TIN TỨC BỆNH VIỆN

NỘI SOI CẮT TUYẾN ỨC - HI VỌNG CHO BỆNH NHÂN NHƯỢC CƠ
[ Cập nhật vào ngày (04/01/2019) ]

Mắc bệnh nhược cơ, sụp mi mắt và từng điều trị nhiều nơi nhưng không khỏi, nữ bệnh nhân vừa được các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa thành phố Cần Thơ điều trị thành công bằng phương pháp phẫu thuật nội soi.


Tại vùng đồng bằng sông Cửu Long, Bệnh viện Đa khoa thành phố Cần Thơ là đơn vị tiên phong thực hiện phương pháp nội soi cắt tuyến ức điều trị nhược cơ. Cho tới nay, bệnh viện đã áp dụng kỹ thuật này điều trị cho rất nhiều bệnh nhân. Tất cả các ca đều thành công tốt đẹp.

  • Thêm một trường hợp điều trị thành công

Khoa Ngoại lồng ngực, Bệnh viện Đa khoa thành phố Cần Thơ vừa phẫu thuật nội soi cắt tuyến ức điều trị bệnh nhược cơ thành công thêm một trường hợp. Bệnh nhân là chị Phạm Thị Thu Tr, 32 tuổi, quê ở quận Ô Môn.

Do bệnh tình nặng lên, xuất hiện thêm triệu chứng sụp mi mắt trái, hai tay giảm khả năng cầm nắm và khó thở nhẹ, chị Tr rất lo lắng và đã đến Bệnh viện Đa khoa thành phố Cần Thơ khám. Thông qua thăm khám và chụp cắt lớp vi tính, bác sĩ đã phát hiện ra rằng chị Tr nhược cơ có kèm theo u tuyến ức. Các bác sĩ đã hội chẩn và tiến hành hành mổ cắt bỏ tuyến ức cho bệnh nhân bằng phương pháp nội soi.

Bệnh viện Đa khoa thành phố Cần Thơ là đơn vị tiên phong trong điều trị nhược cơ bằng phẫu thuật nội soi cắt u tuyến ức.

Trong trường hợp của chị Tr, ê kip đã mở 3 lỗ nhỏ trên lồng ngực bên phải, mỗi lỗ có đường kính khoảng 1cm (1 lỗ dành cho ống nội soi, 2 lỗ còn lại để đưa dụng cụ mổ vào lồng ngực). Sau 1 giờ, toàn bộ tuyến ức và u đã được bóc tách và lấy ra ngoài. Hôm nay, bệnh nhân đã hoàn toàn tỉnh táo, ăn được.

Kỹ thuật nội soi cắt u tuyến ức là một kỹ thuật khó, đòi hỏi bác sĩ có tay nghề cao. Bởi, tuyến ức nằm bám lên màng tim, quai động mạch chủ, thân động mạch phổi và tĩnh mạch không tên. “Thao tác thực hiện không chuyên có thể gây ra các biến chứng như chảy máu. Khi đó, bác sĩ phải chuyển sang mổ mở rất nặng nề. Mổ mở chẻ dọc xương ức để cắt tuyến ức là một phẫu thuật lớn, sau mổ rất đau nên hồi tĩnh sau mổ chậm và trên bệnh nhân nhược cơ nên càng hồi tỉnh chậm hơn, phải thở máy lâu, có thể gây ra nhiều biến chứng nặng” – BSCKII. Phạm Văn Phương, Trưởng khoa Ngoại lồng ngực, chia sẻ.

  • Đôi nét về bệnh nhược cơ

Theo BSCKII. Phạm Văn Phương, bệnh nhược cơ là một bệnh lý thần kinh cơ tự miễn (autoimmune neuromuscular disease) dẫn đến yếu cơ hoặc suy nhược cơ từng đợt gây ra do xung động thần kinh từ dây thần kinh đến cơ vân không dẫn truyền được làm cho cơ không vận động, biểu hiện yếu các hệ cơ xương nhiều mức độ khác nhau.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến nhược cơ, song tuyến ức gây nhược cơ là bệnh lý rất thường gặp. Khi mắc bệnh cơ thể sẽ tự sản sinh ra các chất làm giảm khả năng vận động của cơ. Khi đó bệnh nhân có một số biểu hiện như: đau tức ngực, khó nuốt, dễ sặc, khó thở, sụp mi, nét mặt đờ đẫn… Bệnh khó phát hiện sớm do dấu hiệu ở giai đoạn này không rõ ràng. Tính mạng bệnh nhân có thể bị đe dọa khi bệnh tiến triển sang các giai đoạn nặng hơn, gây ra nhược cơ hô hấp dẫn tới suy hô hấp và tử vong. 

 Để điều trị bệnh nhược cơ, một trong những biện pháp hiệu quả là cắt bỏ tuyến ức. Từ trước đến nay có khá nhiều phương pháp cắt bỏ tuyến ức, điển hình như phương pháp mổ đường mở dọc giữa xương ức. Với biện pháp này, đường mổ qua xương ức thường làm bệnh nhân đau đớn nhiều, ảnh hưởng đến chức năng hô hấp sau phẫu thuật.

Thay vì cắt qua xương ức, các bác sĩ áp dụng kỹ thuật tiên tiến hơn là nội soi. Trung bình một ca mổ chỉ kéo dài khoảng 70 phút. Đặc biệt, sau mổ, trên 80% bệnh nhân chỉ phải nằm ở khoa hồi sức dưới 1 ngày, thời gian nằm viện sau mổ rút ngắn còn khoảng 3 ngày. Vết mổ lành nhanh, phục hồi tốt, không quá đau đớn, vẫn ăn, ngủ bình thường. Đặc biệt, ưu điểm của phương pháp mới này là đảm bảo tính thẩm mỹ vùng ngực cho bệnh nhân - nhất là bệnh nhân nữ.




Bài, ảnh: K.Đ

  In bài viết



tin nổi bật


Đơn vị trực thuộc

Tìm kiếm tin tức