TIN TỨC Y TẾ

Ngành Y tế TP Cần Thơ học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh: Nâng cao y đức, tận tâm, trách nhiệm với nghề, cống hiến vì sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe Nhân dân
[ Cập nhật vào ngày (02/03/2018) ]
Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Bệnh xá Vân Đình, tỉnh Hà Tây (nay là Hà Nội) ngày 20/4/1963. Ảnh tư liệu
Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Bệnh xá Vân Đình, tỉnh Hà Tây (nay là Hà Nội) ngày 20/4/1963. Ảnh tư liệu

Chủ tịch Hồ Chí Minh - Vị lãnh tụ thiên tài, người thầy vĩ đại của cách mạng Việt Nam, anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa Thế giới. Tuy Người đã đi xa, nhưng để lại cho chúng ta rất nhiều di sản tinh thần to lớn, những tư tưởng vô giá, những giá trị nhân văn cao cả, trong đó đặc biệt là tư tưởng, đạo đức cách mạng. Cả cuộc đời và sự nghiệp của Người là tấm gương sáng ngời cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta nguyện phấn đấu suốt đời học tập và noi theo.


Quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về xây dựng nền y tế của nước ta là một nền y tế Nhân dân. Bác Hồ nói “xây dựng một nền y học của ta”, đây là một quan điểm rất sâu sắc. Bác Hồ còn nói với cán bộ y tế phải “giúp đồng bào, giúp Chính phủ xây dựng một nền y tế thích hợp với nhu cầu của Nhân dân ta”. Cả cuộc đời của Bác Hồ đều vì dân, lấy dân làm gốc. Tư tưởng đó của Người cũng được thể hiện ở việc xây dựng một nền y học xuất phát từ Nhân dân, của dân, vì dân. Tư tưởng này còn thể hiện ở một nền y học mang bản sắc Việt Nam, xuất phát từ những điều kiện Việt Nam. Theo Bác Hồ, nhân tố Nhân dân và nhân tố Việt Nam là cơ sở cho việc xây dựng một nền y học Việt Nam. Chính vì vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu ra nguyên tắc phải xây dựng một nền y học dân tộc, đại chúng. Tính dân tộc và tính đại chúng chính là một nền y học mang nhân tố dân tộc và nhân tố Nhân dân. Nhưng Bác Hồ cũng không dừng lại ở đó, Bác còn nêu ra nguyên tắc nền y học của ta phải là một nền y học mang tính khoa học. Theo Bác Hồ, bản thân y học là khoa học, hơn nữa là một khoa học về con người. Như vậy khi Bác Hồ nêu ra nguyên tắc khoa học, dân tộc, đại chúng tức là nền y học đó phải mang truyền thống của dân tộc kết hợp với tinh hoa của thời đại. Ở đây nhân tố dân tộc và nhân tố thời đại hòa quyện với nhau, bổ sung cho nhau thành một chỉnh thể thống nhất. 

BS.CKII Bùi Thị Lệ Phi – Thành ủy viên, Giám đốc Sở Y tế thành phố Cần Thơ phát động phong trào thi đua “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” trong toàn thể CCVC ngành Y tế với chủ đề: “Y tế Cần Thơ: Đổi mới, hướng tới sự hài lòng của người bệnh” nhân Lễ Kỷ niệm 62 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/02/1955-27/02/2017). Ảnh: Trần Chu

Nền y tế của chúng ta phải hướng về cơ sở, phải đặc biệt quan tâm đến việc chăm sóc sức khỏe ban đầu cho toàn dân. Ở các vùng miền xuôi, chăm lo xây dựng các trạm y tế, nhanh chóng xóa bỏ tình trạng xã trắng về y tế, phấn đấu tuyến xã có bác sĩ. Ở các tỉnh miền núi, chăm lo đến y tế thôn bản, chăm lo đến sức khỏe gia đình. Mặt khác, nền y tế của chúng ta phải vươn tới xây dựng một nền y tế hiện đại, đào tạo được ngày càng nhiều các chuyên gia hàng đầu, nhanh chóng tiếp cận với trang thiết bị hiện đại, tập trung xây dựng những trung tâm y tế chuyên sâu. Như vậy là tính dân tộc, tính đại chúng và tính khoa học gắn bó chặt chẽ với nhau và là những phương hướng cơ bản, lâu dài của nền y tế nước ta.

 Tư tưởng Hồ Chí Minh về y đức được thể hiện thông qua những bài nói, bài viết và thư gửi Hội nghị Cán bộ Y tế ngày 27/02/1955, nổi bật ở một số nội dung cơ bản:

Ngành Y tế cũng như các thầy thuốc Việt Nam phải chú trọng kết hợp thuốc “Đông”, thuốc “Tây” và hết lòng yêu thương, chăm sóc người bệnh. Nhiệm vụ của ngành Y tế và phẩm chất của người thầy thuốc được Chủ tịch Hồ Chí Minh viết trong thư gửi Hội nghị Cán bộ y tế toàn quốc, tháng 6/1953. Người viết: Phòng bệnh cũng cần thiết như trị bệnh, để làm tròn nhiệm vụ ấy, cán bộ y tế cần phải thương yêu người bệnh như anh em ruột thịt, tận tâm, tận lực phục vụ Nhân dân. Người nhấn mạnh: 
“Lương y phải kiêm từ mẫu”[1]. Tại Hội nghị Cán bộ y tế ngày 27/02/1955, Bác đã “góp vài ý kiến” để “thảo luận”. Bức thư này thể hiện một cách toàn diện và hệ thống tư tưởng Hồ Chí Minh về y tế. Vấn đề y đức, một lần nữa, tiếp tục được Người nhấn mạnh, cán bộ y tế phải thương yêu người bệnh, bởi: “Người bệnh phó thác tính mệnh của họ nơi các cô các chú. Chính phủ phó thác cho các cô, các chú việc chữa bệnh tật và giữ sức khỏe cho đồng bào. Đó là một nhiệm vụ rất vẻ vang”. “Vì vậy, cán bộ cần phải thương yêu, săn sóc người bệnh như anh em ruột thịt của mình, coi họ đau đớn cũng như mình đau đớn”[2]. Điểm cốt lõi trong tư tưởng y đức của Hồ Chí Minh là người thầy thuốc phải như mẹ hiền. Nghĩa là các thầy thuốc phải có lương tâm và nghĩa vụ cao cả như của người mẹ hiền đối với bệnh nhân. Có lương tâm với người bệnh là cơ sở để hình thành những đức tính cần thiết của người thầy thuốc. Theo Hồ Chí Minh, người thầy thuốc vừa phải có đức, vừa phải có tài; trong nghề y, lòng nhân ái, yêu thương bệnh nhân là cơ sở, là động lực thôi thúc người thầy thuốc tích cực học tập, rèn luyện, nâng cao trình độ chuyên môn.

Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trương xây dựng một nền y tế có nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân. Người căn dặn đội ngũ cán bộ y tế phải giúp đồng bào, giúp Chính phủ xây dựng một nền y tế thích hợp với nhu cầu của dân tộc ta. Người cán bộ y tế cần quán triệt nguyên tắc: “khoa học, dân tộc và đại chúng”, tức là phải xây dựng nền y tế Việt Nam vừa mang tính truyền thống dân tộc, vừa tiếp thu được tinh hoa y học của thời đại. Người thầy thuốc phải coi trọng việc phòng bệnh cũng cần thiết như chữa bệnh. Để chống lại bệnh tật, cán bộ y tế phải đặc biệt quan tâm từ những vấn đề nhỏ về vệ sinh môi trường như: nước sạch, hố xí, “tiêu diệt ruồi muỗi với những công tác vệ sinh khác” (“Vệ sinh yêu nước” đăng trên Báo Nhân dân số 1572, ra ngày 02/7/1958)[3]. Người thường xuyên căn dặn cán bộ, nhân viên y tế cùng với các cơ quan, đoàn thể, ban ngành phải tích cực quan tâm xây dựng đời sống mới cho Nhân dân, nâng cao thể lực cho Nhân dân và đội ngũ cán bộ y tế thường xuyên rèn luyện thân thể, nâng cao sức khỏe. Chính Người là một tấm gương sáng mẫu mực của ý chí rèn luyện nâng cao thể lực cho toàn dân học tập, làm theo.

Ngành Y tế nói chung, các thầy thuốc nói riêng phải “thật thà đoàn kết”. Quan hệ giữa những người thầy thuốc là một trong những mối quan hệ cơ bản của hoạt động có sứ mệnh chăm sóc sức khỏe cho toàn dân và trị bệnh cứu người. Mỗi người thầy thuốc phải học và biết cách phối hợp trí tuệ, tài năng và hành động một cách kịp thời, chính xác để cứu chữa người bệnh. Trong thư gửi Hội nghị Cán bộ Y tế, tháng 02/1955, Người nhấn mạnh: “Đoàn kết giữa cán bộ cũ và cán bộ mới. Đoàn kết giữa tất cả những người trong ngành y tế, từ các Bộ trưởng, Thứ trưởng, bác sĩ, dược sĩ cho đến các anh em giúp việc. Bởi vì công việc và địa vị tuy có khác nhau, nhưng người nào cũng là một bộ phận cần thiết trong ngành y tế, trong việc phục vụ Nhân dân”[4].

Y đức không chỉ là lòng yêu thương người bệnh, là sự thật thà, đoàn kết với đồng nghiệp, mà còn là sự say mê nghề nghiệp, luôn tích cực trau dồi kiến thức để nâng cao năng lực chuyên môn nhằm đáp ứng tốt hơn cho nhu cầu của sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe Nhân dân. Người thầy thuốc cách mạng muốn hồng phải chuyên sâu, muốn cho y đức được thực hiện đầy đủ và có ý nghĩa thì cần không ngừng trau dồi y thuật.

Quán triệt tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức của người thầy thuốc, để nâng cao y đức cho đội ngũ thầy thuốc nói chung, cho ngành Y tế thành phố Cần Thơ nói riêng, đòi hỏi các cấp ủy đảng và thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Sở Y tế thành phố Cần Thơ cần thực hiện tốt các việc cơ bản sau:

Một là, nâng cao chất lượng công tác giáo dục và tự giáo dục, đồng thời tổ chức tốt hoạt động học tập, quán triệt đầy đủ các chỉ thị, Nghị quyết của cấp trên nhằm đảm bảo sự thống nhất giữa nâng cao nhận thức và hành động. Vì, đạo đức nói chung và y đức nói riêng phải được xây dựng từng bước một cách tự giác thông qua quá trình hoạt động thực tiễn của mỗi con người.

Hai là, xây dựng môi trường y đức thật sự trong sạch, lành mạnh, đi đôi với việc đấu tranh chống biểu hiện tiêu cực về y đức ở các đơn vị. Đây là giải pháp quan trọng để hoàn thiện nhân cách và y đức cho người thầy thuốc.

Ba là, làm tốt công tác quy hoạch, quản lý, đào tạo, sử dụng cán bộ; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người thầy thuốc, tạo động lực giúp họ vươn lên tự tu dưỡng, rèn luyện nâng cao phẩm chất đạo đức.

Bốn là, Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thi 05-CT/TW của Bộ Chính trị ngày 15 tháng 5 năm 2016 về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.

Năm là, Đưa việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh vào chương trình, kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội của Đảng, nghị quyết của cấp ủy và nội dung sinh hoạt thường xuyên của chi bộ, gắn với các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước, với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị cơ quan, đơn vị; Lấy kết quả học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là một trong những tiêu chuẩn đánh giá, bình xét, phân loại đảng viên, tổ chức đảng hằng năm.

Việc đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là một nội dung quan trọng của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức, xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược đủ năng lực, phẩm chất, ngang tầm nhiệm vụ; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu.

Càng thấm nhuần và nhận thức sâu sắc những nội dung cơ bản và giá trị to lớn của tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; làm cho tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người thật sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của đời sống xã hội, xây dựng văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Giáo dục nâng cao y đức cho đội ngũ thầy thuốc có ý nghĩa to lớn góp phần thực hiện “Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế, hướng tới sự hài lòng của người bệnh”. Nghề y là một nghề cao quý, được xã hội tôn vinh, đối với cán bộ y tế, tư tưởng của Bác về y đức vừa là hệ thống lý luận gắn liền với thực tiễn dễ đi vào lòng người, dễ nhớ, dễ làm, vừa là những lời dạy bảo thân thương, chân tình mà mỗi người đều thấm nhuần. Ngày nay trong thời kỳ kinh tế thị trường, mỗi cán bộ y tế cần nghiên cứu vận dụng vào từng vị trí công tác của mình để hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ được giao. Đó chính là thể hiện tinh thần trách nhiệm đối với nghề nghiệp, thực hiện lời dạy bảo của Người, đồng thời cũng là mệnh lệnh thiêng liêng xuất phát từ trái tim, từ tấm lòng tôn kính đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại.

[1] Hồ Chí Minh Toàn tập - Tập 7 (1953-1955), NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2004, tr. 88-89.

[2] Hồ Chí Minh Toàn tập - Tập 7 (1953-1955), NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr. 476-477.

[3] Hồ Chí Minh Toàn tập - Tập 9 (1958-1959), NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, tr. 190-191.

[4] Hồ Chí Minh Toàn tập - Tập 7 (1953-1955), NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr. 476-477.




BS.CKII Cao Minh Chu - Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc Sở Y tế

  In bài viết



tin nổi bật


Đơn vị trực thuộc

Tìm kiếm tin tức

Sebagian besar pencarian tumpukan pola dari tampilan terkini ini kemungkinan besar adalah peraturan yang terkait dengan replika rolex swiss richard mille .

This website strongly recommends: www.iapac.to http://www.wannawatches.com