TIN TỨC BỆNH VIỆN

DINH DƯỠNG HỢP LÝ CHO BỆNH NHÂN TIỂU ĐƯỜNG
[ Cập nhật vào ngày (30/01/2019) ]

Bác sĩ Lưu Ngọc Trân, Trưởng Khoa Nội tiết, Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ, khuyên người mắc bệnh tiểu đường cần một chế độ ăn hợp lý, cân bằng năng lượng để đảm bảo sức khỏe. Trong ngày Tết cổ truyền, tùy vào tình trạng bệnh, người bệnh vẫn có thể thưởng thức những món ngon của ngày Tết.


Bác sĩ Lưu Ngọc Trân nêu một số lưu ý quan trọng người bệnh tiểu đường cần biết. Đó là các loại bánh, mứt, kẹo, đồ uống có gas, hoa quả sấy khô, trái cây, bánh tét, bánh chưng, xôi chè… chứa nhiều đường và hấp thu nhanh vào máu khiến đường trong máu tăng nhanh sau ăn. Người bệnh tiểu đường nên ăn hạn chế.

Thực phẩm giàu năng lượng, chất đạm, chất béo dễ khiến người bệnh rơi vào tình trạng mất kiểm soát mỡ máu, huyết áp. Người thừa cân, béo phì cần hạn chế thực phẩm nhiều chất béo, chất đạm như giò lụa, thịt ba chỉ kho tàu, thịt gà… Những món có nhiều tinh bột như: bánh chưng, bánh tét, xôi chè…  nên ăn lượng vừa phải: 1-2 khoanh bánh tét, 1/8 lát bánh chưng loại 1 kg hay ½ chén xôi hoặc chè, ăn kèm theo các loại rau xanh, dưa chua, củ quả… là loại thực phẩm chứa nhiều chất xơ, có chỉ số tăng đường huyết thấp.

Củ kiệu, dưa hành, rất nhiều đường, nên hạn chế, có thể ăn một chút cho có hương vị Tết. Tổng số lượng ăn của những loại trên không quá một muỗng mỗi bữa. Đối với trái cây nên chọn những loại trái ít ngọt, khoảng 200gram mỗi ngày, sau bữa ăn trưa và chiều. Tuyệt đối không được ăn trái cây để thay các loại thực phẩm khác. Người bệnh cần ăn đủ bữa (sáng, trưa, chiều) và cố gắng ăn số lượng không thay đổi so với ngày thường, tăng cường rau (đủ 400g rau/ngày).

Uống đủ nước 1,5-2 lít mỗi ngày. Uống thuốc và tiêm insulin theo đúng toa thuốc đã hướng dẫn. Không thức khuya để tránh tăng đường huyết do stress. Nếu đi du lịch: Duy trì sự cố định của giờ ăn; nếu lệch giờ ăn thường ngày, có thể ăn 4 cái bánh loại dành cho người tiểu đường kèm 1 hộp sữa không đường để tránh hạ đường huyết. Sau khi ăn như vậy, đến bữa ăn chính chỉ ăn một nửa số lượng của bữa ăn hàng ngày.       

Ngày Tết, người bệnh tiểu đường cần đo đường huyết sau ăn thường xuyên hơn, nếu chỉ số đường huyết sau ăn tăng cao hơn bình thường thì không nên ăn tiếp những thực phẩm này.

Trong những bữa tiệc có rượu bia, với người bệnh tiểu đường, uống rượu bia với lượng vừa phải không ảnh hưởng nhiều đến việc kiểm soát đường huyết trong thời gian dài. Có thể sử dụng bia (độ cồn 5%) đối với nam không quá 2 lon và nữ không quá 1 lon nếu không có chống chỉ định, rượu không quá 2 ly nhỏ (30ml) và tùy theo nồng độ cồn, nồng độ càng cao thì lượng càng ít. Người bệnh nên uống nước trà hoặc một chút vang đỏ có lợi cho sức khỏe và giúp bảo vệ tim mạch. Uống rượu bia nhiều có nguy cơ tăng triglyceride máu, cần hạn chế uống rượu vì rượu có thể làm lu mờ các triệu chứng hạ đường huyết, có thể gây nhầm lẫn trong xử trí của những người thân xung quanh và ảnh hưởng đến tính mạng người bệnh.

Bên cạnh chế độ dinh dưỡng hợp lý, đối với người trẻ nên tập thể dục nhịp điệu với cường độ trung bình hoặc cao, ít nhất 60 phút/ngày cùng với các hoạt động kháng lực cơ mạnh ít nhất 3 ngày/tuần. Người lớn bệnh tiểu đường nên tham gia hoạt động thể lực với cường độ vừa phải đến cao, ít nhất 150 phút/tuần, không nên ngưng 2 ngày liên tiếp không tập. Người bệnh tiểu đường cao tuổi nên tập Yoga và Khí công 2-3 lần/tuần nhằm tăng sự linh hoạt, sức mạnh cơ bắp và thăng bằng, giúp giảm teo cơ và đau khớp.

Hoạt động thể lực không những làm giảm đường huyết, giảm huyết áp, cải thiện các chỉ số mỡ máu mà còn giúp cho tinh thần người bệnh được thoải mái, nâng cao chất lượng cuộc sống. Với một số thông tin về chế độ ăn và vận động cho người bệnh tiểu đường, hy vọng sẽ mang đến cho mọi người nói chung và người bệnh tiểu đường nói riêng những lời khuyên hữu ích để có bữa ăn cho mình đảm bảo dinh dưỡng và kiểm soát được bệnh trong ngày Tết.




Minh Thơ Theo Báo Cần Thơ

  In bài viết



tin nổi bật


Đơn vị trực thuộc

Tìm kiếm tin tức