TIN TỨC BỆNH VIỆN

ĐIỀU TRỊ HIỆU QUẢ CÁC RỐI LOẠN NHỊP CHẬM BẰNG KỸ THUẬT CẤY MÁY TẠO NHỊP VĨNH VIỄN
[ Cập nhật vào ngày (11/11/2019) ]

Bệnh lý tim mạch đang ngày càng phổ biến trên thế giới và là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở những nước đã phát triển cũng như một số nước đang phát triển. Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới năm 2017, có khoảng 17,7 triệu người trên toàn thế giới tử vong liên quan đến bệnh lý tim mạch, chiếm 31% các trường hợp tử vong. Trong số các bệnh lý tim mạch, rối loạn nhịp tim là một nhóm bệnh tim mạch đặc thù riêng và thường gặp. Với sự phát triển của khoa học và kỹ thuật, một chuyên ngành mới trong lĩnh vực tim mạch đã ra đời, chuyên nghiên cứu về rối loạn nhịp tim. Các phương pháp điều trị rối loạn nhịp tim ngày càng có những bước tiến vượt bậc.


Rối loạn nhịp chậm có thể gây ra nhiều triệu chứng/hoặc suy cơ quan, biến chứng sau cùng của nhịp tim chậm là ngừng tim, đột tử. Khi tim đập quá chậm, máu đến các cơ quan trong cơ thể không đủ. Sự cung cấp thiếu oxy và chất dinh dưỡng có thể dẫn đến suy các cơ quan. Cơ quan bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi tình trạng thiếu oxy và glucose là não. Những triệu chứng gây ra bởi thiếu máu cung cấp cho não bao gồm chóng mặt, hay quên, mất ý thức. Những triệu chứng xảy ra do thiếu máu cung cấp cho cơ quan bao gồm mệt mỏi, khó chịu. Giảm cung cấp máu cho những cơ quan khác có thể dẫn đến suy tim, thận và gan. Việc điều trị rất cần thiết, có thể điều trị loạn nhịp tim chậm bằng thuốc hoặc kích thích điện để tăng nhịp tim. Điều trị nội khoa bằng thuốc tăng nhịp tim ít hiệu quả và có nhiều tác dụng phụ. Để tăng nhịp tim ổn định lâu dài, hữu hiệu nhất là cấy máy tạo nhịp tim vĩnh viễn.

Cấy máy tạo nhịp tim vĩnh viễn là một phương pháp điều trị cơ bản, an toàn cho các rối loạn nhịp tim chậm. Vào năm 1973, lần đầu tiên nước ta đặt được máy tạo nhịp tim. Những năm đầu, các ca đặt máy tạo nhịp được tiến hành với sự kết hợp nội khoa và ngoại khoa và chuẩn bị như một cuộc mổ lớn. Từ năm 1988, nhờ những tiến bộ mới, kỹ thuật đặt máy tạo nhịp đã phổ biến tại Viện tim mạch Quốc gia Việt Nam. Tại Bệnh viện Đa khoa thành phố Cần Thơ, kể từ sau khi tiếp nhận trang thiết bị hiện đại hệ thống máy DSA từ nguồn vốn ODA của Pháp tài trợ, bệnh viện có điều kiện triển khai nhiều kỹ thuật cao trong các lĩnh vực can thiệp tim mạch, trong đó có kỹ thuật cấy máy tạo nhịp vĩnh viễn. Tính từ thời điểm bắt đầu triển khai kỹ thuật này dưới sự chuyển giao từ Bệnh viện Chợ Rẫy vào tháng 2/2017 đến nay, Bệnh viện Đa khoa thành phố Cần Thơ đã thực hiện cấy máy tạo nhịp vĩnh viễn thành công cho gần 250 trường hợp”.

  • Máy tạo nhịp tim là gì?

Máy tạo nhịp là một thiết bị điện tử được cấy dưới da, cho phép sử dụng các xung điện từ các điện cực để điều hòa nhịp tim. Mục đích chính của máy là duy trì nhịp tim, sử dụng cho những trường hợp bị rối loạn nhịp tim (tim đập quá nhanh, quá chậm hoặc không đều) nhưng không đáp ứng với thuốc điều trị. Các máy tạo nhịp hiện đại ngày này có thể lập trình từ bên ngoài và bác sĩ sẽ dễ dàng điều chỉnh các thông số để đạt được nhịp tim tối ưu cho bệnh nhân.

  • Máy tạo nhịp được đặt trong những trường hợp nào?

Chỉ định thông dụng nhất của máy tạo nhịp tim là đối với những bệnh nhân có nhịp quá chậm, dưới 40 lần/phút, gây nên các triệu chứng như chóng mặt, mệt mỏi, mất khả năng hoạt động gắng sức, ngất xỉu, choáng váng... Nhịp chậm do rất nhiều nguyên nhân khác nhau, chủ yếu là do bị tắc nghẽn đường dẫn truyền nhĩ thất độ II và III; bệnh nhân bị suy nút xoang; bệnh nhân có rung nhĩ với cơn nhịp nhanh, chậm xen kẽ (lúc đó nếu điều trị nhịp nhanh thì sẽ làm cho cơn nhịp chậm bị nặng lên – nguy hiểm đến tính mạng người bệnh).

  • Vậy máy tạo nhịp tim được lập chương trình như thế nào?

Đó là nhờ một phương tiện được gọi là máy lập chương trình (Programmer): máy có thể kiểm tra được tất cả các thông số hoạt động của máy tạo nhịp như ngưỡng kích thích, ngưỡng nhận cảm, điện trở của máy tạo nhịp, điện trở của điện cực, biên độ kích thích, độ rộng của xung kích thích, sự tiêu hao của pin ... và lập chương trình hoạt động cho máy tạo nhịp sao cho hợp lý và tiết kiệm năng lượng. Máy lập chương trình thực chất là một máy tính có cài sẵn chương trình phần mềm riêng biệt được nối với một đầu lập chương trình và một máy in. Đầu lập chương trình có gắn nam châm và các mạch điện tử để liên lạc với máy tạo nhịp qua sóng điện từ hay từ trường. Khi kiểm tra máy tạo nhịp, các bác sĩ chỉ cần áp đầu nhận cảm của máy lập chương trình ở ngoài da, ngay trên máy tạo nhịp. Nhờ cơ chế hoạt động từ trường, máy sẽ nhận hoặc truyền các tín hiệu điều khiển máy tạo nhịp thông qua đầu nhận cảm này một cách dễ dàng.

  • Máy tạo nhịp được hoạt động theo nguyên lý nào?

Nguyên lý hoạt động của máy rất phức tạp. Nhưng có thể hiểu một cách đơn giản là: tim co bóp được trước hết là nhờ trung tâm chủ nhịp phát ra những xung động điện học, các xung động điện học này thông qua hệ thống dẫn truyền được truyền đến tận tế bào cơ tim, kích thích làm cho cơ tim co bóp. Máy tạo nhịp có khả năng phát hiện các hoạt động tạo nhịp này của tim, do vậy, nếu hoạt động điện học này của tim không đảm bảo (ví dụ tạo ra nhịp quá chậm, làm cho tim không bơm đủ máu lên não, gây triệu chứng thiếu máu não) trong trường hợp này, máy tạo nhịp sẽ bổ xung các xung động kích thích, đảm bảo cho tim co bóp được đúng tần số theo chương trình đã được lập từ trước. Trái lại, nếu tim hoạt động bình thường thì máy sẽ không phát ra xung động nào nữa, để nguyên cho tim tự duy trì hoạt động của mình.

  • Máy tạo nhịp được cấy vào cơ thể như thế nào?

Việc cấy máy tạo nhịp gồm có 2 phần. Đầu tiên là đặt điện cực vào buồng tim, các máy tạo nhịp có nhiều loại khác nhau; các máy điều trị rối loạn nhịp chậm có từ 1-2 điện cực đặt vào 1 đến 2 buồng tim khác nhau (tâm nhĩ phải và tâm thất phải). Sau khi đã xác định được vị trí tốt của điện cực, nó sẽ được cố định vào thành tim. Bước tiếp theo là đặt máy tạo nhịp; vị trí đặt máy thông thường là ngay dưới da, vùng ngực dưới xương đòn bên trái. Các bác sĩ sẽ tiến hành rạch da vừa đủ để đặt chiếc máy tạo nhịp vào đó; các điện cực sẽ được gắn vào máy và ngay lúc đó máy tạo nhịp đã bắt đầu công việc của mình.

  • Bệnh nhân có đặt máy tạo nhịp cần chú ý đặc biệt đến những vấn đề gì?

- Theo dõi máy: trước khi xuất viện, bác sĩ sẽ kiểm tra lại máy tạo nhịp và có những điều chỉnh cần thiết cho phù hợp với từng bệnh nhân. Sau đó, nếu không có diễn biến bất thường, người bệnh sẽ được hẹn đến kiểm tra định kỳ sau 1 tháng, 3 tháng rồi 6 tháng 1 lần (hoặc người bệnh phải đến kiểm tra ngay nếu thấy có những dấu hiệu bất thường).

- Đi lại và hoạt động: sau khi xuất viện, người bệnh có thể sinh hoạt bình thường. Bệnh nhân được cắt chỉ vết mổ sau 7 ngày. Một tháng sau, bệnh nhân được tái khám, nếu máy tốt, người bệnh có thể quay lại công việc bình thường, tuy nhiên phải tránh các công việc nặng nhọc, các công việc đòi hỏi hoạt động thể lực nhiều. Bệnh nhân sẽ dần dần quay trở lại mọi hoạt động một cách từ từ dưới sự theo dõi và hướng dẫn cụ thể của thày thuốc. Những người từng chơi thể thao, sau khi đặt máy tạo nhịp, cần ngưng hẳn các môn thể thao thi đấu, chỉ nên chơi thể thao nhẹ, có tính chất giải trí.

- Lái xe: nếu có đeo dây đai bảo hiểm, cần tránh để dây vắt ngang qua máy.

- Sử dụng điện thoại di động: nhiều nghiên cứu đã cho thấy những tác động tương hỗ giữa máy tạo nhịp với điện thoại di động. Do vậy, người mang máy tạo nhịp hạn chế nghe điện thoại bằng tai ở cùng phía với máy tạo nhịp (thông thường là tai trái), có thể nghe ở phía tai đối diện, để cho khoảng cách từ điện thoại di động tới máy tạo nhịp càng xa càng tốt, thời gian sử dụng càng ngắn càng tốt, nhất là khi chính người bệnh cảm thấy có “vấn đề” khi sử dụng điện thoại di động.

- Đặc biệt chú ý với những người mang máy tạo nhịp là: các thế hệ máy trước đây, bệnh nhân không được chụp hay lại gần máy cộng hưởng từ hạt nhân (máy MRI); khi đi qua hàng rào an ninh có thiết bị từ tính phải khai báo máy tạo nhịp, nếu tự ý đi qua sẽ có thể có những ảnh hưởng nghiêm trọng đến máy tạo nhịp (hàng rào này thường thấy ở sân bay khi đi qua một cổng từ, bệnh nhân phải khai báo máy tạo nhịp, khi đó nhân viên sẽ tắt từ trường để cho bệnh nhân đi qua, nếu không khai báo, khi đi qua từ trường sẽ có nguy cơ bị rối loạn hoạt động của máy). Không để, đặt các máy móc thiết bị có từ trường (nam châm) gần máy tạo nhịp vì nguy cơ ảnh hưởng đến chức năng của máy. Ngày nay các máy tạo nhịp thế hệ mới cho phép bệnh nhân có thể chụp MRI, tuy nhiên phải thông báo với bác sĩ để điều chỉnh máy trước khi chụp.

  • Pin thay thế cho máy tạo nhịp tim

Pin máy tạo nhịp tim có tuổi thọ từ 10 - 14 năm, tùy thuộc vào cách thức hoạt động của máy tạo nhịp tim. Để thay pin, bạn cần phải thực hiện phẫu thuật. Nhưng phẫu thuật này khá đơn giản, không phức tạp như khi đặt máy tạo nhịp ban đầu. Dây máy tạo nhịp tim vẫn có thể sử dụng nếu các bác sĩ kiểm tra dây vẫn còn hoạt động tốt. Bệnh nhân sẽ được thay máy tạo nhịp mới, giử nguyên dây điện cực cũ.

Cuộc sống với một máy tạo nhịp không phải lúc nào cũng dễ dàng, bạn có thể phải thay đổi một số thói quen nhất định. Nhưng mọi thứ sẽ dần trở lại bình thường và điều quan trọng hơn là nó đã giúp cho bạn có được những nhịp đập đều đặn. Bạn hãy làm tốt nhất những gì có thể theo hướng dẫn của bác sĩ và ghi nhớ những lưu ý phía trên để tránh những sai lầm không đáng có cũng như tận hưởng trọn  vẹn cuộc sống cùng máy tạo nhịp tim.




ThS.BS. Lê Văn Cường, Phó trưởng khoa Nội Tim mạch - Lão học

  In bài viết



tin nổi bật


Đơn vị trực thuộc

Tìm kiếm tin tức