TIN TỨC BỆNH VIỆN

Bản tin an toàn người bệnh quý II/2019: LOÉT DO TÌ ĐÈ
[ Cập nhật vào ngày (28/06/2019) ]

Loét do tì đè vẫn là một khó khăn trong chăm sóc y tế, tỉ lệ bị loét đối với các trường hợp phải chăm sóc y tế trong thời gian dài là 2,2-23,9%. Loét tì đè độ 3-4 tại bệnh viện là một trong những sự cố y khoa cần được quan tâm.


  • Định nghĩa

Loét tì đè là do mạch máu bị đè ép quá lâu trên một vùng của cơ thể, thường xuất hiện ở những vùng có xương bị nhô lên hoặc do khi dùng giường hoặc ghế. Loét tì đè hình thành là do hoại tử thiếu máu cục bộ (thiếu nguồn cung cấp máu) của da và mô dưới da. Một số yếu tố khác làm hình thành loét tì đè có thể là các yếu tố bên ngoài (không liên quan đến bệnh nhân) hoặc bên trong (phụ thuộc vào tình trạng của bệnh nhân).

  • Các khoa hồi sức tích cực có tỷ lệ mắc bệnh loét tì đè cao nhất trong các khoa trong bệnh viện: chiếm 21,5%
  • Tỉ lệ loét tì đè phải chăm sóc dài hạn ước tính khoảng 11-30%. Trong số các bệnh nhân suy giảm chức năng thần kinh, 7-8% bệnh nhân mắc tì đè mỗi năm, với nguy cơ phải mang theo bệnh suốt đời ước tính là 25-85%.


  • Nguyên nhân

Yếu tố bên trong:

  • Tuổi: Các bệnh nhân mắc bệnh tì đè thường có nhóm tuổi từ 71-80 tuổi (29%).
  • Bất động
  • Tình trạng da xấu: Sức đề kháng của da bị giảm do tuổi tác, điều trị lâu ngày với corticosteroid và tình trạng thiếu dinh dưỡng.
  • Da bị giảm độ nhạy cảm:
  • Mất cảm giác và mất khả năng tự chủ
  • Không có cảm giác, giảm sự nhạy cảm
  • Tình trạng xương sống và thần kinh
  • Rối loạn thần kinh dẫn đến tình trạng mất cảm giác đau khi cơ thể phải chịu đựng một sức nặng vượt quá khả năng và mất phản xạ khi thay đổi vị trí của các bộ phận trên cơ thể.
  • Các bệnh có nguy cơ hình thành loét tì đè

Tình trạng thiếu oxy cục bộ do bệnh động mạch hoặc tình trạng bất thường của tĩnh mạch, bệnh đái đường, ung thư, nhiễm trùng, thiếu máu và sốt cao là các yếu tố có nguy cơ dẫn đến loét tì đè.

  • Mất kiểm soát:  Nước tiểu hoặc phân có thể gây ra trầy da do da bị hầm bí.
  • Tình trạng dinh dưỡng: Suy dinh dưỡng là một trong những yếu tố chính gây ra loét tì đè. Tất cả phương pháp điều trị loét tì đè phải được đi kèm với một chế độ ăn uống thích hợp.

Yếu tố bên ngoài: Mô bị tổn thương là do 3 nguyên nhân:

  • Áp lực: Áp lực tác động lên các mô. Áp lực này tác động đến những vùng có xương nhô lên, nơi có mô mềm giữa các xương nối tiếp nhau và lực nén bị tăng lên. Ở trạng thái bình thường , các áp lực này sẽ tác động với một áp lực tương ứng tuỳ thuộc vào trọng lượng của cơ thể của diện tích bề mặt tiếp xúc.
  • Do ma sát: Sự cọ xát, trầy xước xảy ra khi hai bề mặt cọ vào nhau. Các yếu tố này gây ra sự mài mòn da ban đầu.

-      Do biến dạng: Khi cọ sát sẽ gây ra trượt và xoắn các lớp dưới da lại với nhau. Loét tì đè thường xuất hiện ở các vị trí đặc biệt khi bệnh nhân ngồi ngã về phía sau các lớp dưới da sẽ là điểm bị đè.

-     Sự xuất hiện của loét tì đè: Loét tì đè là nguy cơ tìm ẩn có thể xuất hiện khi bệnh nhân bị bất động trong thời gian dài. Trong nhiều trường hợp, một người bị loét tì đè mắc một hoặc nhiều các chứng bệnh khác có thể ảnh hưởng đến điều trị và lành thương. Trong đó bao gồm bệnh tiểu đường và bệnh tim.

Loét tì đè xuất hiện phổ biến ở các bệnh nhân có vết thương cấp và mãn tính. Nghiên cứu cho thấy rằng, ở bất cứ thời điểm nào 3-10% bệnh nhân nằm viện bị loét tì đè và phát triển loét tì đè mới đến 2.7%.

·     Vị trí, phân loại

Vị trí:

-     80% loét tì đè hình thành ở vị trí xương cùng (xương nối) hoặc gót chân.

Vị trí thường xuyên bị loét là đốt chuyển (xương hông) khi bệnh nhân nằm một bên , các khu vực khác có nguy cơ là chỏm đầu, khuỷu tay và đốt háng.

Phân loại:

Loét tì đè có thể được chia thành các giai đoạn khác nhau. Có nhiều biểu hiện khác nhau của loét tì đè và các giai đoạn không theo thứ tự.

Loét tì đè được phân ra thành các cấp độ dựa trên đánh giá mức độ tổn thương mô. Theo hội đồng quốc gia về vết loét tại Hoa Kì đưa ra năm 1989, loét tì đè có 4 độ:

  • Độ 1: Vùng da tì đè nổi lên vết rộp màu hồng (dấu hiệu báo trước của loét tì đè).
  • Độ 2: Tổn thương không hoàn toàn chiều dày lớp da bao gồm thượng bì và lớp đáy (loét nông nhìn như vết trầy hay phồng rộp).
  • Độ 3: Tổn thương hoàn toàn chiều dày, bề dày của lớp da, tổ chức dưới da đã bị tổn thương.
  • Độ 4: Hoại tử toàn bộ lớp da có khi giới hạn, có khi lan rộng đến cả vùng cơ, xương, khớp.

·Phòng ngừa, chăm sóc

Phòng ngừa:

  • Chăm sóc da, giữ da sạch sẽ và khô thoáng:

+ Đánh giá nguy cơ loét tì đè càng sớm càng tốt

+ Đánh giá 1 lần/ ngày hoặc tùy theo tình trạng người bệnh

+Thay quần áo, vải trải giường mỗi khi ẩm ướt

+ Vệ sinh da hằng ngày, giữ da luôn khô ráo.

  • Tránh bị tì đè:

+ GIữ vải trải giường thẳng, phẳng.

+ Dùng nệm 20cm, nêm cao, nệm hơi, nệm áp lực.

+ Chêm lót vùng tì đè.

+ Xoay trở thường xuyên 2 giờ/lần.

  • Quản lý chất tiết:

+ Thay băng mỗi khi thấm dịch, dùng túi dẫn lưu kín nếu vết thương nhiều dịch tiết.

+ Đảm bảo dẫn lưu kín, thông thoáng, 1 chiều tránh ứ đọng dịch.

+ Quản lý nước tiểu, phân: tả, giấy, túi nilon,…

  • Kích thích tăng tuần hoàn:

+ Xoa bóp vùng da đè nén.

+ Tập vận động thụ động, chủ động.

+ Dùng sức nóng: chiếu đèn…

  • Phòng ngừa tổn thương da:

+ Di chuyển , xoay trở những người bệnh bất động nhẹ nhàng, phòng ngừa tổn thương da do va chạm

+ Nâng bệnh nhân lên thay vì kéo lê, di chuyển.

  • Dinh dưỡng:

+ Cung cấp đầy đủ dinh dưỡng:đặc biệt protein và vitamin.

  • Quản lý ổ nhiễm khuẩn:

Phòng ngừa và điều trị các ổ nhiễm trùng

+ Đường hô hấp: ngừa viêm phổi

+ Đường tiết niệu: Ngừa nhiễm trùng tiểu

+ Tiêu hóa: ngừa rối loạn tiêu hóa.

Chăm sóc vết loét tì đè:

  • Ba yếu tố cơ bản của việc chăm sóc ổ loét là:

+ Rửa sạch ổ loét

+ Cắt lọc

+ Băng ổ loét

Việc điều trị sớm sẽ tốt hơn. Khi loét phát triển đến một giai đoạn nghiêm trọng hơn, nó trở nên khó điều trị và có thể dẫn đến các biến chứng:

+ Hầu hết các vết loét tì đè giai đoạn 1 và giai đoạn 2 sẽ lành thương trong vòng vài tuần điều trị hợp lý. Gia đoạn 1 : Phòng ngừa giúp vết loét không tiến triển hơn, che chở ngừa bội nhiễm, chăm sóc như vết thương trầy da.

+ Loét tì đè giai đoạn2, 3 và 4: Chăm sóc như vết thương nhiễm, tùy mức độ có thể đắp ấm, làm mềm mô hoại tử, cắt lọc, kết hợp phòng ngừa tránh lan rộng.

 

Tài liệu tham khảo:

  • Chăm sóc phòng ngừa loét tì đè, Hội hồi sức cấp cứu và chống độc Việt Nam, Hội nghị khoa học 2017.
  • Phụ lục 4 - Các giai đoạn phát triển loét do tì đè- Cục khám chữa bệnh.

 

 

 




Phòng KHTH - BV ĐKTP Cần Thơ

  In bài viết



tin nổi bật


Đơn vị trực thuộc

Tìm kiếm tin tức