TIN TỨC BỆNH VIỆN

Phẫu thuật nâng lõm ngực
[ Cập nhật vào ngày (01/08/2017) ]

Từ giữa tháng 6 đến nay, các bác sĩ Khoa Ngoại lồng ngực - mạch máu, Bệnh viện (BV) Đa khoa TP Cần Thơ đã phẫu thuật nâng lõm ngực cho 15 bệnh nhân, chủ yếu là các em trai đang học trung học cơ sở.


Vừa hoàn thành ca phẫu thuật lõm ngực, bác sĩ CKII Phạm Văn Phương, Trưởng Khoa Ngoại lồng ngực – mạch máu, BV Đa khoa TP Cần Thơ dẫn chúng tôi sang phòng hậu phẫu của Khoa Phẫu thuật – Gây mê hồi sức thăm hai bệnh nhân trẻ tuổi khác đã được phẫu thuật lõm ngực 1 ngày trước. Các em đều đã tỉnh, các cơn đau giảm dần, nhờ bác sĩ theo dõi, giảm đau liên tục. Chị L. T. H. Nh., mẹ của em Gi. H. (học sinh lớp 8, ở huyện Phong Điền), kể: "Hồi nhỏ sinh con ra thấy lồng ngực của cháu cũng bình thường, nhưng mấy năm nay, sức khỏe cứ rề rề, chậm lớn. Ở chỗ đông người, cháu thường hay mệt, khó thở. Năm 2015, vợ chồng tôi đưa cháu vào BV Đa khoa thành phố khám, mới phát hiện ra cháu bị lõm ngực, các bác sĩ chỉ định phẫu thuật. Nhưng vì điều kiện kinh tế gia đình khó khăn, lần lựa qua ngày. Càng ngày, thằng nhỏ đi khòm lưng nhiều hơn; nhất là thể lực của cháu yếu, chơi đùa chung với bạn bè chút xíu là cháu than mệt. Cháu đến chỗ đông người thường mặt mày tái mét, nhiều lần xỉu luôn".

Bác sĩ CKII Phạm Văn Phương thăm khám cho bệnh nhân sau phẫu thuật.

Em Nguyễn Th. Đ. (15 tuổi) được phẫu thuật nâng lõm ngực 2 ngày trước đã khỏe hơn. Chị Đ. Th. Th. Th. (39 tuổi, ở huyện Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long) chia sẻ về tình trạng của Đ. trước khi phẫu thuật: "Cách nay 3 năm, tôi phát hiện ngực của cháu lõm bất thường, cháu lại hay than mệt, nhất là sau khi chơi đùa với các bạn hoặc vận động nặng. Tôi đưa con đi khám thì phát hiện cháu bị bệnh lõm ngực bẩm sinh. Khi tìm hiểu thông tin về BV để chữa trị cho con, tôi rất mừng vì BV Đa khoa TP Cần Thơ có làm kỹ thuật này, thuận tiện cho chúng tôi đi lại, thăm nuôi con. Chứ nếu lên Sài Gòn sẽ phải tốn kém nhiều chi phí, trong khi điều kiện gia đình không phải khá giả gì". Bác sĩ Phạm Văn Phương cho biết, tình trạng lõm ngực của Đ. là một trường hợp khó, vì ngực của em lõm ở bên trái, vị trí tim nằm trong lồng ngực. Đối với những trường hợp này, đòi hỏi phẫu thuật viên phải có kinh nghiệm để thực hiện uốn thanh nâng ngực cho phù hợp với tình trạng lõm của bệnh nhân.

Theo bác sĩ Phạm Văn Phương, lõm ngực là bệnh lý gây biến dạng lồng ngực, lồng ngực bị lõm vào trong ở phía trước. Cơ chế gây bệnh là do tăng sản quá mức các sụn sườn trong quá trình phát triển của trẻ, đẩy xương ức lõm vào trong lồng ngực. Đối tượng bị lõm ngực có thể do bẩm sinh hoặc khởi phát vào tuổi dậy thì, nhưng đa số là bẩm sinh. Dị tật lõm ngực không tự khỏi, mức độ lõm ngực có thể diễn tiến tùy thể trạng và tăng nhanh ở giai đoạn dậy thì. Tùy mức độ tăng sản của sụn sườn, đẩy xương ức xuống phía dưới nhiều chừng nào thì mức độ lõm càng nặng chừng ấy, đẩy tim lệch sang một bên và chiếm lồng ngực, dẫn đến nguy cơ bị suy tim, suy hô hấp. BV Đa khoa TP Cần Thơ thực hiện phẫu thuật nâng lõm ngực từ năm 2014, đến nay đã thực hiện cho gần 50 trường hợp. Đây là phương pháp phẫu thuật mới ít xâm lấn, rạch hai đường nhỏ, luồn xuyên 1 hoặc 2 thanh kim loại qua ngực, tùy theo mức độ lõm của ngực để nâng phần ngực lõm. Thời gian phẫu thuật nhanh, bệnh nhân mau hồi phục, sớm hòa nhập cuộc sống. Bệnh nhân nằm viện trong 1 tuần và có thể sinh hoạt, vận động bình thường sau 2 tuần.

Theo bác sĩ CKII Phạm Văn Phương, lõm ngực nếu không điều trị, tùy theo mức độ sẽ gây các vấn đề đau do biến dạng xương, căng cơ hoặc chèn ép tim, phổi, ảnh hưởng hoạt động thể lực của bệnh nhân. Ngoài ra, tâm lý mặc cảm với hình thức dị dạng có thể ảnh hưởng tâm sinh lý, khiến trẻ thiếu tự tin. Do đó, chỉ định phẫu thuật dựa vào triệu chứng mệt khi vận động gắng sức, dấu hiệu đẩy lệch tim và yêu cầu về thẩm mỹ của bệnh nhân. Độ tuổi thích hợp nhất để phẫu thuật là từ 8 – 12 tuổi; tuy nhiên, bệnh nhân 25 – 30 tuổi vẫn có thể phẫu thuật hiệu quả.

Người bệnh có thể gặp phải một số biến chứng khi trải qua phẫu thuật nâng lõm ngực là tràn khí màng phổi, tụ dịch vết mổ, di lệch thanh kim loại, thủng tim, đặc biệt là nhiễm trùng vết mổ. Sau phẫu thuật, bệnh nhân cần được theo dõi, thăm khám định kỳ. Sau phẫu thuật 2 năm, khi lồng ngực đã được cố định, người bệnh sẽ quay lại BV để được phẫu thuật viên lấy thanh kim loại ra khỏi cơ thể. Qua ghi nhận thực tế, hầu hết các bệnh nhân nâng lõm ngực tại BV đều đạt hiệu quả điều trị tốt; những bệnh nhân đầu tiên nâng lõm ngực từ năm 2014 đã trở lại rút thanh.

Bên cạnh dấu hiệu nhận biết bên ngoài lồng ngực bị lõm bất thường, có thể dễ dàng nhận biết bệnh bằng cách hỏi bệnh nhân: "Khi chơi thể thao hay đùa giỡn với bạn cùng trang lứa, con có hay mệt trước các bạn". Nếu câu trả là có thì các bậc phụ huynh nên đưa con đến Phòng Khám số 19 – Khoa Khám bệnh - BV Đa khoa TP Cần Thơ để được các bác sĩ chuyên khoa thăm khám, tư vấn và điều trị kịp thời.

SĐT liên hệ: Bác sĩ CKII Phạm Văn Phương, Trưởng Khoa Ngoại Lồng ngực - Mạch máu BV Đa khoa TP Cần Thơ: 0908 869 198.




Bài, ảnh: Thu Sương Theo Báo Cần Thơ

  In bài viết



tin nổi bật


Đơn vị trực thuộc

Tìm kiếm tin tức