TIN TỨC Y TẾ

Giành lại sự sống nơi cửa tử
[ Cập nhật vào ngày (16/07/2018) ]
Bác sĩ Phan Thị Phụng trao đổi với đồng nghiệp về diễn tiến bệnh nhân
Bác sĩ Phan Thị Phụng trao đổi với đồng nghiệp về diễn tiến bệnh nhân

Ở Khoa Hồi sức - tích cực chống độc (ICU), Bệnh viện (BV) Đa khoa TP Cần Thơ trên 30 giường bệnh của khoa, là những bệnh nhân tình trạng “ngàn cân treo sợi tóc”. Hầu hết bệnh nhân đang trong cơn mê, nhưng vẫn còn ý chí sinh tồn qua từng nhịp thở, dù là thở máy. Để giúp người bệnh chống lại tử thần, các bác sĩ của ICU phải luôn chú tâm theo dõi diễn tiến sức khỏe của từng bệnh nhân, từ việc điều chỉnh máy thở, hút đàm, bơm thuốc, hồi sức cấp cứu tim phổi,... bởi bất cứ sơ sót nào, dù nhỏ cũng có thể đánh mất sự sống của một con người...


Tấm lòng ở ICU

Bác sĩ CKII Phan Thị Phụng, Trưởng Khoa ICU, không chỉ luôn ở tư thế sẵn sàng trong cuộc chiến giành lại sinh mạng người bệnh ngay ranh giới mong manh giữa sự sống và cái chết, mà còn là người thầy, người truyền cảm hứng cho các đồng nghiệp trong công việc. Với người bệnh nghèo, chị Phụng kết nối những tấm lòng hảo tâm để hỗ trợ, giúp đỡ.

Bác sĩ Phụng nhớ lại, trước đây, Khoa ICU gặp rất nhiều khó khăn, phương tiện chưa đầy đủ khiến các thầy thuốc cảm thấy bất lực trong nhiều trường hợp bệnh nhân trở nặng. Từ khi BV Đa khoa TP Cần Thơ được xây dựng mới, Khoa  ICU được trang bị đầy đủ điều kiện làm việc, từ phòng ốc đến máy móc hiện đại, bác sĩ Phụng cùng tập thể khoa quyết tâm triển khai nhiều kỹ thuật cao. Bắt đầu từ việc cử cán bộ luân phiên học tập nâng cao trình độ, cập nhật kiến thức mới để khai thác tối đa hiệu suất hoạt động của máy móc. Từ thực tế nhiều bệnh nhân có nhu cầu lọc máu, thay huyết tương, Khoa triển khai kỹ thuật tại giường, góp phần cứu sống rất nhiều trường hợp nguy kịch. Với bệnh lý tim mạch, nếu cấp cứu kịp thời trong thời gian vàng, bệnh nhân có cơ hội hồi phục cao nên bước đầu Khoa triển khai đơn vị can thiệp tim mạch, tiếp nối sẽ triển khai tim mạch cấp cứu. Trong năm 2018, Khoa dự kiến thành lập thêm đơn vị điều trị đột quỵ cũng như triển khai thêm nhiều kỹ thuật mới. 

Chú Lê Văn Tư (61 tuổi, ngụ quận Ô Môn) nhập viện cấp cứu với tình trạng choáng mất máu, xuất huyết ổ loét tá tràng ồ ạt, ói ra máu tươi rất nhiều. Hôm đó vào ca trực của bác sĩ Phụng, chị chỉ định truyền máu truyền dịch, nội soi cấp cứu. Tuy nhiên, do ổ loét phún máu nhiều, can thiệp nội soi không được, các bác sĩ hội chẩn, chuyển sang mổ mở để cầm máu ổ loét. Sau phẫu thuật, bệnh nhân được chuyển về Khoa ICU tiếp tục điều trị, sức khỏe dần hồi phục. Cô Đỗ Ngọc Chăn, vợ của chú Lê Văn Tư, cho biết: "Bác sĩ Phụng giải thích tình trạng của ông nhà tôi. Chỉ mấy giờ sau phẫu thuật, ông ấy tỉnh lại. Mừng lắm!". Theo bác sĩ Phụng, đối mặt thường xuyên với bệnh nhân nguy kịch, cán bộ ICU rèn luyện tinh thần bình tĩnh, tập trung, sáng suốt để cố hết sức cứu bệnh nhân. Mỗi bệnh nhân được điều trị thoát khỏi tình trạng báo động đỏ, là món quà lớn nhất dành cho nhân viên y tế, tiếp thêm động lực để nỗ lực nhiều hơn. Theo đề tài nghiên cứu tỷ lệ tử vong ở bệnh nhân ICU do chính bác sĩ Phụng thực hiện, tỷ lệ điều trị thành công hơn 50%, tỷ lệ phải chuyển viện rất thấp.

Qua từng bệnh nhân, bác sĩ Phụng và các đồng nghiệp phân tích, tìm giải pháp điều trị hiệu quả. Đồng thời, mỗi bác sĩ, điều dưỡng của Khoa thường quy nghiên cứu, báo cáo chuyên đề hằng tuần từ thực tế điều trị, để cả Khoa cùng bàn bạc, đúc kết kinh nghiệm chuyên môn. Bác sĩ Đoàn Văn Thiện chia sẻ, sau 4 năm công tác tại ICU từ khi ra trường, anh học hỏi được nhiều kinh nghiệm quý báu từ môi trường làm việc, từ đồng nghiệp và nhất là sự chỉ dẫn nhiệt tình của bác sĩ Phụng. Môi trường làm việc của ICU tiềm ẩn nhiều nguy cơ nhân viên y tế mắc bệnh nghề nghiệp, như bệnh lao phổi. Một số cán bộ của ICU bị nhiễm lao, có người mắc bệnh khi mang thai. Điều dưỡng Trưởng Khoa Lương Thị Thanh Hoài cho biết: "Trách nhiệm, tình cảm của chị Phụng đối với nhân viên không chỉ là của cấp trên đối với cấp dưới, mà còn là sự thương yêu, quan tâm của người chị cả đối với những đứa em. Anh chị em trong Khoa có vui buồn gì từ công việc đến cuộc sống, thường tâm sự với chị Phụng và nhận được nhiều lời khuyên xác đáng".

Góp sức vì người bệnh nghèo

Khi bệnh nhân vào ICU, bác sĩ có trách nhiệm tư vấn rõ ràng cho gia đình người bệnh, kể cả việc tiên lượng tử vong. Thế là người nhà có suy nghĩ rằng cứu chữa cũng mất công, nên năn nỉ bác sĩ cho người bệnh về để được chết tại nhà. Bác sĩ Phụng kể: "Bệnh nhân nào còn cơ hội cứu sống, dù tỷ lệ thành công thấp, chúng tôi kiên quyết thuyết phục giữ lại để điều trị, với tinh thần còn nước còn tát".

Không chỉ nỗ lực trong chuyên môn, các bác sĩ ICU còn tích cực kêu gọi mạnh thường quân hỗ trợ cho nhiều người bệnh nghèo. Bác sĩ Phụng cho biết, chi phí điều trị một bệnh nhân sốc nhiễm trùng, suy đa tạng nhẹ nhất cũng 2 triệu đồng/ngày, những ca lọc máu lên tới 10 triệu đồng/ngày. Bệnh nhân có bảo hiểm y tế (BHYT) sẽ được điều trị tối đa, còn với những trường hợp không có BHYT lại nghèo, bác sĩ rất trăn trở, khó chỉ định điều trị tốt nhất cho người bệnh. Anh Lại Văn Tú (ở tỉnh Vĩnh Long), con trai bệnh nhân Lại Văn Thanh (69 tuổi) đang điều trị ở Khoa ICU, cho biết, ông cụ bị bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, phải thở máy liên tục. Anh Tú chia sẻ: "Cha tôi nằm viện mấy tháng nay, muốn tiếp tục điều trị mà nhà túng quẫn, đưa về thì không đành. Nhờ bác sĩ Phụng cứu giúp, hỗ trợ hằng tuần mà cha tôi kéo dài sự sống. Gia đình tôi ghi nhớ đến suốt cuộc đời".

Một trường hợp khác là bệnh nhân Nguyễn Văn Bé Hai (34 tuổi), làm công nhân ở Phú Quốc, lên cơn nhồi máu não tại công trường, người thân chuyển về Cần Thơ điều trị. Bệnh nhân Hai vào viện không có tiền, lại không có BHYT. Vợ anh bán vé số kiếm sống, khi chồng bệnh, cũng không xoay xở được chi phí, đành "bó tay", xin bác sĩ cho chồng về nhà. Nhận thấy bệnh nhân có cơ hội cứu chữa được, bác sĩ Phụng kêu gọi các mạnh thường quân hỗ trợ viện phí, đồng thời, mua tặng BHYT. Qua thời gian điều trị, sức khỏe bệnh nhân cải thiện. Điều dưỡng Nguyễn Thị Lợt, Phó Trưởng Phòng Điều dưỡng, phụ trách Tổ công tác xã hội BV Đa khoa TP Cần Thơ cho biết: "Bác sĩ Phụng là cầu nối giữa Tổ công tác xã hội với các mạnh thường quân. Trường hợp bệnh cấp bách thiếu viện phí, tôi đều nhờ bác sĩ Phụng "tiếp tay" vận động. Nhiều năm qua, chị Phụng còn góp sức giúp BV tổ chức đều đặn các chương trình tặng quà cho người bệnh ở lại BV dịp Tết Nguyên đán".

Tinh thần trách nhiệm, tình thương và lòng nhân ái của bác sĩ Phan Thị Phụng còn thể hiện qua việc chị lên tiếng mạnh mẽ trước tình trạng nhiều bệnh nhân tiểu đường sử dụng đông dược không rõ nguồn gốc nhập viện bị suy đa tạng rồi tử vong đột ngột. Phản ánh của chị góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng, được lãnh đạo ngành y tế thành phố ghi nhận, khen ngợi về trách nhiệm của người cán bộ y tế.

Bác sĩ CKII Lê Quang Võ, Giám đốc BV Đa khoa TP Cần Thơ, nói về đồng nghiệp của mình bằng sự trân trọng và cảm kích: "Bác sĩ Phụng là một cán bộ quản lý tận tâm, tận lực vì sự phát triển BV, một người thầy thuốc hết lòng hết sức vì người bệnh".




Thu Sương Theo Báo Cần Thơ

  In bài viết



tin nổi bật


Đơn vị trực thuộc

Tìm kiếm tin tức

Sebagian besar pencarian tumpukan pola dari tampilan terkini ini kemungkinan besar adalah peraturan yang terkait dengan replika rolex swiss richard mille .

This website strongly recommends: www.iapac.to http://www.wannawatches.com