Hiển thị tin chuyên mục

TÌM HIỂU BỆNH SUY THẬN MẠN
[ Cập nhật vào ngày (21/10/2019) ]
Bệnh nhân lọc thận tại Bệnh viện Đa khoa thành phố Cần Thơ.
Bệnh nhân lọc thận tại Bệnh viện Đa khoa thành phố Cần Thơ.

Một khi bạn biết mình mắc bệnh suy thận mạn, cuộc sống của bạn có thể sẽ bị ảnh hưởng. Các phương pháp điều trị suy thận mạn giai đoạn cuối như: lọc máu bằng thận nhân tạo, lọc màng bụng hay ghép thận đều tác động rất nhiều lên cuộc sống và thậm chí có thể làm thay đổi lối sống của bạn. Vậy nên, tìm hiểu bệnh thận mạn giai đoạn sớm sẽ giúp ích rất nhiều cho 2 quả thận thân yêu của bạn.


  • Thận bình thường hoạt động như thế nào?

Thận đóng vai trò quan trọng đối với sức khỏe của con người. Hầu hết mọi người đều được sinh ra với 2 quả thận, mỗi quả thận nằm đối xứng 2 bên cột sống, ngay phía dưới lồng ngực. Thận có hình như hạt đậu, kích thước cỡ như một nắm tay nhỏ (khoảng 12cm) và nặng khoảng 150 gram.

Bệnh nhân lọc thận tại Bệnh viện Đa khoa thành phố Cần Thơ.

  • Thận khỏe mạnh giúp chúng ta những gì?

          -  Loại bỏ những độc chất thải từ máu.

          -  Loại bỏ lượng dịch dư thừa qua nước tiểu.

          -  Hỗ trợ kiểm soát huyết áp.

          -  Hỗ trợ tạo hồng cầu hay tạo máu.

          - Tham gia vào quá trình sản xuất vitamin D giữ cho xương chắc khỏe.

          - Cân bằng các chất điện giải và kiềm toan giúp cơ thể cân bằng.

  • Khi thận suy sẽ dần mất đi các chức năng trên dẫn đến điều gì?

          - Thận không còn lọc được độc chất khiến cơ thể mất cân bằng nội môi.

          - Thận không còn loại bỏ lượng nước dư thừa trong cơ thể sẽ gây phù.

          - Bạn sẽ bị tăng huyết áp.

          - Bạn có thể bị thiếu máu, suy thận càng nặng thiếu máu càng nhiều.

- Bạn có thể mắc các bệnh về xương như loãng xương, đau nhức xương.

Khi thận suy nặng, nghĩa là 2 thận đã chết và mất chức năng thì bạn cần phải lọc thận nhân tạo hay ghép thận mới có khả năng duy trì cuộc sống như người bình thường.

  • Những nguyên nhân nào thường gặp nhất của bệnh suy thận mạn?

- Đái tháo đường

- Tăng huyết áp

          - Bệnh lý của thận như: Hội chứng thận hư, Viêm thận lupus,…

          - Sỏi thận niệu không điều trị hiệu quả.

          - Nhiễm trùng tiểu tái đi tái lại nhiều lần.

- Có một số trường hợp không rõ nguyên nhân gây ra bệnh suy thận mạn.

  • Một số triệu chứng nào bạn có thể gặp phải là?

Triệu chứng bệnh thận có thể khác nhau tùy bệnh nhân. Một số bệnh nhân thậm chí còn không thấy mệt mỏi, hoặc cũng chẳng để ý đến những triệu chứng của họ. Thường thì bệnh nhân sẽ không cảm thấy triệu chứng gì cho đến khi thận của họ không còn loại bỏ được chất thải được nữa. Đó là lý do tại sao mà chúng ta vẫn thường hay gọi bệnh thận là một bệnh “thầm lặng”. Thông thường, mọi người mất tới 90% chức năng thận của mình trước khi nhận thấy bất kỳ triệu chứng nào.

  • Các dấu hiệu đầu tiên có thể chung chung bao gồm:

          - Cảm giác mệt mỏi/hoặc yếu sức

          - Khó thở nhẹ liên tục

          - Phù tay và chân

          - Thay đổi số lần và số lượng đi tiểu, hay tiểu đêm.

          - Thay đổi màu sắc trong nước tiểu, có thể tiểu máu.

- Mất cảm giác ngon miệng, chán ăn, buồn nôn, nôn, sụt cân, có vị kim loại trong miệng.

          - Khó ngủ, đau đầu, mất tập trung, ngứa, chuột rút.

  • Những ai cần tầm soát bệnh thận mạn?

- Từ 60 tuổi trở lên

- Bản thân bị sinh thiếu tháng từ nhỏ (<2,5kg)

- Gia đình có người đã mắc bệnh thận

- Béo phì (BMI >30)

- Người hút thuốc lá

- Mắc bệnh tiểu đường

- Mắc bệnh cao huyết áp

- Đã mắc phải các vấn đề về tim hoặc từng đột quỵ.

  • Bệnh thận mạn tính được chẩn đoán như thế nào?

Nếu nghi ngờ mắc bệnh thận, bạn phải được thực hiện một số xét nghiệm chức năng thận để xem thận đang làm việc tốt như thế nào và giúp lập kế hoạch điều trị bảo tồn thận của bạn, các xét nghiệm bao gồm:

- Công thức máu: xem tình trạng thiếu máu.

- Chức năng thận: Ure, Creatinine, điện giải đồ.

- Xét nghiệm tổng phân tích nước tiểu.

- Siêu âm thận đo kích thước 2 thận.

Tóm lại: Hiểu rõ chuyện gì đang xảy ra đối với 2 quả thận của bạn sẽ giúp bạn và gia đình chuẩn bị cho tương lai một cách tốt nhất, cũng như là để thích nghi với một cuộc sống mới. Và nên nhớ rằng bạn không chỉ có một mình, đội ngũ nhân viên y tế trực tiếp chăm sóc bạn sẽ luôn sẵn sàng giúp đỡ bạn.




BSCKI. Nguyễn Hoàng Bảo Ngọc - Trưởng khoa Nội thận - Tiết niệu - Lọc máu

  In bài viết