TIN TỨC BỆNH VIỆN

CHẢY MÁU MŨI
[ Cập nhật vào ngày (09/04/2021) ]

Chảy máu mũi rất thường gặp, tình trạng này có vẻ đáng sợ, nhưng hiếm khi là trở thành một vấn đề nghiêm trọng. Mũi có rất nhiều mạch máu, chúng nằm sát bề mặt niêm mạc mũi ở cả phần trước và sau của mũi, do đó rất dễ vỡ và chảy máu. Chảy máu mũi thường gặp ở người trung niên trở lên hoặc trẻ em từ 3 đến 10 tuổi.


Có hai dạng chảy máu mũi. Chảy máu mũi trước khi những mạch máu ở phần trước của mũi vỡ và chảy máu, ở dạng này máu thường chảy ra lỗ mũi trước. Chảy máu mũi sau xuất hiện ở phần sau hoặc phần sâu nhất của mũi, trong trường hợp này máu thường chảy xuống phần sau của họng. Chảy máu mũi sau thường nguy hiểm hơn so với chảy máu mũi trước.

NGUYÊN NHÂN CHẢY MÁU MŨI

Có rất nhiều yếu tố có thể gây chảy máu mũi. Nguyên nhân hàng đầu là do không khí khô, có thể do sự nóng nực của mùa hè hoặc do môi trường nóng, độ ẩm thấp. Những nguyên nhân khác bao gồm:

  • Động tác ngoáy mũi
  • Dị vật vào bên trong mũi
  • Thường xuyên hỉ mũi quá mạnh
  • Chấn thương mũi
  • Viêm nhiễm đường hô hấp trên
  • Tác dụng phụ của thuốc, như thuốc làm loãng máu (như aspirin, clopidogrel)
  • Phản ứng dị ứng mũi
  • Bệnh lý tăng huyết áp, rối loạn đông cầm máu
  • Sống ở những vùng cao, nơi không khí loãng

LÀM GÌ KHI BỊ CHẢY MÁU MŨI

  1. Giữ bình tĩnh
  2. Cúi đầu nhẹ về phía trước. Nếu có máu chảy từ mũi xuống họng, không được nuốt, hãy nhả ra ngoài.
  3. Xịt 3 nhát các loại thuốc xịt thông mũi (nếu có, như Otrivin hoặc Otilin) vào bên mũi bị chảy máu
  4. Bóp chặt hai cánh mũi lại trong 10 phút. Sử dụng đồng hồ để canh thời gian. Cố gắng chịu đựng, không thử bỏ tay ra để xem máu có còn chảy hay không.

Ảnh minh họa (nguồn internet). 

  1. Sau 10 phút, kiểm tra lại mũi. Nếu máu vẫn còn chảy, dùng một viên gòn có xịt thuốc thông mũi nhét chặt vào lỗ mũi bị chảy máu và chờ 10 phút. Vẫn sử dụng đồng hồ để canh đúng thời gian.
  2. Khi máu đã ngừng chảy, không hỉ mũi ít nhất 2 ngày sau đó.
  3. Kiểm tra huyết áp nếu có thể. Huyết áp tăng có thể gây ra chảy máu mũi.

NHỮNG VIỆC KHÔNG NÊN LÀM KHI CHẢY MÁU MŨI

  1. Không dùng khăn giấy hoặc những vật sẵn có ở nhà như tăm bông để lau hoặc cầm máu. Chúng có thể làm cho chảy máu nhiều hơn.
  2. Không ngửa đầu ra sau hoặc nằm xuống, vì có thể làm cho bạn bị ngạt tắc do máu. Ngoài ra, máu vào dạ dày có thể làm cho bạn đau bụng và nôn ói.
  3. Không nâng vật nặng, như hàng hóa hoặc tham gia các hoạt động thể chất hoặc các công việc nhà tốn nhiều sức. Có thể phải tránh những việc này đến 2 tuần để mạch máu trong mũi hồi phục hoàn toàn

KHI NÀO THÌ CẦN ĐI ĐẾN CƠ SỞ Y TẾ

  • Chảy máu mũi do chấn thương.
  • Chảy máu mũi tái phát thường xuyên.
  • Chảy máu mũi hơn 20 phút, dù đã làm các biện pháp cầm máu tại nhà nhưng không hiệu quả.

PHÒNG NGỪA CHẢY MÁU MŨI

Không phải lúc nào chúng ta cũng có thể ngăn ngừa mũi chảy máu, nhưng có nhiều thứ bạn có thể làm để làm giảm thấp nguy cơ xảy ra:

  • Giữ ẩm tốt cho hốc mũi. Bằng cách dùng các dung dịch nước muối nhỏ mũi hoặc xịt vào bên trong hốc mũi.
  • Dùng máy tạo độ ẩm không khí. Niêm mạc mũi có thể bị khô nếu không khí trong nhà không có độ ẩm tốt.
  • Không hút thuốc. Khói thuốc lá có thể kích thích làm rát và khô mũi.
  • Không ngoáy mũi, không hỉ mũi hoặc tác động lên mũi quá mạnh. Nếu trẻ nhỏ bị chảy máu mũi, giữ móng tay trẻ ngắn và không cho trẻ ngoáy mũi.
  • Không dùng thuốc cảm cúm hoặc thuốc chống dị ứng mũi quá thường xuyên. Chúng có thể làm khô mũi. Trong một vài trường hợp, một số loại thuốc có thể làm chảy máu nặng thêm. Bạn nên thảo luận với bác sĩ về các loại thuốc đang dùng, chỉ ngưng thuốc khi có chỉ định của bác sĩ.



(Khoa Tai Mũi Họng)

  In bài viết



tin nổi bật


Đơn vị trực thuộc

Tìm kiếm tin tức