Hiển thị tin chuyên mục

ĐỘT QUỴ NÃO – CĂN BỆNH NGUY HIỂM CÓ THỂ PHÒNG NGỪA VÀ ĐIỀU TRỊ ĐƯỢC
[ Cập nhật vào ngày (26/12/2019) ]

Nhằm nâng cao chất lượng điều trị tối ưu cho người bệnh, Bệnh viện Đa khoa thành phố Cần Thơ đã thành lập đơn nguyên Đột Quỵ thuộc Khoa Hồi sức tích cực – Chống độc, hiện đi vào hoạt động từ 4/2019 đã cấp cứu và điều trị đột quỵ rất thuận lợi và hiệu quả. Nhiều người bệnh đột quỵ não đã được cứu sống, giảm tỷ lệ tàn tật bằng phương pháp tiêu sợi huyết đường tĩnh mạch.


Đột quỵ não là nguyên nhân gây hàng đầu gây tử vong và tàn tật ở người trưởng thành. Hơn 20 năm qua, tỷ suất đột quỵ ở Việt Nam tăng đáng kể từ 213,58/100.000 người/năm (1990) lên đến 254,78/100.000 người/năm (2010). Mỗi năm Việt Nam có hơn 200.000 ca đột quỵ mới mắc, dẫn đến 11.000 người tử vong.

Bệnh thường xảy ra bất ngờ khi máu lên não bị gián đoạn đột ngột với 2 dạng chính là nhồi máu não tắc mạch và xuất huyết não vỡ mạch dẫn đến giảm hoặc mất chức năng của các tế bào não vùng mạch máu đó chi phối.

Tổ chức Đột quỵ não thế giới (WSO) đã phổ cập các dấu hiệu của đột quỵ với công thức FAST (nhanh) là viết tắt của Facial weakness (liệt mặt), Arm weakness (yếu tay/hoặc chân), Speech difficulty (nói khó), Time to act fast (thời điểm phải hành động nhanh).

Khi bị đột quỵ, ở người bệnh thường đột ngột xuất hiện một hoặc các dấu hiệu: Yếu nửa người và/hoặc mất cảm giác nửa người bên đối xứng; liệt mặt; khó nói; khó cử động; rối loạn ý thức và lú lẫn; nhìn một thành hai; chóng mặt; rung giật nhãn cầu...

Vấn đề quan trọng nhất trong cấp cứu và điều trị đột quỵ là thời gian vì “thời gian là não” nên người dân phải ý thức phát hiện những triệu chứng đột quỵ (FAST) và phải nhanh chóng đưa người bệnh đến cơ sở y tế trong khoảng thời gian vàng từ 3 - 4,5 giờ đồng hồ từ lúc khởi bệnh nhằm cứu sống người bệnh. Trên thực tế có hơn 90% người bệnh đột quỵ đến điều trị đã quá “thời gian vàng”, đặc biệt là nhiều người do chưa biết về các triệu chứng và sự nguy hiểm của đột quỵ nên lầm tưởng bị trúng gió đã tự chích lễ, bấm huyệt, xoa dầu, tự uống thuốc huyết áp… dẫn tới đến bệnh viện muộn khi phần lớn tế bào não đã chết, không thể phục hồi.

Dẫn một trường hợp bệnh nhân Ng.V.H 61 tuổi ngụ tại Bình Thủy, TP. Cần Thơ khi đang xem ti vi đột ngột méo miệng, nói đớ, yếu tay trái. Bệnh nhân được người nhà lập tức đưa tới bệnh viện vào giờ thứ 2. Bệnh nhân được tiếp nhận chụp CT-Scan sọ não loại trừ xuất huyết não, ngay lập tức Đơn nguyên Đột quỵ điều trị tái thông mạch não bằng thuốc tiêu sợi huyết tĩnh mạch. Sau dùng thuốc bệnh nhân phục hồi gần hoàn toàn: nói chuyện rõ, hết méo miệng, tay hết liệt (sức cơ phục hồi).

Về phương pháp ngăn ngừa đột quỵ não, mỗi người dân cần khám sức khỏe định kỳ, luôn giữ huyết áp ổn định, áp dụng chế độ ăn nhiều rau quả, không ăn quá mặn, quá ngọt và quá nhiều mỡ động vật, không hút thuốc lá và không lạm dụng rượu bia, uống nhiều nước và ngủ đủ giấc mỗi ngày, tránh tình trạng căng thẳng thần kinh quá mức và kéo dài, thường xuyên tập thể dục, kiểm soát mỡ máu và đường huyết, giữ cân nặng hợp lí, không tắm ngay sau khi vừa ở ngoài trời nắng gắt hoặc vận động thể lực ra nhiều mồ hôi, giữ ấm cơ thể tránh thay đổi nhiệt độ đột ngột. Khi có các dấu hiệu của đột quỵ, phải đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất trong khoảng thời gian nhanh nhất để thầy thuốc có “thời gian vàng” tái thông mạch máu não, cứu sống người bệnh.




BS. Nguyễn Thị Ngọc Hân, Đơn vị đột quỵ

  In bài viết