TIN TỨC BỆNH VIỆN

SỐNG CHUNG VỚI BỆNH SUY TIM THẾ NÀO LÀ ĐÚNG CÁCH?
[ Cập nhật vào ngày (03/04/2020) ]

Tim là bộ phận quan trọng nắm giữ vai trò đưa máu giàu oxy và dưỡng chất tới mọi cơ quan trong cơ thể. Khi bị suy tim, chức năng tim suy yếu, có thể gặp ở bất kì độ tuổi nào. Tất cả các bệnh tim mạch đều có thể dẫn đến suy tim. Bệnh suy tim mạn tính hiện chưa có thuốc chữa khỏi nhưng sẽ được kiểm soát hiệu quả nhờ những thói quen tốt được thực hiện kết hợp với tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ giúp làm chậm sự tiến triển, hạn chế biến chứng. Cũng có một số trường hợp suy tim cấp sau khi giải quyết được nguyên nhân gây suy tim có thể chữa khỏi hẳn và ở giai đoạn đầu nếu được điều trị đúng cách có thể có cuộc sống lâu dài khoẻ mạnh.


1. Suy tim có nguy hiểm không?

Suy tim là tình trạng bệnh lý do tim bị yếu đi và là hậu quả của những tổn thương hay rối loạn chức năng của tim dẫn đến tâm thất của tim không đủ khả năng tiếp nhận máu hoặc bơm máu đi nuôi cơ thể, khiến người bệnh không thể hoàn thành một khối lượng công việc so với tim một người bình thường

Bệnh suy tim có nguy hiểm không? Điều này được xác định bằng số lần nhập viện do các triệu chứng (biến chứng) như khó thở, ho, phù, mệt mỏi, kiệt sức. Bệnh nhân mất dần khả năng vận động, sinh hoạt, làm việc, dẫn đến chất lượng sống suy giảm, đe dọa tính mạng.

2. Nguyên nhân của suy tim

- Nhồi máu cơ tim: khi động mạch vành cung cấp máu nuôi dưỡng cho cơ tim có một chỗ bị tắc gây nhồi máu, một số vùng cơ tim chết đi, thành sẹo làm giảm khả năng co bóp của tim.

- Tăng huyết áp mạn tính làm tim phải làm việc quá sức trong một thời gian dài do phải bóp với một lực mạnh hơn để thắng được sức cản lớn trong lòng mạch (do tăng huyết áp), lâu dần sẽ làm tim bị suy.

- Bệnh van tim gây hở hoặc hẹp van tim, khi đó hoặc tim phải bóp nhiều hơn (do hở van tim) hoặc bóp mạnh hơn (do hẹp van tim), lâu ngày cũng sẽ gây suy tim.

- Bệnh tim bẩm sinh

- Bệnh cơ tim do rượu: uống quá nhiều rượu làm co bóp cơ tim bị yếu đi.

- Viêm cơ tim nhất là viêm cơ tim do siêu vi trùng.

- Do rối loạn nhịp tim nhanh hoặc nhịp tim chậm kéo dài, mạn tính gây suy tim.

- Các bệnh lý mãn tính: bệnh tuyến giáp, suy thận, đái tháo đường, hen, COPD,…

- Suy tim còn gặp ở bệnh nhân dùng thuốc hoá chất để điều trị ung thư hoặc một số loại thuốc đặc biệt khác

Ngoài ra, vẫn có trường hợp không thể tìm được một nguyên nhân cụ thể nào gây suy tim.

  • Đối tượng nguy cơ bệnh suy tim
  • Tăng huyết áp
  • Đái tháo đường
  • Rối loạn lipid máu
  • Hút thuốc lá
  • Nam giới
  • Tuổi cao
  • Bệnh lý tim bẩm sinh, bệnh lý van tim không được sửa chữa
  • Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính không được kiểm soát
  • Lối sống tĩnh tại, ít vận động.

3. Các cấp độ của suy tim

Mức độ suy tim của người bệnh được đánh giá dựa trên triệu chứng cơ năng và khả năng vận động gắng sức, chia làm 4 cấp độ:

Suy tim độ I: được coi là suy tim tiềm tàng, bởi người bệnh vẫn hoạt động thể lực và sinh hoạt bình thường, không có hiện tượng khó thở, mệt mỏi, hồi hộp. Bình thường rất khó để phát hiện bệnh ở giai đoạn này.

Suy tim độ II: là suy tim nhẹ, người bệnh bị hạn chế nhất định trong các hoạt động thể lực, sinh hoạt hàng ngày, khi nghỉ ngơi thì không có triệu chứng gì nhưng khi hoạt động gắng sức nhiều thì thấy khó thở, mệt mỏi, đánh trống ngực.

Suy tim độ III: là mức độ suy tim trung bình. Ở giai đoạn này, bệnh nhân bị hạn chế khá nhiều trong các hoạt động thể lực, sinh hoạt hàng ngày. Khi nghỉ ngơi, các triệu chứng được thuyên giảm, nhưng khi hoạt động gắng sức dễ bị khó thở, mệt mỏi, đánh trống ngực. Đây chính là lý do mà người bệnh khi chuyển sang suy tim cấp độ III rất lo lắng về bệnh tật. Vì thời gian nay họ phải nhập viện, điều trị thường xuyên hơn.

Suy tim độ IV: đây là suy tim nặng, người bệnh không thể thực hiện bất kỳ hoạt động thể lực nào mà không thấy khó chịu, sinh hoạt hàng ngày bị ảnh hưởng nhiều, khó thở xuất hiện cả lúc nghỉ ngơi, bệnh nhân chỉ có thể làm được những việc nhẹ.

4. Làm thế nào nhận biết suy tim?

Suy tim nhẹ có thể không biểu hiện thành triệu chứng rõ rệt. Vào các giai đoạn sau, các triệu chứng của suy tim có thể kéo dài, thường xuyên hoặc xuất hiện đột ngột:

  • Khó thở là triệu chứng hay gặp nhất của suy tim, thường xảy ra khi gắng sức, thậm chí khi nằm hoặc tư thế đầu thấp. Các cơn khó thở về đêm tăng lên, khiến cho nhiều người bệnh phải ngồi bật dậy để thở.Suy tim càng nặng người bệnh càng khó thở nhiều
  • Đau ngực thường xảy ra sau gắng sức , vị trí đau ở vùng ngực trái trước tim nhưng cũng có thể là cảm giác nặng ngực, tức ngực, ngực bị thắt nghẹn, bị ép, hiếm khi người bệnh có triệu chứng đau nhói như dao đâm . Đau ngực thường giảm khi nghỉ ngơi hoặc dùng thuốc dãn mạch vành Nitroglycerin
  • Phù và tăng cân: bệnh nhân cảm giác bị sưng ở hai chân, thường sưng nhiều về chiều, kèm theo bệnh lên cân.
  • Ho khan, khó khạc đờm: Tình trạng ho kéo dài dai dẳng không rõ nguyên nhân có thể là một trong những triệu chứng của suy tim. Ho trong suy tim là ho khan, khó khạc đờm. Tình trạng ho kéo dài làm người bệnh mệt mỏi, mất ngủ, có khi khàn tiếng. Khi bệnh tiến triển nặng hơn, người bệnh bị ho khi nằm, ngả lưng là ho và bắt buộc phải ngồi dậy mới dễ chịu.
  • Rối loạn nhịp tim: tim đập nhanh, mạnh, người bệnh cảm thấy hồi hộp, trống ngực.
  • Chóng mặt, mệt mỏi và kiệt sức dần: Tình trạng mệt mỏi do suy tim có thể lẫn với các bệnh khác. Tuy nhiên, nếu để ý, bạn sẽ thấy sự mệt mỏi này ảnh hưởng ngày càng nhiều đến cuộc sống sinh hoạt thường ngày.

5. Các biện pháp chẩn đoán bệnh suy tim

  • Tiền sử gia đình, khám lâm sàng, trao đổi về các các triệu chứng suy tim đang mắc phải. 
  • Siêu âm doppler tim: là phương tiện cần thiết để chẩn đoán và tìm nguyên nhân suy tim. Trên siêu âm tim có thể đánh giá được chức năng tim, bệnh lý các van tim, rối loạn vận động vùng trong bệnh mạch vành, áp lực động mạch phổi, bất thường tim bẩm sinh…
  • Điện tâm đồ: xét nghiệm này có thể cho thấy bạn có dày thất, dày nhĩ, loạn nhịp tim (rung nhĩ, ngoại tâm thu…), thiếu máu cơ tim hoặc nhồi máu cơ tim là những dấu hiệu gợi ý có thể bạn bị suy tim.
  • X-Quang ngực: không đặc hiệu để chẩn đoán suy tim, có thể thấy bóng tim to nếu suy tim nặng, buồng tim giãn, sung huyết phổi.
  • Xét nghiệm: NT-proBNP, BNP là các peptid lợi niệu, tăng lên trong máu do sự căng giãn các buồng tim. NT-proBNP tăng là một chỉ điểm của suy tim
  • Các xét nghiệm khác: HbA1C, Cholesterol, Triglycerid, LDL-C, HDL-C, chức năng gan, thận..

6. Điều trị suy tim thế nào?

Trước hết phải loại bỏ được nguyên nhân gây suy tim. Cần phải giảm gánh nặng cho tim. Bệnh nhân mắc các bệnh nói trên cần phải được điều trị tốt để tránh dẫn đến giai đoạn bị suy tim. Cụ thể, với người mắc bệnh van tim cần phải được phát hiện sớm và điều trị phù hợp, phẫu thuật đúng thời điểm. Với người đã bị tăng huyết áp thì cần điều trị lâu dài và kiểm soát huyết áp ổn định. Với bệnh lý mạch vành thì cần được điều trị và theo dõi nhằm tránh nguy cơ nhồi máu cơ tim.

- Sử dụng thuốc:

Mục tiêu điều trị bệnh suy tim mạn tính không phải là chữa khỏi, mà chỉ có thể là kiểm soát và giảm nhẹ triệu chứng, giúp cho bệnh nhân kéo dài thời gian sống và cải thiện tối đa chất lượng cuộc sống. Việc sử dụng thuốc là nhằm vào mục tiêu này.

Các loại thuốc điều trị suy tim:

Người bệnh suy tim sẽ được điều trị bằng thuốc lợi tiểu giúp cơ thể loại bỏ bớt lượng dịch dư thừa trong cơ thể. Ngoài ra, người bệnh có thể sẽ được kê thêm những loại thuốc sau đây:

  • Thuốc ức chế men chuyển, hoặc ức chế thụ thể Angiotensin II
  • Chẹn beta giao cảm: ức chế các phản ứng quá mức của hệ giao cảm, cải thiện được tỉ lệ tử vong và nguy cơ đột tử do các rối loạn nhịp, tăng khả năng gắng sức hoặc các thuốc điều hòa nhịp tim khác.
  • Digoxin loại thuốc giúp tim bơm máu hiệu quả hơn, nhưng có nguy cơ gây ngộ độc.

Người bệnh cần tuyệt đối tuân thủ điều trị, uống đúng thuốc, đúng liều, đúng thời gian. Không tự ý giảm liều hoặc ngừng thuốc, ngay cả khi thấy triệu chứng không còn.. Trong trường hợp người bệnh gặp phải những tác dụng phụ của thuốc cần phải thông báo ngay cho bác sĩ điều trị để giảm liều hoặc chuyển sang loại thuốc khác phù hợp hơn.

- Chế độ sinh hoạt phù hợp: Chiếm vai trò quan trọng nhất trong điều trị suy tim

  • Luyện tập thể dục nhẹ nhàng, như đi bộ; tránh làm việc gắng sức quá mức
  • Cai hút thuốc lá, không uống rượu bia
  • Tránh lo lắng, căng thẳng, sống lạc quan vui vẻ.
  • Duy trì cân nặng ở mức vừa phải.
  • Ăn uống lành mạnh: Hạn chế muối, bổ sung nhiều rau xanh, cá, ngũ cốc nguyên hạt, uống đủ nước.
  • Hạn chế ăn nhiều cholesterol (trong mỡ động vật, các chế phẩm béo từ sữa); mỡ động vật thay bằng dầu thực vật, hạn chế ăn phủ tạng động vật
  • Khám bệnh định kỳ hàng tháng theo chỉ dẫn của bác sĩ.
  • Điều trị sửa chữa các bệnh tim cấu trúc.
  • Kiểm soát các bệnh liên quan: tăng huyết áp, tiểu đường, COPD, hen...



BS. Phạm Đặng Hoài Thương – Khoa Nội Tim mạch – Lão học

  In bài viết



tin nổi bật


Đơn vị trực thuộc

Tìm kiếm tin tức