TIN TỨC BỆNH VIỆN

THƯƠNG NGƯỜI BỆNH NHƯ THỂ THƯƠNG THÂN
[ Cập nhật vào ngày (23/02/2023) ]

Không may mắc bệnh phải điều trị suốt đời, nên người bệnh xem bệnh viện (BV) như căn nhà thứ hai của mình. Nơi đó, họ cần những lời an ủi, yêu thương để có thêm động lực vượt qua bệnh tật. Câu chuyện về tấm lòng yêu quý bệnh nhân như người nhà của những điều dưỡng ở BV Ða khoa TP Cần Thơ như tô đậm thêm hình ảnh đẹp của những người thầy thuốc, hết lòng vì người bệnh.


  • “Chị nuôi” Mộng Tuyền

Gần 400 bệnh nhân lọc máu tại khoa Nội thận - Tiết niệu - lọc máu BV Ða khoa TP Cần Thơ gọi điều dưỡng Nguyễn Thị Mộng Tuyền bằng những biệt danh thân thương như chị nuôi, chị Hai, tỷ tỷ. Gần 30 năm gắn bó với nghề y, có 17 năm làm việc ở khoa Nội thận, chị Tuyền đã dành rất nhiều yêu thương cho những số phận suốt đời gắn liền với máy lọc thận. Người bệnh thận, ngày cách ngày phải vào viện lọc máu. Trong 10 bệnh nhân, chỉ khoảng 3 người có thân nhân chăm nom, còn lại trông cậy hết vào cán bộ y tế. Suốt ca lọc 4 giờ liền, điều dưỡng liên tục theo dõi các chỉ số sức khỏe của bệnh nhân, nhận diện từng dấu hiệu bất ổn để can thiệp cấp cứu người bệnh kịp thời.

“Chị nuôi” Mộng Tuyền kiểm tra huyết áp bệnh nhân.

Sau 5 năm lọc máu, bệnh nhân thận dần suy kiệt. Vì thế, khi tiếp nhận bệnh nhân mới, chị Tuyền tư vấn kỹ lưỡng, để bệnh nhân hiểu, tuân thủ phác đồ, đặc biệt giữ vững tinh thần sống chung với bệnh tật. Chị Tuyền nhớ tên và hoàn cảnh của hầu hết bệnh nhân, nhất là những số phận éo le; thường xuyên động viên, giúp đỡ người bệnh vơi bớt muộn phiền. Còn chị Sáu Nhỏ, 37 tuổi, nhà ở tỉnh Vĩnh Long, là bệnh nhân đã lọc thận bật khóc nức nở khi nhận 500.000 đồng chị Tuyền xin từ nhà hảo tâm cho. Gần đây, chị Nhỏ bị biến chứng thận suy, huyết áp tăng, sốt cao không giảm, phải nhập viện điều trị khi trong túi chỉ có 25.000 đồng. Chị Nhỏ kể: “Chị Tuyền như một người chị ruột, thấu hiểu và sẵn lòng giúp đỡ những người bệnh đang điều trị tại đây”.

Chị Tuyền bộc bạch: “Người bệnh ở khoa này, đa phần nghèo, do nghèo sẵn hoặc bị “nghèo hóa” vì quá trình điều trị lâu dài. Nhiều người ngoài giờ lọc máu phải bươn chải, bán mớ rau, bánh trái, vé số... Những buổi đến giờ lọc thận nhưng hàng còn ế, các bác sĩ, điều dưỡng chia nhau mua tiếp bệnh nhân. Trường hợp phải nhập viện, không có tiền đóng viện phí, bác sĩ, điều dưỡng lại móc tiền túi, đồng thời kêu gọi thêm các nhà hảo tâm hỗ trợ”. Ðáp lại tấm lòng của các thầy thuốc, người bệnh nghèo trao lại những tình cảm yêu quý dành cho cán bộ y tế. Dịp Tết rồi, chị Sáu Nhỏ tự tay đan len kết thành chậu hoa tặng cho khoa. Chị Tuyền cho biết, nghề dù vất vả nhưng đổi lại tình cảm chân thành của bệnh nhân chính là món quà quý giá khiến cán bộ y tế cảm thấy ấm lòng.

  • Điều dưỡng Bảo: giúp bệnh nhân HIV hướng về tương lai

Hôm nào điều dưỡng Ngô Vũ Bảo, phụ trách phòng phát thuốc ARV của khoa Truyền nhiễm bận việc riêng, phải nghỉ phép thì y như rằng, nhiều bệnh nhân hỏi thăm đồng nghiệp của Bảo, nhắn tin riêng cho Bảo, hỏi sao hôm nay không thấy anh ở phòng khám, nghỉ phép thôi hay có gì không ổn không... Anh Bảo kể, những lời hỏi thăm, tin nhắn với câu chữ thật thà của bệnh nhân khiến anh cảm động lắm. Ðó là minh chứng cho tình cảm khắng khít, gắn bó giữa anh và người bệnh đã được tạo dựng, giữ gìn từ bấy lâu nay.

Ðiều dưỡng Bảo gắn bó với bệnh nhân HIV khoảng 4 năm qua. Hiện phòng khám nơi anh làm việc đang quản lý điều trị 1.200 bệnh HIV. Ban đầu khi được luân chuyển công tác về khoa, anh Bảo gặp nhiều áp lực với môi trường công việc đặc thù. Ngoài thăm khám, cấp thuốc, theo dõi diễn tiến sức khỏe người bệnh, báo cáo hồ sơ, sổ sách cho chương trình phòng, chống HIV/AIDS, khó khăn nhất, trăn trở nhất chính là tư vấn, vực dậy tinh thần cho người bệnh khi biết mắc HIV.

Điều dưỡng Vũ Bảo phân loại thuốc cấp cho người bệnh. 

Anh Bảo kể, đau lòng nhất là tư vấn cho các bạn sinh viên trẻ, mới từ các tỉnh đến Cần Thơ học tập chưa được bao lâu đã nhiễm bệnh. Như trường hợp một sinh viên ở tỉnh An Giang, không may nhiễm HIV trong một lần duy nhất theo lời rủ rê của bạn vui chơi qua đường. Ðiều dưỡng Bảo thông cảm cho tuổi trẻ dại khờ lạc lối, nên thường xuyên động viên, an ủi em làm lại cuộc. Nhờ đó, bạn sinh viên vượt qua cú sốc, nay sắp tốt nghiệp đại học với ước muốn ra trường tìm việc làm để lo cho bản thân và báo hiếu cho mẹ già.

Ðiều dưỡng Vũ Bảo tâm sự, 8 năm trước, khi mới vào nghề, anh mong công việc ổn định, thu nhập cao thì nay ý nghĩa mục tiêu nghề nghiệp thay đổi hơn, với niềm vui lớn nhất là sự hồi phục sức khỏe của bệnh nhân. Anh mong muốn BV quan tâm đầu tư, cải tạo cơ sở vật chất, phòng ốc tiện nghi hơn cho bệnh nhân HIV điều trị tại BV. Mỗi ngày, khu vực phát thuốc ARV tiếp nhận thăm khám, cấp thuốc cho khoảng 60 trường hợp. Nguy cơ lây nhiễm bệnh nghề nghiệp rất cao, nhất là bệnh lao.

Ðiều dưỡng Bảo tâm sự: “Bản thân cũng chủ động phòng tránh bệnh nhưng nghề đã chọn, phải chịu; quan trọng là chăm sóc, điều trị hiệu quả cho người bệnh là niềm vui của cán bộ y tế”. Theo Ðiều dưỡng Bảo, việc theo dõi, tư vấn cho bệnh nhân HIV khi phát hiện bệnh rất quan trọng. Nếu tư vấn đúng, giúp bệnh nhân tin tưởng, hợp tác điều trị hiệu quả; nhưng nếu tư vấn không đúng cách, có thể khiến bệnh nhân tuyệt vọng. Ngoài ra, việc quản lý, điều trị bệnh nhân HIV không chỉ là phác đồ thuốc mà còn kết hợp can thiệp tâm lý. Tùy tổng trạng sức khỏe, các bệnh đồng mắc, cán bộ y tế lựa chọn giải pháp tối ưu nhất để đạt hiệu quả tốt nhất cho người bệnh.




THU SƯƠNG - BÁO CẦN THƠ

  In bài viết



tin nổi bật


Đơn vị trực thuộc

Tìm kiếm tin tức