TIN TỨC BỆNH VIỆN

RĂNG KHÔN VÀ NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT
[ Cập nhật vào ngày (04/11/2019) ]
Mẫu răng khôn mọc lệch vừa nhổ ra khỏi hàm bệnh nhân.
Mẫu răng khôn mọc lệch vừa nhổ ra khỏi hàm bệnh nhân.

Những chiếc răng số 8 này gọi là răng khôn bởi chúng thường mọc khi con người đã trưởng thành, ở độ tuổi khôn lớn, có thể tự nhận thức mọi thứ.


Do xuất hiện muộn, phải trải qua quá trình mọc chân răng và đủ lớn thì răng khôn mới có thể bắt đầu nhú lên khỏi lợi (hay còn gọi là nướu răng). Rất nhiều trường hợp răng khôn mọc không thuận lợi, khiến mọi người gặp không ít đau đớn và phiền toái. Do đó, với nhiều người, răng khôn gần như không có tác dụng về mặt thẩm mỹ hay chức năng nhai.

  • Răng khôn có tác dụng gì?

Răng khôn gần như không có tác dụng về mặt thẩm mỹ hay chức năng nhai.

Nói cách khác, răng khôn còn là “kẻ thù” của nhiều người bởi chúng mang lại phiền toái và đau đớn rất nhiều, phần nào ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Hầu như tất cả răng khôn đều phải nhổ, dù sớm dù muộn. Theo kết quả điều tra của Tổ chức Chăm sóc răng miệng Hoa Kỳ, ước tính tới nay có khoảng 85% răng khôn bị nhổ bỏ thay vì được tồn tại đến hết quãng đời.

Cũng có nhiều người quan niệm rằng răng khôn không tự nhiên mà mọc lên, hay răng khôn có ý nghĩa riêng của nó nên không nên nhổ bỏ. Hàm răng đủ của con người là có 32 răng, trong đó 4 răng khôn ở cả hàm trên và hàm dưới.

Không những không có ý nghĩa đặc biệt gì mà mọc răng khôn còn gây hàng loạt biến chứng nguy hiểm. Đầu tiên, quá trình mọc răng khôn bao giờ cũng gây những cơn đau nhức khó chịu hơn là mọc những răng khác.

Răng khôn mọc còn có thể gây nhiều biến chứng như: viêm nhiễm, đau nhức khi bị mọc răng khôn. Răng khôn mọc lệch, mọc ngầm khiến bệnh nhân sưng, đau nhức trong miệng nên không thể nhai thức ăn.

Nếu tình trạng viêm nhiễm do răng khôn kéo dài mà không khám hay can thiệp kịp thời sẽ gây phá hủy xương xung quanh chiếc răng này, điều tệ hại hơn là dễ làm xô lệch cả hàm răng còn lại.

  • Các tai biến do mọc răng khôn

Nếu răng khôn không thể mọc ngay ngắn, đúng vị trí, răng có thể đưa đến một số các tai biến như:

1. Răng ngầm hay răng lệch có thể làm cho răng cối lớn thứ hai ở ngay phía trước nó bị sâu (do nhồi nhét thức ăn ở kẻ giữa hai răng này) hay bị tiêu hủy chân răng.

2. Bệnh nha chu có thể phát triển ở răng khôn làm cho mô nâng đỡ răng (nướu và xương ổ răng) bị tổn thương.

3. Viêm quanh thân răng: Đây là tai biến thường gặp nhất ở những răng khôn mọc kẹt, bị nướu che phủ 1 phần thân răng. Khi bị viêm, nướu xung quanh thân răng sưng đỏ, vùng má dưới cũng sưng phồng lên, bệnh nhân cảm thấy đau nhiều, nhai khó, nuốt khó, há miệng khó, có khi cứng hàm hoàn toàn. Bệnh nhân có thể có những triệu chứng toàn thân như sốt, mệt mỏi.

4. Răng khôn mọc ngầm có thể đưa đến sự hình thành và phát triển nang thân răng ngầm. Nếu không được phát hiện và điều trị sớm, nang sẽ phát triển ngày càng lớn và phá hủy xương ngày càng nhiều. Tuy nhiên, bệnh cũng ít khi xảy ra.

5. Ngoài ra, theo một số tác giả, răng khôn mọc ngầm hay mọc lệch có thể đẩy các răng khác ra phía trước, làm cho các răng này bị xô lệch và mọc chen chúc nhau.

  • Khi nào nên nhổ răng khôn?

Cần nhổ răng khôn khi răng khôn mọc gây các biến chứng đau, u nang, nhiễm trùng lặp đi lặp lại, ảnh hưởng đến các răng lân cận.

Khi răng khôn chưa gây biến chứng nhưng có khe giắt thức ăn giữa răng khôn và răng bên cạnh, tương lai sẽ ảnh hưởng đến răng bên cạnh thì cũng nên nhổ bỏ để ngăn ngừa biến chứng.

Khi răng khôn mọc thẳng, đủ chỗ, không bị xương và nướu cản trở nhưng không có răng đối diện ăn khớp, khiến răng khôn trồi dài tới hàm đối diện, tạo bậc thang giữa các răng, gây nhồi nhét thức ăn, lở loét nướu hàm thì nên nhổ bỏ.

Răng khôn mọc thẳng, đủ chỗ, không bị cản trở song hình dạng bất thường, dị dạng, nhỏ, gây nhồi nhét thức ăn với răng bên cạnh, tương lai sẽ gây sâu răng và viêm nha chu răng bên cạnh thì nên chỉ định nhổ.

Răng khôn có bệnh nha chu hoặc sâu răng, bệnh nhân cần làm chỉnh hình, làm răng giả.

Răng khôn là nguyên nhân của một số bệnh toàn thân khác.

Tuy nhiên, không phải bất cứ trường hợp răng khôn nào cũng cần phải nhổ, và không phải tất cả răng khôn đều phải nhổ. Có thể bảo tồn giữ răng khôn ở những trường hợp sau:

Răng khôn mọc thẳng, bình thường, không bị kẹt với mô xương và nướu, không gây biến chứng. Trường hợp này nếu giữ lại thì bệnh nhân cần dùng chỉ nha khoa và bàn chải chuyên dụng để làm sạch triệt để.

Bệnh nhân mắc các bệnh lý mạn tính như tim mạch, rối loạn đông cầm máu, đái tháo đường...

Răng khôn liên quan trực tiếp đến một số cấu trúc quan trọng như xoang hàm, dây thần kinh...

Răng khôn gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm cho xương hàm và những chiếc răng khác, nên việc nhổ răng khôn là điều cần thiết. Với quy trình nhổ răng khôn hiện đại được hỗ trợ bởi thiết bị chẩn đoán hình ảnh hiện đại cùng các trang thiết bị tốt nhất các bạn có thể yên tâm điều trị mà không cần phải lo lắng nhổ răng khôn có đau không.

Với những thông tin trên, chúng tôi mong rằng đã giúp bạn hiểu được răng khôn là gì và những dấu hiệu khi mọc răng số 8. Khi có các dấu hiệu trên, bạn nên đến bệnh viện hoặc trung tâm nha khoa gần nhất để được bác sĩ khám và điều trị kịp thời, tránh những biến chứng khó lường mà răng khôn gây ra.




BS. Biện Thị Ái Nhi, Khoa Răng – Hàm – Mặt

  In bài viết



tin nổi bật


Đơn vị trực thuộc

Tìm kiếm tin tức