TIN TỨC BỆNH VIỆN

TẠO HÌNH KHÍ QUẢN CHO BỆNH NHÂN 67 TUỔI
[ Cập nhật vào ngày (30/10/2018) ]
Cận cảnh ca mổ tạo hình khí quản.
Cận cảnh ca mổ tạo hình khí quản.

Bệnh nhân bị hẹp đường thở do chèn ép khí quản được các bác sĩ khoa Ngoại lồng ngực – Bệnh viện ĐKTP Cần Thơ cứu sống nhờ phương pháp cắt nối và tạo hình khí quản.


Sau một tai nạn giao thông, bệnh nhân N.H.E, 67 tuổi, ở huyện Cờ Đỏ, TP. Cần Thơ bị chấn thương sọ não, hôn mê. Bệnh nhân được đặt nội khí quản thở máy khoảng 1 tháng tại BV Chợ Rẫy, sau đó sức khỏe ổn định bệnh nhân xuất viện. Gần 1 tháng nay, bệnh nhân cảm thấy thở khó, mỗi lần thở có tiếng rít nghe rất rõ. Tình trạng khó thở ngày càng nặng dần, khi hoạt động nặng phải ngồi thở rất khó khăn, nên xin nhập viện tại Bệnh viện ĐKTP Cần Thơ.

Vị trí khí quản bị tắc.

Qua quá trình thăm khám và làm các cận lâm sàng, bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị hẹp khí quản nặng đoạn sụn nhẫn, hẹp 2/3 khẩu kính khí quản cách dây thanh 30mm do di chứng đặt nội khí quản lâu ngày. Ngay sau hội chẩn, các bác sĩ chỉ định phương pháp mổ là cắt đoạn khí quản hẹp nối tận tận, gây mê nội khí quản ống nhỏ tạm thời.

Ca mổ thực hiện lúc 9h30 phút ngày 29/10, do BSCKII. Nguyện Văn Nghĩa, Phó Giám đốc Bệnh viện, BSCKII. Phạm Văn Phương, Trưởng khoa Ngoại lồng ngực trực tiếp thực hiện. Ê kíp tiến hành rạch da ngang cổ, phẫu tích bọc lộ sụn giáp sụn nhẫn và sụn khí quản đoạn cổ, mở khí quản đoạn cổ, đặt nội khí quản nối ra máy thở. Quá trình thám sát thấy đoạn sụn nhẫn trong lòng sùi chích hẹp lòng khí quản còn khỏang 3x4mm, đoạn dài khoảng 5mm. Ê kíp xử trí bằng cách cắt bỏ đoạn sụn nhẫn hẹp, bóc tách kéo hai đầu khí quản nối vào với nhau, khâu chỉ và nối lại. Sau đó, đặt lại nội khí quản từ trên họng xuống chỗ mở khí quản, cố định và khâu lại chỗ mở khí quản rồi dẫn lưu khâu lại vết mổ từng lớp. Dự khiến sau 2 ngày sẽ rút nội khí quản để bệnh nhân thở bình thường.

Ca mổ  thực hiện thành công với thời gian 1 giờ. 

Cắt nối và tạo hình khí quản được các chuyên gia đánh giá là một trong những kỹ thuật khó thực hiện nhất của phẫu thuật lồng ngực. Bởi lẽ có đoạn khí quản nằm trong lồng ngực, tiếp giáp với những mạch máu lớn, thực quản, hệ thống thần kinh, nếu thực hiện không chuẩn xác dễ dẫn tới biến chứng như bệnh nhân bị mất tiếng hoặc gây chảy máu thực quản. “Sẹo hẹp khí quản là di chứng do nhiều nguyên nhân như đặt nội khí quản, mở khí quản, chấn thương thanh khí quản kích thích khí quản gây viêm, tạo các mô xơ gây dính hẹp. Nhiều trường hợp rất phức tạp, mất nhiều thời gian thực hiện. Tuy nhiên đối với ca này bệnh viện thực hiện khá thành công do vị trí hẹp dễ tiến hành kéo, nối. Tổng thời gian thực hiện chỉ mất khoảng  1 giờ đồng hồ” – BSCKII. Phạm Văn Phương thông tin.




Tin, ảnh: Kim Điều

  In bài viết



tin nổi bật


Đơn vị trực thuộc

Tìm kiếm tin tức