TIN TỨC BỆNH VIỆN

CỨU SỐNG BỆNH NHÂN NHỒI MÁU CƠ TIM – KHÔNG TIỀN CHẠY CHỮA
[ Cập nhật vào ngày (07/01/2019) ]

Ê kíp bác sĩ Tim mạch can thiệp vừa kịp thời cứu sống cụ bà Phạm Thị C (71 tuổi, ở huyện Thới Lai) bị nhồi máu cơ tim cấp dù chưa có tiền đóng viện phí.


  • Níu giữ sự sống cho cụ bà

Bệnh nhân Phạm Thị C nhập viện do bị đau ngực dữ dội, khó thở được người nhà đưa đến bệnh viện trong tình trạng lơ mơ, huyết áp không đo được. Một thách thức lớn cho các bác sĩ là bệnh nhân đã lớn tuổi cộng thêm việc bệnh nhân này không được theo dõi hay khám bệnh thường xuyên trong khi bệnh nhồi máu cơ tim cấp diễn tiến nặng càng dần đe dọa sinh mạng bệnh nhân.

Xác định đây là tổng hợp nghiêm trọng, các bác sĩ khoa Hồi sức cấp cứu đã tiến hành hội chẩn khẩn cấp cùng các bác sĩ phẫu thuật gây mê – hồi sức, bác sĩ đơn nguyên Tim mạch can thiệp. Để ổn định sinh hiệu sẵn sàng cho bác sĩ tim mạch can thiệp tiến hành can thiệp mạch vành cấp cứu, bệnh nhân được đặt nội khí quản và dùng thuốc vận mạch liều cao.

Sau khi có đầy đủ các dữ liệu lâm sàng và cận lâm sàng, các bác sĩ ê kíp Tim mạch can thiệp đã quyết định tiến hành chụp động mạch vành đồng thời phát hiện nhiều nhánh động mạch bị tắc gần hoàn toàn. Kết quả, mạch vành của bệnh nhân bị tắt nhánh chính bên trái nuôi tim, hẹp 80% nhánh LD I và II đoạn gần liên thất trước, hẹp 80% đoạn RCA III phía bên phải. Việc đặt stent mạch vành là giải pháp cấp thiết nhằm cứu sống bệnh nhân. 

Do sự phức tạp của tổn thương, sang thương bị vôi hóa nhiều, các bác sĩ gần như không thấy đường đi của thuốc cản quang làm cho quá trình cấp cứu kéo dài và khó khăn. Để giải quyết tình huống, các bác sĩ lần theo mốc mạch vành vôi hóa. Sau khoảng 2 giờ can thiệp cấp cứu, dòng máu đã tái thông, thêm 48 giờ sau, bệnh nhân đã được rút nội khí quản.  

  • Không tiền vẫn một lòng cứu chữa

Đi cùng bệnh nhân vào viện chỉ có 2 người cháu gọi bằng cô (bệnh nhân C thuộc gia đình neo đơn, không con cái). Tuy nhiên, điều đáng nói là khi được bác sĩ thông báo cần can thiệp cấp cứu gấp và khoản tiền đóng viện phí quá lớn thì ngay cả tiền tạm ứng người nhà không có đồng nào.

Bà C hồi phục diệu kỳ sau ca can thiệp mạch vành cấp cứu.

Chị Phạm Thị Phượng (cháu bệnh nhân) gần như chết lặng. Khi nghe bác sĩ giải thích tình trạng bệnh và chỉ định phải cấp cứu tối khẩn cấp, hai hàng nước mắt chị Phương cứ tuông rơi mà không nói nên lời. Ý định buông xuôi theo số phận đã nhem nhóm. “Lúc đó, trong túi của 2 chị em tôi chỉ có chưa đầy 200 ngàn. Thấy cô mình đau đến bất tỉnh tôi cũng không biết phải làm gì tiếp theo” – chị Phượng tâm sự.

Bệnh nhân Phạm Thị C dù tuổi đã hơn 70 nhưng hàng ngày vẫn đi nấu cơm mướn cho một doanh nghiệp tại Khu công nghiệp Trà Nóc. Bà hiện đang sống cùng người em gái (tuổi cũng đã quá 60). Tuổi già, sức yếu, không chồng không con làm cho hoàn cảnh vốn cực nhọc càng thêm khó khăn. Đặc biệt, việc chăm sóc sức khỏe tuổi già gần như bị lãng quên. Mãi cho đến khi cơn đau tim bắt đầu bộc phát càng nặng dần, bà C mới chịu đi đến bệnh viện khám. Đây là lần nhập viện đầu tiên trong đời bà cụ.

Đứng trước hoàn cảnh đó, các bác sĩ đã động viên người thân còn nước còn tát, nỗ lực cứu sống bệnh nhân dù hy vọng có mong manh thì cũng cố gắng. Lãnh đạo khoa Hồi sức tích cực – Chống độc đã trực tiếp xin ý kiến của Ban Giám đốc và nhận được cái gật đầu “cứu bệnh nhân trước, chi phí điều trị sẽ tính sau”.

“May nhờ có các bác sĩ hết lòng cứu chữa kịp thời, không thì cô tôi chắc không qua khỏi. Sau gần nửa ngày chờ đợi tin báo từ phòng phẫu thuật, chúng tôi mới thật sự hoàn hồn trở lại. Lúc này, chị em tôi cố gắng quyên góp hàng xóm, bà con được 10 triệu đồng đóng viện phí. Gần như phần còn lại đều nhờ bệnh viện vận động mạnh thường quân hỗ trợ” – chị Phượng, chia sẻ thêm.




Bài, ảnh: K.Đ

  In bài viết



tin nổi bật


Đơn vị trực thuộc

Tìm kiếm tin tức