiều hơn, có thể thực hiện được cho phần lớn bệnh nhân, kể cả các trường hợp bị tổn thương mạch nhỏ ở cẳng chân và bàn chân. Các loại thuốc uống sau can thiệp hoặc phẫu thuật rất quan trọng để duy trì kết quả điều trị, hạn chế bị tắc lại. Nhất là các loại thuốc tiểu đường, tăng huyết áp, rối loạn lipid máu và bỏ các thói quen như hút thuốc lá, ít vận động.




Bài, ảnh: K.Đ

  In bài viết



tin nổi bật


Đơn vị trực thuộc

Tìm kiếm tin tức