TIN TỨC BỆNH VIỆN

ĐÔI NÉT VỀ BỆNH VIÊM PHỔI
[ Cập nhật vào ngày (20/11/2019) ]

Bài viết được thực hiện bởi ThS.BS. Tống Vấn Thùy, Phó trưởng khoa Nội Tổng hợp Bệnh viện Đa khoa thành phố Cần Thơ.


1/ Bệnh viêm phổi là gì?

Viêm phổi là tình trạng viêm các phế nang và mô kẽ ở một hoặc cả hai phổi. Các phế nang có thể chứa dịch hoặc mủ, gây ho khạc đờm hoặc mủ, sốt, ớn lạnh và khó thở. Các vi sinh vật có thể gây viêm phổi rất đa dạng, bao gồm vi khuẩn, virus và nấm.

Viêm phổi có thể biểu hiện từ nhẹ đến nặng đe dọa tính mạng. Đặc biệt, viêm phổi thường nặng ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, những người lớn tuổi (hơn 65 tuổi) và những người có các bênh lý mạn tính hoặc hệ miễn dịch suy yếu.

2/ Triệu chứng viêm phổi

Các dấu hiệu và triệu chứng của viêm phổi thay đổi từ nhẹ đến nặng, tùy thuộc vào các yếu tố như loại vi sinh vật gây bệnh, tuổi tác và sức khỏe tổng thể của bệnh nhân. Các dấu hiệu và triệu chứng nhẹ thường tương tự như cảm cúm, nhưng kéo dài hơn.

Các dấu hiệu và triệu chứng viêm phổi có thể bao gồm

  • Đau ngực khi thở hoặc ho
  • Lẫn lộn hoặc thay đổi ý thức (ở người lớn > 65 tuổi)
  • Ho, có thể khạc đàm
  • Mệt mỏi
  • Sốt, đổ mồ hôi và ớn lạnh
  • Giảm thân nhiệt (ở người > 65 tuổi và những người suy giảm miễn dịch)
  • Buồn nôn, nôn mửa hoặc tiêu chảy
  • Khó thở

Khi nào cần đi khám bác sĩ

Đi khám bác sĩ nếu bạn khó thở, đau ngực, sốt dai dẳng hoặc sốt cao > 390C hoặc ho dai dẳng, đặc biệt ho khạc đàm mủ.

Điều đặc biệt quan trọng là những người nằm trong nhóm nguy cơ cao sau cần phải khám bác sĩ:

  • Người lớn trên 65 tuổi
  • Trẻ em dưới 2 tuổi có dấu hiệu và triệu chứng
  • Những người có bệnh lý mạn tính hoặc suy giảm miễn dịch
  • Người đang điều trị hóa trị hoặc dùng thuốc ức chế hệ miễn dịch

Đối với một số người lớn tuổi và những người bị suy tim bệnh phổi mãn tính, viêm phổi có thể tiến triển nhanh chóng thành tình trạng đe dọa tính mạng.

3/ Nguyên nhân gây viêm phổi

Nhiều loại vi sinh vật có thể gây viêm phổi. Phổ biến nhất là vi khuẩn và virus, vi nấm trong không khí. Cơ thể bình thường có cơ chế ngăn ngừa những vi sinh vật này gây bệnh ở phổi. Nhưng đôi khi những vi sinh vật này có thể mạnh hơn hệ miễn dịch của cơ thể và gây bệnh, ngay cả khi sức khỏe của bạn đang tốt. 

Viêm phổi được phân loại theo các loại vi sinh vật gây bệnh và nơi bạn mắc bệnh.

Viêm phổi cộng đồng

Viêm phổi cộng đồng là loại viêm phổi phổ biến nhất. Nó xảy ra bên ngoài bệnh viện hoặc các cơ sở chăm sóc sức khỏe khác. Viêm phổi cộng đồng có thể do:

-      Vi khuẩn.

-      Mycoplasma pneumoniae

-      Nấm

-      Virus…

Viêm phổi bệnh viện

Một số người mắc bệnh viêm phổi trong thời gian nằm viện vì một căn bệnh khác. Bệnh viêm phổi bệnh viện thường nghiêm trọng vì vi khuẩn gây bệnh có thể kháng nhiều thuốc kháng sinh và vì những người mắc bệnh này còn bị thêm bệnh khác.

Những người phải thở máy, thường được sử dụng trong các đơn vị hồi sức tích cực, có nguy cơ mắc viêm phổi bệnh viện cao hơn.

4/ Các đối tượng nguy cơ bị  viêm phổi

Mọi người đều có thể bị viêm phổi. Nhưng hai nhóm tuổi có nguy cơ cao nhất là:

-      Trẻ em ≤ 2 tuổi

-      Những người ≥ 65 tuổi

Các đối tượng khác bao gồm:

  • Đang nhập viện: Bạn có nguy cơ cao bị viêm phổi nếu phải điều trị ở đơn vị hồi sức, đặc biệt là phải thở máy.
  • Bệnh mạn tính: Bạn có nhiều khả năng bị viêm phổi nếu bạn bị hen suyễn, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) hoặc bệnh tim.
  • Hút thuốc: Hút thuốc lá gây ảnh hưởng đến sức đề kháng tự nhiên của cơ thể chống lại vi khuẩn và vi-rút gây viêm phổi.
  • Suy giảm miễn dịch: Những người bị nhiễm HIV/AIDS, người đã cấy ghép nội tạng hoặc đang hóa trị, dùng steroid lâu dài có nguy cơ cao bị viêm phổi.

5/ Biến chứng của viêm phổi

Ngay cả khi điều trị, một số người bị viêm phổi, đặc biệt là những người thuộc nhóm nguy cơ cao, có thể bị các biến chứng, bao gồm:

- Nhiễm khuẩn huyết: Vi khuẩn xâm nhập vào máu từ phổi, có thể lây nhiễm sang các cơ quan khác, có khả năng gây suy cơ quan.

- Khó thở: Nếu viêm phổi nặng hoặc bạn đang bị các bệnh phổi mạn tính, bạn có thể bị suy hô hấp, cần phải nhập viện và sử dụng các biện pháp hỗ trợ hô hấp.

- Tràn dịch màng phổi, tràn mủ màng phổi.

- Áp xe phổi: Áp xe thường được điều trị bằng thuốc kháng sinh. Đôi khi, phẫu thuật hoặc dẫn lưu ổ áp xe là cần thiết để loại bỏ mủ.

6/ Chẩn đoán viêm phổi

Bác sĩ sẽ hỏi tiền sử bệnh và khám lâm sàng, bao gồm nghe phổi bằng ống nghe để kiểm tra các âm thanh bất thường (ran nổ, ran ẩm) gợi ý viêm phổi.

Nếu nghi ngờ viêm phổi, bác sĩ có thể đề nghị các xét nghiệm sau đây:

+ Xét nghiệm máu: Xét nghiệm máu được sử dụng để xác nhận nhiễm trùng và gợi ý loại sinh vật gây nhiễm trùng (tuy nhiên, không phải lúc nào cũng chính xác).

+ X-quang ngực: Giúp bác sĩ chẩn đoán viêm phổi và xác định mức độ và vị trí của nhiễm trùng. Tuy nhiên, X-quang ngực không thể cho bác sĩ biết loại vi trùng nào gây ra viêm phổi.

+ Đo oxy mao mạch: Đo mức oxy trong máu của bạn. Viêm phổi có thể làm giảm oxy máu.

+ Xét nghiệm đàm: Một mẫu chất đàm được lấy sau khi ho sâu và được xét nghiệm để giúp xác định nguyên nhân gây nhiễm trùng.

+ Cấy dịch màng phổi.

+ CT scan ngực.

8/ Điều trị viêm phổi

Điều trị viêm phổi liên quan đến việc điều trị nhiễm trùng và ngăn ngừa biến chứng. Những người mắc viêm phổi cộng đồng thường có thể được điều trị tại nhà bằng thuốc uống. Mặc dù hầu hết các triệu chứng sẽ cải thiện trong một vài ngày hoặc vài tuần, triệu chứng mệt mỏi có thể kéo dài trong một tháng hoặc lâu hơn.

Phương pháp điều trị cụ thể phụ thuộc vào loại và độ nặng của viêm phổi, tuổi và sức khỏe tổng thể của bệnh nhân. Các biện pháp điều trị bao gồm:

+ Thuốc kháng sinh: Những loại thuốc này được sử dụng để điều trị viêm phổi do vi khuẩn. Để xác định loại vi khuẩn gây viêm phổi và chọn loại kháng sinh tốt nhất để điều trị có thể mất nhiều thời gian. Nếu các triệu chứng của bạn không cải thiện, bác sĩ có thể đổi sang một loại kháng sinh khác. Chỉ định sử dụng kháng sinh nên được thực hiện bởi bác sĩ, tránh việc sử dụng kháng sinh tùy tiện là không cần thiết, dễ gây nên tình trạng kháng thuốc trong cộng đồng.

+ Thuốc ho: Thuốc này có thể được sử dụng để làm dịu cơn ho giúp bệnh nhân có thể nghỉ ngơi. Ho là phản xạ giúp tống đàm dãi và các dịch trong phổi ra ngoài, do đó không nên loại trừ ho hoàn toàn. Nếu bạn cần dùng thuốc giảm ho, hãy dùng liều thấp nhất có thể giúp bạn nghỉ ngơi.

+ Thuốc hạ sốt/thuốc giảm đau: Bạn có thể dùng những thuốc này khi sốt. Chúng bao gồm các loại thuốc như aspirin (không dùng cho trẻ em), ibuprofen (Advil, Motrin IB, các loại khác) và acetaminophen (Tylenol, các loại khác).

+ Điều trị khác: dinh dưỡng, bệnh nền có sẵn

09/ Chế độ nghỉ ngơi

Để giúp bạn phục hồi nhanh hơn và giảm nguy cơ biến chứng:

- Nghỉ ngơi: Nghỉ học và nghỉ làm cho đến sau khi bạn hết sốt, ngừng ho khạc đàm. Ngay cả khi bạn bắt đầu cảm thấy tốt hơn, cũng không nên trở lại công việc hàng ngày ngay, bởi vì viêm phổi có thể tái phát. Tốt hơn là nghỉ ngơi đến khi bạn hoàn toàn bình phục. Hãy hỏi bác sĩ của bạn nếu bạn không chắc chắn.

- Uống đủ nước: Uống nhiều nước để giúp làm loãng đàm trong phổi.

- Uống thuốc theo đơn: Uống đầy đủ đơn thuốc mà bác sĩ kê cho bạn. Nếu bạn ngừng dùng thuốc quá sớm, phổi của bạn có thể vẫn còn chứa vi khuẩn lên và gây viêm phổi tái phát sau này

10/ Dự phòng viêm phổi

- Tiêm vắc-xin: Vắc-xin có sẵn để phòng ngừa một số loại viêm phổi và cúm. Thảo luận với bác sĩ về cách tiêm các loại vắc-xin này. Các hướng dẫn tiêm chủng thường thay đổi theo thời gian, do đó cần thảo luận tình trạng tiêm chủng với bác sĩ (ngay cả khi trước đó đã được chủng ngừa viêm phổi).

- Giữ gìn vệ sinh tốt: Để bảo vệ bản thân khỏi bị nhiễm trùng đường hô hấp đôi khi dẫn đến viêm phổi, hãy rửa tay thường xuyên hoặc sử dụng dung dịch sát trùng tay có cồn.

- Không hút thuốc: Hút thuốc lá gây tổn hại đến hệ thống bảo vệ tự nhiên của phổi chống lại nhiễm trùng đường hô hấp.

- Có hệ miễn dịch mạnh mẽ: Ngủ đủ giấc, tập thể dục đều đặn và ăn uống lành mạnh.




ThS.BS. Tống Vấn Thùy, Phó trưởng khoa Nội Tổng hợp

  In bài viết



tin nổi bật


Đơn vị trực thuộc

Tìm kiếm tin tức