TIN TỨC BỆNH VIỆN

Gần 8 giờ căng thẳng cắt bỏ khối u tá tụy (u bóng Vater) cho bệnh nhân 60 tuổi
[ Cập nhật vào ngày (14/10/2018) ]
Khối u bóng Vater có kích thước khoảng 30x30mm
Khối u bóng Vater có kích thước khoảng 30x30mm

Cách nay khoảng 1 tháng, khoa Ngoại tổng hợp Bệnh viện ĐKTP Cần Thơ phẫu thuật bằng kỹ thuật Whipple cắt bỏ thành công khối u tá tụy (còn gọi là u bóng Vater với kích thước khoảng 30x30mm cho bệnh nhân H.T.C., 60 tuổi, ở quận Ninh Kiều, tp. Cần Thơ.


Trước khi nhập viện, bệnh nhân được chẩn đoán bị tắc ống mật và có kèm nhiễm trùng đường mật. Bệnh nhân được làm ERCP (Nội soi mật tụy ngược dòng) phát hiện khối u tá tụy. Sau đó được sinh thiết và đặt stent để thông đường mật. Kết quả giải phẫu bệnh cho thấy bệnh nhân bị u bóng Vater ác tính, và được chỉ định mổ cắt khối u qua nội soi. Đây là trường hợp đầu tiên Bệnh viện ĐKTP Cần Thơ thực hiện bằng kỹ thuật này.

BSCKII. Nguyễn Ngọc Diệp, Phó trưởng khoa Ngoại tổng hợp (trưởng ê-kíp phẫu thuật) cho biết: Khối u có kích thước 30x30 mm và dính nhiều vào các cơ quan xung quanh vùng đầu tụy, đặc biệt là nằm gần các mạch máu lớn, ê-kíp đã tiến hành ca phẫu thuật kéo dài gần 8 giờ để cắt toàn bộ khối u. Khi thực hiện phẫu thuật, ê-kíp bác sĩ đã cẩn thận bóc tách khối u, cắt bỏ 1 phần dạ dày, 1 phần đầu tụy và toàn bộ tá tràng. Ngay sau đó, ê kíp phải tái lập lại hệ thống tiêu hoá cho bệnh nhân bằng cách nối ruột với dạ dày, mật với ruột và tuỵ với ruột, cuối cùng là nối ruột với ruột.

Trong suốt quá trình phẫu thuật, bệnh nhân chỉ mất khoảng 100-150ml máu. Đây là một kết quả phẫu thuật rất thành công, vì nếu phẫu thuật viên không có kinh nghiệm, ca phẫu thuật có thể gây tổn thương nhiều mạch máu gây mất máu nhiều có thể ảnh hưởng đến tính mạng bệnh nhân.

Bác sĩ thăm khám bệnh nhân H.T.C. 

Bệnh u bóng Vater (hay còn gọi là khối u tá tụy) là bệnh khó và hiếm gặp. Đặc biệt bệnh khó chẩn đoán do triệu chứng bệnh đau âm ỉ, diễn tiến bệnh từ từ, đến khi có triệu chứng lâm sàng rõ như vàng da, sụt cân, ăn uống kém thì bệnh đã đến giai đoạn muộn, nên rất khó khăn trong điều trị nhất là phẫu thuật vì gây tổn thương cùng lúc nhiều cơ quan vùng đầu tụy. Thời gian gần đây, Bệnh viện ĐKTP Cần Thơ đã phát hiện nhiều trường hợp bệnh ở giai đoạn sớm nhờ có các kỹ thuật cận lâm sàng như: Siêu âm, CT, ERCP, …. Ngày nay, mặc dù nhiều nguyên nhân gây bệnh tắt đường mật đã được chẩn đoán, tuy nhiên nếu không chẩn đoán và điều trị sớm, có thể dẫn tới nhiều biến chứng nguy hiểm, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.  

Kỹ thuật cắt khối u tá tuỵ bằng phương pháp nội soi là kỹ thuật nội soi thuộc loại phức tạp nhất trong ổ bụng vì quá trình phẫu thuật phải cắt bỏ và khâu nối nhiều nội tạng. Phương pháp này giúp bệnh nhân mất ít máu, giảm đau nhanh, và thời gian hồi phục nhanh, không bị đường mổ lớn như kỹ thuật mổ hở cổ điển (rạch bụng) lâu lành vết mổ thậm chí dễ nhiễm trùng vết mổ, thời gian nằm viện lâu.




Tin, ảnh: Kim Điều

  In bài viết



tin nổi bật


Đơn vị trực thuộc

Tìm kiếm tin tức