TIN TỨC Y TẾ

TÌM HIỂU BỆNH HEN PHẾ QUẢN
[ Cập nhật vào ngày (30/12/2019) ]

Hen phế quản là một bệnh mãn tính thường gặp và nghiêm trọng, đặt ra một gánh nặng đáng kể cho bệnh nhân, gia đình và cộng đồng. Bệnh ảnh hưởng đến khoảng 300 triệu người trên tòan thế giới, ở tất cả các nhóm tuổi, với tỷ lệ tăng cao ở nhiều nước đang phát triển. Bệnh hen phế quản gây ra các triệu chứng hô hấp, hạn chế hoạt động và các cơn kịch phát đôi khi cần phải được chăm sóc y tế khẩn cấp và có thể dẫn đến tử vong.


I. ĐỊNH NGHĨA HEN PHẾ QUẢN

          Hen là một bệnh lý đa dạng, thường có đặc điểm là viêm đường thở mạn tính. Hen được định nghĩa bởi sự hiện diện của bệnh sử có các triệu chứng hô hấp như khò khè, khó thở, nặng ngực và ho, các triệu chứng này thay đổi theo thời gian và về cường độ, cúng với sự giới hạn luồng khí thở ra giao động.

Các kiểu hình hen phế quản:

          Có nhiều kiểu hình đã được nhận diện. Vài dạng thường gặp gồm có:

  • Hen dị ứng: đây là kiểu hình hen dễ nhận biết nhất, thường khởi phát từ lúc trẻ và kèm theo bệnh sử hoặc tiền sử gia đình có bệnh dị ứng như chàm, viêm mũi dị ứng hoặc dị ứng thức ăn hay thuốc. Người bệnh hen dạng này thường đáp ứng tốt với corticosteroid dạng hít (ICS).
  • Hen không dị ứng: một số người lớn bị hen không kèm với dị ứng. Nhóm bệnh nhân này thường đáp ứng kém với corticosteroid
  • Hen khởi phát muộn: một số người lớn, nhất là phụ nữ, biểu hiện hen lần đầu tiên khi đã trường thành. Những bệnh nhân này có khuynh hướng không dị ứng và thường đòi hỏi ICS liều cao hơn hoặc không đáp ứng với corticosteroid.
  • Hen có giới hạn luồng khí cố định: một số bệnh nhân hen mạn tính phát triển thành giới hạn luồng khí cố định, có lẻ do thành đường thở bị tái cấu trúc.
  • Hen béo phì: một số bệnh nhân bèo phì bị hen có các triệu chứng hô hấp nổi bật và viêm nhẹ đường thở.

II. CHẨN ĐOÁN

1. Lâm sàng:

  • Tiền sử bản thân hoặc người thân cùng huyết thống bị các bệnh dị ứng hoặc hen phế quản.
  • Tiền sử có cơn hen phế quản điển hình, tự mất đi hoặc cắt cơn được bằng các thuốc giãn phế quản hoặc corticosteroid.
  • Các triệu chứng: ho, khò khè, khó thở, nặng ngực xuất hiện và tái phát nhiều lần, ngoài cơn bệnh nhân có thể hoàn toàn bình thường.
  • Các triệu chứng xảy ra thay đổi theo thời gian và về cường độ.
  • Các triệu chứng thường nặng hơn về đêm hoặc lúc thức giấc.
  • Các triệu chứng thường bị kích phát bởi vận động gắng sức, thay đổi cảm xúc mạnh, thay đổi nhiệt độ, nhiễm virus đường hô hấp hoăc tiếp xúc với các dị nguyên.

2. Đo chức năng hô hấp:

  • Đo chức năng thông khí bằng hô hấp kế: rối loạn thông khí tắc nghẽn phục hồi với thuốc giãn phế quản.Tỉ lệ FEV1/FVC giảm (bình thường > 0,75- 0,80 ở người lớn, > 0,90 ở trẻ em ), tăng FEV1 > 12% và > 200 mL từ trị số cơ bản, 10- 15 phút sau 200- 400mcg albuterol hoặc tương đương ( tin cậy hơn nếu tăng >15% và > 400 mL)
  • Sự biến đổi lưu thông khí đo bằng lưu lượng đỉnh kế (LLĐ): LLĐ tăng 15%, 30 phút sau khi hít thuốc cường beta 2 tác dụng ngắn. LLĐ biến thiên hơn 20% giữa lần đo buổi sáng và chiều cách nhau 12h ở người bệnh dùng thuốc giãn phế quản (hoặc hơn 10% khi không dùng thuốc giãn phế quản).

III. CHẨN ĐOÁN PHÂN BIỆT

  • Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính: tiền sử thường hút thuốc lá, thuốc lào, ho khạc đàm kéo dài, khó thở liên tục, thăm dò chức năng thông khí có rối loạn thông khí tắc nghẽn không hồi phục hoàn toàn với các thuốc giãn phế quản.
  • Hen tim: suy tim trái do tăng huyết áp, hẹp hai lá.
  • Bất thường hoặc tác đường hô hấp do nhuyễn sụn phế quản, khối u thanh – khí – phế quản, hẹp khí phế quản do chèn ép, xơ, dị dạng quai động mạch chủ, dị vật: khó thở, tiếng rít cố định, không đáp ứng với thuốc giãn phế quản.
  • Trào ngược dạ dày thực quản với ho, khó thở hay xuất hiện khi nằm, cúi người về phía trước.
  • Giãn phế quản: thường có ho khạc đàm nhiều năm với những đợt đàm nhầy mũ.

IV. CÁC YẾU TỐ GÂY KHỞI PHÁT HOẶC CÓ THỂ LÀM TRẦM TRỌNG HƠN CÁC TRIỆU CHỨNG CỦA HEN

  • Dị ứng nguyên: con mạt, con gián, nấm mốc, gia súc nuôi trong nhà (chó, mèo, …), phấn hoa.
  • Nhiễm siêu vi đường hô hấp trên.
  • Khói thuốc lá.
  • Thể dục và tăng thông khí, căng thẳng, lo âu, xúc cảm quá mức.
  • Thuốc: chẹn beta, aspirin, các thuốc kháng viêm không steroid khác.

V. ĐIỀU TRỊ

1. Mục tiêu điều trị

  • Giảm tối thiểu (tốt nhất là không có) các triệu chứng mạn tính, kể cả các triệu chứng về đêm.
  • Giảm tối thiểu số cơn hen kịch phát.
  • Không (hoặc hiếm khi) phải vào khoa cấp cứu.
  • Giảm tối thiểu nhu cầu dùng thuốc cắt cơn (thuốc kích thích beta 2 giao cảm).
  • Không bị giới hạn hoạt động thể lực kể cả gắng sức.
  • Thay đổi LLĐ < 20%, LLĐ hoặc chức năng thông khí gần như bình thường. Rất ít (hoặc không) có tác dụng phụ của thuốc.
  • Thiết lập kiểm soát hen càng sớm càng tốt.

2. Điều trị thuốc

  • Các thuốc corticosteroid dạng hít (ICS):Budesonid (Pulmicort), Fluticason/Salmeterol (Seretide), Budesonid/Formoterol (Symbicort)
  • Các thuốc giãn phế quản dạng phun hít SABA, ICS+LABA: Salbutamol (Ventolin), Symbicort, Seretide
  • Thuốc kháng Leukotrien, theophylin,…
  • Xem xét việc dùng kháng sinh nếu có bội nhiễm

3. Điều trị không dùng thuốc:

  • Hướng dẫn bệnh nhân ngưng hút thuốc lá và phơi nhiễm khói thuốc lá trong môi trường
  • Tham gia các hoạt động thể chất đều đặn vì có ích lợi cho sức khỏe tổng quát. Tư vấn về phòng ngừa và xử trí co thắt phế quản do vận động
  • Tránh phơi nhiễm nghề nghiệp
  • Tránh các thuốc có thể làm hen trở nặng (NSAIDs,Aspirin, chẹn beta)
  • Tránh các dị nguyên trong nhà: con mạt, con gián, nấm mốc, gia súc nuôi trong nhà (chó, mèo,…), phấn hoa,…
  • Giảm cân đối với bệnh nhân béo phì, thực đơn lành mạnh (thực đơn giàu rau quả)
  • Khuyên bệnh nhân hen trung bình- nặng tiêm ngừa cúm mỗi năm
  • Hướng dẫn và kiểm tra việc dùng thuốc theo đường phun hít



BSCKI. Đỗ Thị Trúc Thanh – Khoa Khám Bệnh

  In bài viết



tin nổi bật


Đơn vị trực thuộc

Tìm kiếm tin tức

Sebagian besar pencarian tumpukan pola dari tampilan terkini ini kemungkinan besar adalah peraturan yang terkait dengan replika rolex swiss richard mille .

This website strongly recommends: www.iapac.to http://www.wannawatches.com