TIN TỨC BỆNH VIỆN

CO GIẬT – XỬ TRÍ TẠI CHỖ SAO CHO ĐÚNG?
[ Cập nhật vào ngày (18/02/2021) ]
Ảnh minh họa (nguồn: internet).
Ảnh minh họa (nguồn: internet).

Co giật là một rối loạn điện đột ngột, không kiểm soát được trong não. Nó có thể gây ra những thay đổi trong hành vi, vận động hoặc cảm xúc, thậm chí ý thức của bạn.


Hầu hết các cơn co giật kéo dài từ ba mươi giây đến hai phút và khi một cơn co giật kéo dài hơn năm phút được xem là một cấp cứu y tế.

📌Nguyên nhân gây ra cơn co giật?

Nguyên nhân phổ biến nhất của co giật là động kinh. Nhưng không phải mọi người có cơn co giật đều bị động kinh. Đôi khi co giật xảy ra vì:

• Sốt cao, có thể liên quan đến nhiễm trùng như viêm màng não

• Thiếu ngủ

• Natri máu thấp, có thể xảy ra khi người bệnh đang dùng thuốc lợi tiểu

• Các loại thuốc, chẳng hạn như thuốc giảm đau, thuốc chống trầm cảm hoặc liệu pháp cai thuốc lá

• Xuất huyết não, u não

• Bị đánh

• Thuốc có tính chất gây nghiện chẳng hạn như amphetamine hoặc cocaine

• Lạm dụng rượu, trong thời gian cai nghiện rượu hoặc ngộ độc rượu

📌Có phải các cơn co giật đều cần đến gặp bác sĩ ngay?

Câu trả lời là KHÔNG nếu các cơn co giật nhẹ và xuất hiện trong khoảng thời gian ngắn. Sau cơn, sức khoẻ người bệnh phục hồi hoàn toàn nhanh chóng thì có thể không cần đưa đến bác sĩ khẩn. Tuy nhiên, gọi sự trợ giúp y tế ngay lập tức nếu bất kỳ điều nào sau đây xảy ra:

• Cơn co giật kéo dài hơn năm phút.

• Hơi thở hoặc ý thức không trở lại sau khi cơn co giật dừng lại.

• Một cơn co giật thứ hai ngay sau đó.

• Người bệnh bị sốt cao.

• Người bệnh có thai hoặc tiền căn có đái tháo đường.

• Người bệnh đã tự làm bản thân bị thương trong cơn co giật.

Nếu đây là lần đầu tiên xuất hiện cơn co giật, hãy nhanh chóng đi khám.

Khi muốn tìm nguyên nhân cần làm các xét nghiệm gì?

Các xét nghiệm có thể bao gồm:

• Một bài kiểm tra thần kinh. Bác sĩ có thể kiểm tra hành vi, khả năng vận động và chức năng tinh thần của bạn để xác định xem bạn có vấn đề gì với não và hệ thần kinh hay không.

• Xét nghiệm máu.

• Chọc dò tủy sống.

• Điện não đồ (EEG).

• Chụp cắt lớp vi tính sọ não.

• Chụp cộng hưởng từ sọ não.

• Một số chẩn đoán hình ảnh học chuyên biệt khác cũng có thể được dùng như: PET, SPECT...

Cần làm gì khi gặp một người đang lên cơn co giật?

📌Những việc nên làm:

- Cho người bệnh nằm nghiêng sang bên trái, lau sạch nước bọt, các chất nôn, ói (nếu có)…

- Yêu cầu mọi người xung quanh lùi ra xa tạo không gian thoáng khí.

- Giúp bệnh nhân không bị chấn thương trong lúc đang co giật bằng cách di dời những đồ vật có thể gây sang chấn cho bệnh nhân: bàn ghế, đồ vật sắc nhọn…

- Đặt một chiếc gối mỏng, mềm dưới đầu bệnh nhân.

- Nới lỏng cổ áo, thắt lưng, khăn quàng cổ… để không gây nghẹt thở.

- Ghi nhận thời gian co giật từ lúc bắt đầu đến kết thúc, theo dõi tình hình người bệnh bị co giật.

📌Những việc không nên làm:

- Không cố gắng ngăn bệnh nhân cắn phải lưỡi bằng cách đưa bất cứ đồ vật nào vào miệng bệnh nhân, chỉ thực hiện ngáng lưỡi khi bạn thành thạo kỹ năng này.

- Không di chuyển bệnh nhân khi đang co giật.

- Không đè hoặc giữ tay, chân bệnh nhân lúc đang co giật.

- Không nặn chanh vào miệng bệnh nhân, cũng như không ép người bệnh uống nước hoặc uống thuốc cho đến khi bệnh nhân tỉnh táo hoàn toàn.




(BS. Lê Văn Trọng Hửu – Khoa Nội thần kinh – Cơ xương khớp)

  In bài viết



tin nổi bật


Đơn vị trực thuộc

Tìm kiếm tin tức