TIN TỨC BỆNH VIỆN

HỢP TÁC THỰC HIỆN DỰ ÁN NGHIÊN CỨU ĐIỀU TRA BỆNH RICKETTSIA, SỐT MÒ VÀ SỐT Q
[ Cập nhật vào ngày (19/06/2019) ]

Đó là nội dung buổi làm việc để phối hợp thực hiện Đề tài nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước: “Nghiên cứu điều tra bệnh Rickettsia, sốt Mò và sốt Q tại bệnh viện và cộng đồng trên toàn quốc” giữa Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương và Bệnh viện Đa khoa thành phố Cần Thơ vào sáng ngày 19/6/2019.


Tham gia buổi làm việc gồm có PGS.TS Nguyễn Vũ Trung, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhiệt Trung ương và các thành viên tham gia đề tài nghiên cứu khoa học. BSCKII. Võ Hồng Sở, Phó Giám đốc và lãnh đạo các khoa, phòng của Bệnh viện Đa khoa thành phố Cần Thơ có liên quan.

PGS.TS Nguyễn Vũ Trung, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhiệt đới cho biết: Đề tài có thời gian thực hiện trong vòng 4 năm (từ 2018-2022) và chia làm 2 giai đoạn: Giai đoạn 1 (2 năm đầu), nghiên cứu tại 33 bệnh viện ở 30 tỉnh, thành thuộc 8 vùng sinh thái trên cả nước. Giai đoạn 2 (2 năm sau) nghiên cứu tại cộng đồng thuộc 30 tỉnh, thành đã tham gia vào giai đoạn 1. Dự án này do Trung tâm nghiên cứu Y khoa Hải Quân Hoa Kỳ (NMRC) tài trợ kinh phí thực hiện.

BSCKII. Võ Hồng Sở, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa thành phố Cần Thơ thông tin: Việc hợp tác thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học này có ý nghĩa lớn đó là giúp cho bác sĩ nâng cao khả năng chẩn đoán, điều trị kịp thời đối với các bệnh Rickettsia, sốt Mò và sốt Q do được thực hiện các xét nghiệm để chẩn đoán đối với 03 bệnh này.

Hiện nay, trong vùng ĐBSCL chưa có BV nào xét nghiệm đối với các bệnh này vì bệnh ít gặp nên các cơ sở khám, chữa bệnh không triển khai thực hiện. Vì thế, khi người bệnh vào viện do sốt thì bác sĩ chỉ định lấy máu người bệnh xét nghiệm tìm các nguyên nhân thường gặp như: sốt xuất huyết, sốt rét, rubella, nhiễm khuẩn huyết,… loại trừ dần, rồi mới nghĩ đến bệnh nhân bị Rickettsia hoặc sốt Mò, sốt Q.

Bệnh Rickettsia là một bệnh do vi khuẩn Rickettsia gây ra, chúng thường ký sinh trên động vật gặm nhấm như chuột, chó, mèo…. Khi bọ chét, mạc (ấu trùng mạc), chấy, rận cắn những động vật này thì sẽ mang mầm bệnh và khi chúng cắn, đốt người vi khuẩn xâm nhập vào máu gây nên bệnh Rickettsia.

Còn bệnh sốt Mò, là một bệnh do tác nhân Orientia tsutsugamushi gây ra, có ổ dịch trong thiên nhiên, truyền ngẫu nhiên sang người khi bị ấu trùng Mò đốt. Điều đặc biệt là khi con Mò mang mầm bệnh thì mầm bệnh này duy trì đến 3 đời Mò. Khi bị Mò đốt, tiết ra chất giảm đau nên phần lớn người bị đốt không hay biết (vết đốt bằng đầu đũa ăn) và thời gian ủ bệnh từ 8 ngày đến 12 ngày (đôi khi đến 21 ngày). Do vết đốt không đau, thường nằm ở vị trí khuất nên nhiều người bị đốt mà không hề hay biết. Mò thường sống nơi đất xốp, ẩm ướt như khe hang, ven sông, suối, bụi rậm… Đối với sốt Mò, vết đốt chính là “tiêu chuẩn vàng” trong chẩn đoán bệnh này. Tuy nhiên, bệnh có thời gian ủ bệnh kéo dài đến khi có biểu hiện bệnh thì vết đốt đã lành nên khó cho chẩn đoán.

Riêng với sốt Q, là một bệnh của súc vật (cừu, bò, dê, mèo, chim…) lây sang người qua chất thải của súc vật, nhau thai, sữa do tiếp xúc trực tiếp hoặc lây qua đường hô hấp.

Nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời, cả ba bệnh trên đều có thể diễn tiến nặng, nguy cơ tử vong cao.




Tin, ảnh: Kim Điều

  In bài viết



tin nổi bật


Đơn vị trực thuộc

Tìm kiếm tin tức