TIN TỨC BỆNH VIỆN

Đặt máy tạo nhịp tim vĩnh viễn cứu sống cụ bà tròn 100 tuổi
[ Cập nhật vào ngày (02/07/2018) ]
Cụ bà Nguyễn Thị Cẩm ngồi trò chuyện với ThS.BS Lê Văn Cường tại khoa Tim mạch – Lão học BVĐKTP Cần Thơ.
Cụ bà Nguyễn Thị Cẩm ngồi trò chuyện với ThS.BS Lê Văn Cường tại khoa Tim mạch – Lão học BVĐKTP Cần Thơ.

Ngày 30 tháng 6 năm 2018, ThS.BS Lê Văn Cường, Phó trưởng khoa Tim mạch – Lão học cùng ê kíp Đặt máy tạo nhịp vĩnh viễn vừa cứu sống cho cụ bà tròn 100 tuổi trong gang tấc.


Đây là trường hợp bệnh nhân lớn tuổi nhất được Đặt máy tạo nhịp tim vĩnh viễn thành công từ trước đến nay. Đó là cụ bà Nguyễn Thị Cẩm, sinh năm 1918, quê ở huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang. Trước đó, bệnh nhân được chuyển từ Bệnh viện Đa khoa huyện Long Mỹ đến Bệnh viện Tim mạch thành phố Cần Thơ để điều trị theo chuyên khoa. Các bác sĩ tại đây tiến hành đo điện tim và phát hiện bệnh nhân bị Block nhĩ thất độ II, Mobitz 2. Ngoài ra, bệnh nhân còn mắc các bệnh kèm theo như viêm phổi, suy thận mạn,...

Bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa thành phố Cần Thơ trong tình trạng lơ mơ, không nhận biết được người thân, nhịp tim rất chậm (tần số 40 lần/phút), huyết áp thấp 90/60mmHg. Ngay khi tiếp nhận (ngày 27/6), các bác sĩ khám, xác định đây là tình huống  nguy kịch cần đặt máy tạo nhịp tim tạm thời cấp cứu để duy trì nhịp tim, ổn định sức khỏe cho người bệnh. Sau khi đặt máy tạo nhịp tạm thời, huyết áp bệnh nhân tăng lên 120/80mmHg  bệnh nhân hồi tỉnh lại và được chuyển lên khoa Tim mạch – Lão học tiếp tục điều trị và hỗ trợ nâng đỡ sức khỏe.

Để duy trì sự sống bệnh nhân phải đặt máy tạo nhịp tim vĩnh viễn nên vào lúc 9 giờ, ngày 30/6/2018 (thứ Bảy) tiến hành đặt máy tạo nhịp vĩnh viễn cho bệnh nhân. Trong quá trình thực hiện, ê kíp gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là việc tiếp cận mạch máu của bệnh nhân. Bởi vì mạch máu hẹp, co thắt, ảnh hưởng đến việc đặt điện cực vào buồng tim. Nhờ vào sự cần mẫn cùng với những kinh nghiệm vốn có, vào lúc 11 giờ, ê kíp thủ thuật đã đưa được dây điện cực vào buồng tim của bệnh nhân, hoàn tất quy trình đặt máy tạo nhịp tim vĩnh viễn. ThS.BS Lê Văn Cường, cho biết: “Thông thường, một ca thủ thuật tương tự chỉ tầm 30 phút, nhưng với bà cụ này phải mất trên 90 phút mới thực hiện thành công”.

Dù tuổi cao, nhưng sau một ngày được thực hiện thủ thuật bệnh nhân có thể ngồi dậy, ăn uống được, tinh thần minh mẫn. Qua thăm khám nhận thấy tình trạng sức khoẻ phục hồi tốt nên ngày 2/7/2018, bác sĩ cho bệnh nhân xuất viện.

Tính đến nay, Bệnh viện Đa khoa thành phố Cần Thơ thực hiện thành công kỹ thuật Đặt máy tạo nhịp vĩnh viễn cho 124 trường hợp (tỉ lệ thành công 100%). 




Kim Điều, phòng Quản lý chất lượng

  In bài viết



tin nổi bật


Đơn vị trực thuộc

Tìm kiếm tin tức