TIN TỨC BỆNH VIỆN

ÁP DỤNG KỸ THUẬT NỘI SOI MẬT TỤY NGƯỢC DÒNG TRONG ĐIỀU TRỊ SỎI MẬT
[ Cập nhật vào ngày (29/10/2018) ]

Một cụ ông 80 tuổi bị nhiễm trùng đường mật do sỏi ống mật chủ, bệnh diễn tiến nặng đe dọa đến tính mạng nhưng gia đình nhất quyết xin về. Nhờ áp dụng kỹ thuật điều trị xâm lấn tối thiểu là nội soi mật tụy ngược dòng (ERCP) mà các bác sĩ BV Đa khoa thành phố Cần Thơ đã giúp cụ không chỉ mau hết bệnh mà còn kịp về dự đám giỗ vợ đúng nguyện vọng.


Kỹ thuật nội soi mật tụy ngược dòng (ERCP) là dùng một loại ống soi chuyên dụng nhìn nghiêng đưa từ đường miệng, qua thực quản, dạ dày và xuống đoạn D2 tá tràng. Khi đã xác định nhú tá lớn (chỗ đường mật đổ vào tá tràng) thì luồn dụng cụ vào đường mật, bơm thuốc cản quang và chụp đường mật bằng C-Arm để đánh giá toàn bộ hình dạng của đường mật mục đích xem đường mật có sỏi hay không, số lượng, kích thước và vị trí của sỏi, dùng dao cắt cơ vòng Oddi. Sau đó dùng rọ (Dormia) hoặc bóng (Balloon) để lấy sỏi ra.

  • Thỏa ước nguyện cho cụ ông 80 tuổi

Đó là cụ ông T.V. Kh. 80 tuổi quê huyện Cờ Đỏ - Tp. Cần Thơ được BV Thới Lai chuyển đến trong tình trạng cấp cứu: đau bụng nhiều kèm theo sốt cao, lạnh run. Qua khám lâm sàng, xét nghiệm máu, siêu âm và chụp CT bụng được chẩn đoán nhiễm trùng đường mật do sỏi ống mật chủ tái phát (bệnh nhân bị sỏi mật đã điều trị 1 lần). Sau khi điều trị kháng sinh liều cao, giảm đau, hạ sốt tình trạng nhiễm trùng của bệnh nhân giảm hẳn. Bệnh nhân nhất quyết xin về vì lý do phải về để lo đám giỗ cho vợ (cụ bà mất cách đây 4 năm).

BSCKII. La Văn Phú, Trưởng khoa Ngoại tổng hợp thăm hỏi sức khỏe bệnh nhân Kh. trước khi xuất viện

Sau khi hội chẩn, bác sĩ quyết định lấy sỏi qua nội soi mật tụy ngược dòng (ERCP) mà không cần phẫu thuật. Ê kíp đã giải thích và thuyết phục rằng có thể áp dụng kỹ thuật mới điều trị sỏi cho cụ mà không cần phẫu thuật, không có vết mổ, không đau, làm xong vài ngày cụ có thể về nhà. Có vẻ chưa tin về kỹ thuật này nhưng vì được động viên và giải thích kỹ nên cụ đã đồng ý. Không giấu vẻ lo lắng, cụ tâm sự: “Tôi biết bệnh của mình rất nghiêm trọng nhưng nếu ở lại phẫu thuật thì sợ phải mất 2-3 tuần nữa mới xuất viện mà gần 1 tuần nữa là tới đám giỗ vợ rồi!”.

Ca nội soi mật tụy ngược dòng (ERCP) được tiến hành lúc 9h ngày 24/10/2018. Sau khoảng 25 phút với sự nỗ lực của ê kíp nội soi và gây mê, mọi việc thuận lợi, sỏi trong ống mật chủ đã được lấy ra, sau nội soi bệnh nhân hồi phục tốt.  Một ngày sau, sức khỏe của cụ ông đã bình phục, ăn uống được, sinh hoạt gần như bình thường. Chỉ sau 2 ngày nội soi, bác sĩ đã thông báo cho cụ Kh. có thể xuất viện. “Tuy không nói ra nhưng thấy gương mặt rạng ngời của cụ và các con, bản thân bác sĩ như hiểu được cụ rất mãn nguyện vì kịp về làm đám giỗ cho vợ. Tình trạng của cụ ông nếu không giải quyết sỏi mật thì sẽ rất nguy hiểm có thể dẫn tới biến chứng nhiễm trùng huyết, sốc nhiễm trùng đường mật hay viêm phúc mạc mật…sẽ đe dọa đến tính mạng. Rất may, bệnh nhân đã chịu lắng nghe lời khuyên của bác sĩ và con cháu” – BSCKII. La Văn Phú, Trưởng khoa Ngoại tổng hợp chia sẻ.  

  • Điều trị sỏi mật bằng kỹ thuật ERCP

Giữa năm 2016, được sự hỗ trợ của các bác sĩ chuyên khoa nội soi từ Bệnh viện đa khoa Trung ương Cần Thơ, BV Đa khoa thành phố Cần Thơ bắt đầu áp dụng kỹ thuật nội soi mật tụy ngược dòng đề điều trị bệnh lý mật tụy nói chung và bệnh sỏi mật nói riêng. Từ đó đến nay, bệnh viện đã thực hiện thành công cho hàng trăm bệnh nhân bị bệnh sỏi mật. Trong đó, có những trường hợp sỏi đường mật có biến chứng nặng như nhiễm trùng huyết, sốc nhiễm trùng đường mật. Đặc biệt, những bệnh nhân lớn tuổi, có bệnh lý nội khoa kèm theo như bệnh lý tim mạch, đái tháo đường, viêm phổi, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD)…

Kỹ thuật này vừa tiếp tục được áp dụng thành công cho 3 bệnh nhân hồi cuối tuần qua. Đó là bệnh nhân 43 tuổi quê ở Kiên Giang bị sỏi đường mật tái phát, từng mổ 3 lần. Bệnh nhân 81 tuổi, ở Vĩnh Long, tắc mật do 2 sỏi to, đặt stent giải áp tắc mật và bệnh nhân nữ 66 tuổi, quê ở Ô Môn, tp. Cần Thơ bị sỏi mật tái phát, đã mổ hở 5 lần. Lần này, các bệnh nhân được áp dụng kỹ thuật ERCP. Sau nội soi lấy sỏi được 2 ngày, cả 3 bệnh nhân đều xuất viện. Những trường hợp này nếu điều trị bằng phẫu thuật, kể cả phẫu thuật mở cũng như phẫu thuật nội soi thì sẽ gặp nhiều biến chứng hậu phẫu, nguy cơ tử vong cao hơn nhiều so với kỹ thuật ERCP.

“Ưu điểm của kỹ thuật ERCP là đạt tính thẩm mỹ cao, ít đau và mau hồi phục do bệnh nhân do không có vết mổ nào. Diễn tiến thuận lợi bệnh nhân có thể xuất viện sau nội sau 24 - 48h” – BSCKII. La Văn Phú, Trưởng khoa Ngoại tổng hợp, thông tin.

Nhờ những ưu điểm của nó mà ERCP là phương pháp được lưu chọn hàng đầu (first choice) trong điều trị sỏi ống mật chủ đơn thuần và sỏi mật ở những bệnh nhân có nguy cơ phẫu thuật cao. Đối với bệnh nhân có sỏi ống mật chủ kèm theo sỏi túi mật chúng ta có thể làm ERCP lấy sỏi ống mật chủ trước rồi sau đó phẫu thuật cắt túi mật qua nội soi cùng một thời điểm hoặc sau khi bệnh nhân làm ERCP ổn. Tuy nhiên, muốn áp dụng kỹ thuật này đòi hỏi phải có máy nội soi và dụng cụ chuyên dụng, máy C-Arm và bác sĩ nội soi có kinh nghiệm và được được đào tạo về kỹ thuật nội soi mật tụy ngược dòng (ERCP).

Trong thời gian tới, Bệnh viện đa khoa thành phố Cần Thơ sẽ phát triển nhiều kỹ thuật chuyên khoa sâu để giúp người dân thành phố Cần thơ nói riêng và vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói chung được hưởng những kỹ thuật y khoa tân tiến, góp phần giảm tải cho các Bệnh viện tuyến Trung ương.




Nguồn: Khoa Ngoại tổng hợp

  In bài viết



tin nổi bật


Đơn vị trực thuộc

Tìm kiếm tin tức