TIN TỨC BỆNH VIỆN

PHẪU THUẬT NỘI SOI TÁI TẠO DÂY CHẰNG CHÉO KHỚP GỐI
[ Cập nhật vào ngày (29/11/2019) ]
Vị trí điểm bám dây chằng chéo trước.
Vị trí điểm bám dây chằng chéo trước.

Tổn thương dây chằng chéo trước (DCCT) là một trong những tổn thương hay gặp nhất trong chấn thương khớp gối. Phẫu thuật tái tạo dây chằng chéo trước đã có rất nhiều thay đổi từ các phẫu thuật mở cho đến phẫu thuật nội soi khớp. Hiện, Bệnh viện Đa khoa thành phố Cần Thơ đã đưa vào thường quy kỹ thuật nội soi tái tạo dây chằng chéo khớp gối.


Bệnh nhân Huỳnh Thị T, quê ở huyện Thới Lai - TPCT nhập viện ngày 25/11/2019 trong tình trạng đau khớp gối trái do tai nạn sinh hoạt khoảng 1 tháng. Đây là trường hợp bệnh nhân nhập viện điều trị sớm giúp khả năng phục hồi chức năng khớp gối sau phẫu thuật tốt hơn.

Hình ảnh vị trí đứt dây chằng chéo trước trên phim MRI của bệnh nhân.

Bác sĩ khoa Ngoại Chấn thương – Bỏng thăm khám thấy vùng gối trái của bệnh nhân đau nặng khi vận động, test ngăn kéo trước gối trái dương tính, test Lachman gối trái dương tính. Bệnh nhân có chụp MRI khớp gối trái với kết quả đứt dây chằng chéo trước gối trái, rách sụn chêm gối trái.

Bệnh nhân đã được BSCKII. Trần Anh Dũng, Trưởng khoa Ngoại chấn thương – Bỏng chỉ định phẫu thuật nội soi tái tạo lại dây chằng chéo trước gối trái (ngày 27/11/2019). Phương pháp phẫu thuật nội soi tái tạo dây chằng chéo khớp gối giúp cho bệnh nhân phục hồi lại giải phẫu dây chằng chéo khớp gối, tránh thoái hóa khớp và phục hồi lại chức năng của khớp gối. Với tình trạng hiện tại bệnh ổn định, vết mổ khô, có thể tập gồng cơ đùi, các cơ cẳng chân và cổ chân trong nẹp.

Tại Mỹ có khoảng 80% các tổn thương dây chằng là do chấn thương thể thao. Tại Việt Nam do tình hình giao thông phức tạp, đa số bệnh nhân (BN) bị tổn thương do tai nạn giao thông.

Khi bị đứt dây chằng, 70% BN có triệu chứng sưng khớp gối, số còn lại thường đau khớp gối, cảm giác yếu, dễ “sụm”, nghe tiếng “lụp cụp” khi đi lại hoặc lỏng gối. Lỏng gối là triệu chứng quan trọng và thường gặp ở bệnh nhân bị đứt hoàn toàn dây chằng chéo. Tùy theo mức độ tổn thương và tổn thương một hay nhiều dây chằng mà độ lỏng gối sẽ khác nhau.

Ở một số bệnh nhân mà nhu cầu vận động không cao (phụ nữ, người ít chơi thể thao…) khả năng đi lại của bệnh nhân gần như bình thường do đó một số bệnh nhân chỉ cảm thấy là khớp gối của mình có vấn đề gì đó “không bình thường” nhưng chưa thật sự cảm thấy phiền toái. Tuy nhiên, những hậu quả lâu dài do đứt dây chằng chéo trước gây nên thì thật sự cần được quan tâm một cách thích đáng.

Khi DCCT bị đứt, quan hệ động học giữa xương đùi và xương chày thay đổi, sự phân phối và truyền lực từ đùi xuống cẳng chân không bình thường, từ đó dẫn đến hai tổn thương thứ phát là rách sụn chêm và thoái hóa khớp.

Khi dây DCCT bị tổn thương, khớp gối sẽ lỏng. Tuy nhiên, nhờ có sức cơ đùi bù đắp trong thời gian đầu sau chấn thương nên người bệnh chưa cảm nhận được. Cho đến khi cơ đùi bị teo nghĩa là cơ đùi suy yếu dần, không còn đủ sức gồng gánh cho dây chằng chéo trước, các dấu hiệu của lỏng gối mới xuất hiện. Trước đây, người ta thường chờ đến khi người bệnh có dấu hiệu lỏng gối mới mổ tái tạo dây chằng. Kết quả là thời gian phục hồi vận động khớp gối kéo dài khoảng trên 6 tháng. Hiện nay là mổ sớm, trước khi cơ đùi bị teo. Điều này sẽ giúp phục hồi chức năng khớp gối sau phẫu thuật tốt hơn.

Phẫu thuật nội soi tái tạo lại dây chằng chéo khớp gối thực hiện được ở nhiều độ tuổi và thường dưới 55 tuổi vì dễ hồi phục. Thực hiện ở các độ tuổi cần hoạt động nhiều có nhu cầu vận động, nhu cầu làm việc nặng với các triệu trứng lâm sàng và lỏng gối ưu tiên điều trị phẫu thuật tái tạo lại dây chằng chéo.

CHĂM SÓC SAU MỔ:

  • Đặt dẫn lưu khớp gối theo dõi chảy máu sau mổ và rút dẫn lưu trong ngày hôm sau.
  • Theo dõi mạch nhiệt độ sau mổ, khám kiểm tra chân vận động bàn chân sau khi hết tác dụng của thuốc tê.
  • Bắt đầu cho tập vật lý trị liệu phục hồi chức năng khớp gối ngay sau khi rút dẫn lưu.
  • Cắt chỉ 14 ngày sau mổ.
  • Hẹn tái khám mỗi 2 tuần sau mổ trong tháng đầu, các tháng tiếp theo trong năm tái khám mỗi 4 tuần.

Phẫu thuật nội soi tái tạo lại dây chằng chéo thực hiện thường quy tại Bệnh viện Đa khoa thành phố Cần Thơ được áp dụng vào năm 2009. Qua từng bước phát triển, đến nay, theo thống kê sáu tháng đầu năm 2019, nhờ vào phẫu thuật nội soi tái tạo lại dây chằng chéo tại Bệnh viện đã phẫu thuật thành công 26 case. Phẫu thuật nội soi tái tạo lại dây chằng chéo đã góp phần to lớn mang lại niềm hy vọng cho bệnh nhân, giúp người bệnh có thể đi lại bình thường.




BS. Phạm Thanh Hậu, Khoa Ngoại Chấn thương - Bỏng

  In bài viết



tin nổi bật


Đơn vị trực thuộc

Tìm kiếm tin tức