TIN TỨC BỆNH VIỆN

PHÁN ĐOÁN CHÍNH XÁC – CỨU SỐNG BỆNH NHÂN NHỒI MÁU CƠ TIM
[ Cập nhật vào ngày (16/12/2018) ]
Toàn bộ quá trình can thiệp mạch vành cấp cứu được diễn ra vỏn vẹn 30 phút sau khi bệnh nhân nhập viện
Toàn bộ quá trình can thiệp mạch vành cấp cứu được diễn ra vỏn vẹn 30 phút sau khi bệnh nhân nhập viện

Quyết định nhanh chóng, chính xác, bác sĩ kịp thời cứu bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim thoát khỏi tay “tử thần”. Toàn bộ quá trình can thiệp mạch vành cấp cứu được diễn ra vỏn vẹn 30 phút sau khi bệnh nhân nhập viện.


Tiếng chuông điện thoại chưa dứt hồi reo thứ nhất, giọng BSCKII. Đặng Văn Hải, Phó trưởng khoa Hồi sức cấp cứu vang lên gấp gáp: “Có ca nhồi máu cơ tim tiên lượng rất nặng vừa nhập viện, em vào khoa gấp nhé!”. Vội vàng rời khỏi lớp tập huấn, đúng 10 phút sau, ThBS. Đoàn Thanh Tuấn – khoa Nội tim mạch – Lão học có mặt tại khoa Hồi sức cấp cứu.

  • 30 phút chạy đua với “cơn nguy kịch”

Nằm trên giường, bệnh nhân Đặng Văn M. 72 tuổi (ở huyện thới Lai) quằn quại vì cơn đau dữ dội vùng ngực kèm theo từng đợt nôn ói. Ông cố gắng gồng người lại chịu đựng cơn đau đang vật vã.

Đánh giá đây là một trường hợp bệnh lý nội khoa nặng, các bác sĩ khoa Hồi sức cấp cứu, Phẫu thuật - Gây mê - Hồi sức và Nội tim mạch – Lão học đã cùng nhau hội chẩn khẩn trương. Kết quả hội chẩn và cận lâm sàng nhanh cho thấy bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim cấp thành dưới. Tình trạng tiên lượng nặng hơn khi bệnh nhân bị rối loạn nhịp chậm (tần số 30 lần/phút), block nhĩ thất hoàn toàn, choáng tim. Trong khoảng thời gian gần như chỉ được tính bằng phút, yêu cầu đặt ra cho ê kíp là phải lập tức đưa ra phương án điều trị cho bệnh nhân vừa chính xác vừa chạy đua với “cơn nguy kịch” đang gần kề.

10 phút sau, bệnh nhân đã được chuyển lên xe và đẩy vào khu vực phẫu thuật. Người nhà bệnh nhân vẫn chưa kịp hoàn tất thủ tục hành chính. Ê kíp thay nhau động viên người nhà rồi bắt tay vào thực hiện cấp cứu.

Phòng DSA bật sáng, bệnh nhân được sử dụng thuốc hồi sức để nâng huyết áp trước khi can thiệp mạch vành. Mọi thao tác phối hợp giữa bác sĩ khoa Nội tim mạch – Lão học,  Hồi sức cấp cứu và Phẫu thuật – Gây mê – Hồi sức gần như nhịp nhàng. Ống thông được cài vào lỗ động mạch vành, hình ảnh trên màn hình thể hiện rõ bệnh nhân bị tắc nhánh động mạch vành mũ ưu thế (LCx) do nhiều huyết khối. Quá trình cấp cứu, bệnh nhân có biểu hiện rối loạn nhịp chậm cho nên ê kíp đã đặt máy tạo nhịp tạm thời. Thêm 2 phút nữa, nhịp tim bệnh nhân dần tạm ổn.

Chạy đua với thời gian trong cấp cứu người bệnh nhồi máu cơ tim là yếu tố sống còn quyết định sinh mạng bệnh nhân.

Nhiệm vụ chính của ThSBS. Đoàn Thanh Tuấn là tiến hành nong, khai thông nhánh hẹp để mở đường cung cấp oxy cho tim. 10 phút, rồi 20 phút, kim đồng hồ cứ quay dần, một stent được đặt ngay vị trí hẹp. Ê kíp dừng lại đôi chút quan sát bệnh nhân thêm 2 phút nữa. Kết quả chụp kiểm tra lại cho thấy tại vị trí nhánh bị tắc dòng máu đã lưu thông, tình trạng bệnh nhân bắt đầu khá lên. Huyết áp ổn định trở lại, chức năng tim dần cải thiện. Toàn bộ quá trình diễn ra trong vòng 30 phút, ê kíp đã tái thông được nhánh động mạch vành thủ phạm, chứng tỏ chiến thuật đúng đắn và chính xác.  

  • Thoát cơn nguy kịch

Cả ê kíp can thiệp đã thở phào nhẹ nhõm khi tái thông thành công mạch máu bị tắc cho người bệnh. Chỉ một ngày sau, bệnh nhân được đưa ra khỏi khu chăm sóc đặc biệt.

Nằm ở phòng chờ đợi con làm thủ tục xuất viện, ông M. cảm giác giống như mình đã đi một vòng “cửa tử”. Sau một tuần nằm viện, cơn khó thở vì suy tim đã không còn đe dọa ông. Thay vào đó là niềm vui hiện rõ trên gương mặt cùng lời cảm ơn chân thành dành cho những thầy thuốc đã cứu mình. 

Lúc này, ông M. mới mường tượng điều gì đã xảy ra với mình. Khi đang ở nhà, ông M. một cơn khó thở ập đến. “Ở ngực giống như có vật gì đó đè lên, mệt dữ lắm, thở không được. Trước giờ tôi chưa từng bị như vậy. Con cái trong nhà hốt hoảng chở tôi đến bệnh viện” – ông M. chia sẻ.

“Ngoài việc được tăng cường cấp cứu tại chỗ, theo dõi sát và sẵn sàng xử lý các biến chứng, chúng tôi đã mạnh dạn đề nghị xin lệnh Ban Giám đốc cứu người trước khi người nhà hoàn thành các thủ tục viện phí” – Bác sĩ Tuấn, chia sẻ.  

Một ca cấp cứu tim mạch chỉ được gọi là thành công khi cứu sống được bệnh nhân và đảm bảo chất lượng sống của bệnh nhân sau khi xuất viện. Mấu chốt thành công trong cứu chữa ca bệnh này là kinh nghiệm trong việc nắm bắt và khả năng phán đoán chính xác, xử lý tốt tình huống trong khoảng thời gian hẹp. Bên cạnh đó, sự phối hợp nhịp nhàng giữa các bác sĩ cấp cứu, bác sĩ gây mê và các bác sĩ can thiệp cũng như ê kíp chăm sóc, hồi sức cho người bệnh sau can thiệp.

Nhồi máu cơ tim là bệnh lý nguy hiểm có nguy cơ tử vong cao do tắc nghẽn đột ngột mạch máu nuôi tim. Việc chạy đua với thời gian trong cấp cứu người bệnh nhồi máu cơ tim là yếu tố sống còn quyết định sinh mạng bệnh nhân.

 

 “Nếu có dấu hiệu đau ngực bất thường bệnh nhân nên đến bệnh viện nơi gần nhất để được khám và chẩn đoán kịp thời, bởi với bệnh lý động mạch vành thì thời gian cấp cứu là vàng” – ThSBS Đoàn Thanh Tuấn, khuyến cáo.

 Can thiệp mạch vành là một kỹ thuật cao, sử dụng các dụng cụ chuyên dụng luồn vào lòng mạch tới vị trí mạch máu bị tắc, hẹp làm khôi phục dòng chảy trong mạch máu. Nhờ vậy kỹ thuật can thiệp động mạch vành đã thay thế cho nhiều phẫu thuật mỗ hở phức tạp trước đây. Thủ thuật này ít xâm lấn vì vậy giai đoạn hậu phẫu bệnh nhân trải qua tương đối nhẹ nhàng. Tốc độ phục hồi sức khỏe nhanh, thời gian nằm viện ngắn, tiết kiệm chi phí, nâng cao chất lượng cuộc sống. 



Mộc Miên

  In bài viết



tin nổi bật


Đơn vị trực thuộc

Tìm kiếm tin tức